Trên cương vị Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn cung Hàn Quốc tham dự các kỳ Olympic London 2012, Rio 2016 và Tokyo 2020, ông Park Chae-soon giúp đội nhà đoạt 11 huy chương vàng để khẳng định vị thế số 1 thế giới. Sự xuất hiện của ông Park Chae-soon đã mang làn gió mới đầy hứa hẹn tới cho bắn cung Việt Nam. 

Đối với đội tuyển bắn súng Việt Nam, sự góp mặt của ông Park Chung-gun trên cương vị chuyên gia và hiện tại là Huấn luyện viên trưởng đã góp công giúp Hoàng Xuân Vinh đoạt 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc tại Olympic Rio 2016; giúp Phạm Quang Huy đoạt 1 Huy chương Vàng tại Asian Games 19. Mới nhất, đội tuyển bắn súng Việt Nam giành 2 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024 nhờ công của Lê Thị Mộng Tuyền và Trịnh Thu Vinh.

leftcenterrightdel

Chuyên gia Park Chae-soon chia sẻ kinh nghiệm tại lớp tập huấn kiến thức huấn luyện môn bắn cung ở Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG TRIỀU 

Thầy giỏi sẽ có trò hay. Nhưng không phải đội tuyển nào cũng may mắn như bắn cung và bắn súng. Đơn cử, sau khi chia tay chuyên gia người Nga Ayrat Abdulmanov, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm người thay thế. Dù là môn thể thao có khả năng tranh chấp huy chương Olympic nhưng đội tuyển cử tạ Việt Nam vẫn chưa chốt được chuyên gia người nước ngoài ưng ý. Hiện vận động viên các môn điền kinh, cầu lông, bóng chuyền... chưa có điều kiện tập luyện với các chuyên gia chất lượng. 

Theo giới chuyên môn, không được các huấn luyện viên đẳng cấp rèn giũa, vận động viên dù sở hữu tài năng cũng khó bứt phá. Rào cản đầu tiên của thuê chuyên gia người nước ngoài là kinh phí. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Đấu kiếm (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) cho biết: “Vài năm trước, mức lương dành cho chuyên gia người nước ngoài dao động ở mức từ 2.000 đến 3.000USD/tháng, được chi từ tiền ngân sách nhà nước. Với mức lương như vậy, chúng ta chỉ có thể thuê được những huấn luyện viên thất nghiệp ở nước ngoài. Hiện nay, mức lương dành cho các chuyên gia đã được nâng lên đáng kể, tối đa không quá 8.000USD/tháng, nhưng không dễ để mời được thầy tốt”.

Để giải bài toán kinh phí, nhiều đội tuyển, liên đoàn, hiệp hội thể thao đã huy động các nguồn lực xã hội. Bóng đá là một ví dụ điển hình khi mức lương dành cho huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia có thể lên tới hàng chục nghìn USD/tháng. Ngay cả khi đã huy động được kinh phí để chi trả mức lương hấp dẫn thì việc mời gọi chuyên gia đẳng cấp cũng rất may rủi. Ông Hoàng Quốc Vinh bày tỏ: “Có những người muốn sang Việt Nam làm việc, nhưng cơ quan chủ quản bên nước bạn không đồng ý vì họ muốn giữ nhân tài. Có những người được đồng ý cho đi thì họ lại ngại môi trường làm việc xa lạ. Cũng có người sẵn sàng chấp nhận mức lương khiêm tốn vì có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế sẽ giúp ích trong việc mời chuyên gia tốt, nhưng đôi khi, hợp đồng có được ký hay không còn phải chờ vào may mắn".

Sau thất bại liên tiếp tại Olympic Tokyo 2020, Asian Games 19-2023, thể thao Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với trọng tâm là đấu trường Á vận hội và Thế vận hội. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu thầy giỏi đang chực chờ khiến nhiều người lo lắng về trình độ của các lớp vận động viên kế cận.  

HOÀI PHƯƠNG