“Người Maori được đối xử một cách bình đẳng, công bằng và được coi trọng tại quê hương bản xứ. Đó là một yếu tố thuộc về lịch sử và tồn tại cho tới ngày nay ở đất nước này”, anh Nguyễn Minh, một người Việt Nam sinh sống lâu năm tại New Zealand đúc rút.

Thổ dân bình luận bóng đá trên truyền hình quốc gia

Trong trận đấu thứ hai của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023, hai người đàn ông cởi trần, mặt có hình xăm khá kỳ quái, cùng một người phụ nữ với trang phục lạ lẫm bước ra sân thi đấu. Họ trình diễn một điệu nhảy dân gian trước khi bắt đầu màn so tài giữa đội tuyển nữ Việt Nam và Bồ Đào Nha tại sân Waikato (Hamilton). Đó là những thổ dân Maori, tộc người bản địa New Zealand.

Lật ngược lịch sử trở lại vài trăm năm trước, khi người Anh phát hiện ra New Zealand-quốc gia vẫn được xem là vùng đất cuối cùng trên thế giới mà con người đặt chân đến, dân tộc Maori đã hiện diện và tạo ra một truyền thống văn hóa lâu đời tại đây. Trải qua cuộc đấu tranh kéo dài gần một thế kỷ xoay quanh câu chuyện lãnh thổ, Hoàng gia Anh cùng người Maori cuối cùng cũng đi đến một thỏa thuận đặc biệt có giá trị cho đến ngày hôm nay, đó là Vương quốc Anh tôn trọng và thừa nhận quyền sở hữu lãnh thổ của người Maori.

leftcenterrightdel

New Zealand coi World Cup nữ 2023 là cơ hội tuyệt vời để quảng bá những giá trị văn hóa của người Maori. 

Vị thế cùng sự bình đẳng so với các dân tộc khác của người Maori hiện diện trong cuộc sống đời thường tại New Zealand lúc này. Trên bản tin truyền hình quốc gia của New Zealand, thổ dân Maori vẫn song hành với những biên tập viên đến từ nhiều nơi khác trên thế giới, hào hứng bình luận về World Cup nữ 2023, và như tôi để ý, dường như những thổ dân lại dự đoán tỷ số chính xác hơn cả. Ở những biển quảng cáo, biển hiệu giao thông hay cửa hàng tạp hóa, tiếng Maori cũng xuất hiện bên cạnh những ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Trung hay tiếng Hàn.

Không khó để nhận ra người Maori, bởi họ hãnh diện với hình xăm xoay quanh khóe miệng, thậm chí là toàn bộ khuôn mặt. Những cổng chào và tượng thần của người Maori cũng xuất hiện ở những địa điểm nổi tiếng tại New Zealand. Thậm chí, theo như lời kể của người dân nơi đây, cứ hai năm một lần, lễ hội có tên Te Matatini của người Maori lại được tổ chức, với quy mô lớn chẳng khác gì Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Giá trị lịch sử và văn hóa bền vững theo thời gian, vị thế trên mọi khía cạnh cuộc sống đương đại được coi trọng và bình đẳng, người Maori đã và đang song hành với nhiều chủng tộc nhập cư ở New Zealand.

Gìn giữ giá trị văn hóa trên núi lửa

Tranh thủ quãng thời gian trước trận đội tuyển nữ Việt Nam gặp Hà Lan, tôi đã có một hành trình đáng nhớ, để tìm hiểu về văn hóa của người Maori. Và để tìm kiếm một nơi giữ được bản sắc và giá trị lịch sử của người Maori, Rotorua được xem là điểm đến thú vị, được gọi là thành phố núi lửa. Chỉ cần ngửi thấy mùi lưu huỳnh, hay dân dã hơn là mùi... trứng thối, bạn chắc chắn đã đến Rotorua, bởi địa hình thành phố nằm ngay trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Nhiều nơi tại Rotorua khói bốc lên nghi ngút, lòng hồ nóng tới 100 độ C. May sao, núi lửa tuy hoạt động nhưng ở cường độ thấp nên thành phố vẫn sinh hoạt bình thường. Thậm chí, với món quà đến từ thiên nhiên, Rotorua còn trở thành điểm đến du lịch đặc sắc của New Zealand.

leftcenterrightdel
Một ngôi nhà truyền thống của người Maori trên núi lửa ở thành phố Rotorua. 

Một trong những chi tiết thú vị liên quan đến Rotorua, đây là trung tâm văn hóa-linh hồn, di sản văn hóa của người Maori-những cư dân bản địa đầu tiên của New Zealand. Chỉ cách trung tâm thành phố 5 phút đi bộ là vùng địa nhiệt Whakarewarewa, ngôi làng với khoảng 500 hồ nước nóng và mạch nước ngầm tự nhiên đang hoạt động. Đây là địa điểm người Maori thổ dân đã từng xây dựng Pháo lũy Te Puia nổi tiếng. Người Maori đã định cư ở đây từ đầu thế kỷ 14, đã biết tận dụng nước nóng thiên nhiên để sưởi ấm nhà cửa, nấu ăn, tắm giặt...

Cho đến hiện tại, những căn nhà tại ngôi làng này vẫn luôn sáng đèn. Người Maori vẫn sinh sống và làm việc một cách bình thường, trừ những khi có trận đấu của đội tuyển nữ New Zealand tại World Cup kỳ này, thì cả thành phố không khác gì một lễ hội ồn ào đủ thứ âm thanh. Những giá trị thuộc về bản sắc, như nấu thức ăn dưới nước hồ được đun nóng bởi núi lửa, chào hỏi bằng cách cọ mũi hay thậm chí là phong tục mai táng người đã khuất vẫn được người Maori duy trì cho đến ngày hôm nay.

Cách mai táng đặc biệt của người Maori: Theo chia sẻ của hướng dẫn viên du lịch khi giới thiệu về làng của người Maori tại Rotorua, tộc người này có hai cách mai táng người đã khuất khá lạ lẫm. Có thể, họ sẽ đắp bùn lên người đã mất. Dựa vào nhiệt độ nóng từ bùn đất vốn được nung nóng liên tục từ núi lửa, cơ thể người mất sẽ dần phân hủy. Cách thứ hai, họ có thể để những con vật ngoài thiên nhiên từ từ... ăn phần thịt và da của người mất, cho tới khi chỉ còn xương. Khi đó, người Maori sẽ thành kính chôn bộ xương xuống lòng đất. 


Bài và ảnh: AN NGỌC (từ New Zealand)