Lứa 1993 ở “lò Hoàng Anh Gia Lâm” ngày ấy có 60 học viên thì đến nay chỉ còn vài người trụ được ở V-League, một trong số đó là Đỗ Hùng Dũng. Nhưng sự khởi đầu của tiền vệ này với nghiệp quần đùi áo số quả là lắm chông gai, cứ như quả bóng tròn muốn thử thách tiền vệ tài hoa sinh năm 1993 vậy.

Nhút nhát, thể lực yếu là ấn tượng đầu tiên của các huấn luyện viên (HLV) ở “lò Hoàng Anh Gia Lâm” về Đỗ Hùng Dũng. Nếu ở trung tâm khác, khả năng Dũng bị “out” từ sớm là rất cao. Mà đúng là ở chính cái “lò” đào tạo bóng đá trẻ Thủ đô nức tiếng bên Gia Lâm, Dũng bị “out” thật. 

Năm 2007, “lò Hoàng Anh Gia Lâm” tiến hành sàng lọc quân số. Đỗ Hùng Dũng là một trong những học viên đầu tiên bị trung tâm trả về gia đình. Nhìn con trai ngấm dần thất bại đầu đời, bố mẹ Đỗ Hùng Dũng quyết định cho con tập trung theo học văn hóa. Bản thân cậu bé Dũng cách đây 13 năm cũng mông lung lắm khi đứng giữa ngã ba đường. Dũng biết mình không có năng khiếu như chúng bạn, không khỏe như các học viên khác trên sân tập... Nhưng không hiểu sao mỗi khi nghĩ đến việc chia tay trung tâm, Dũng lại ứa nước mắt.

leftcenterrightdel
Đỗ Hùng Dũng (bên phải) chơi nổi bật trong màu áo các đội tuyển quốc gia thời gian qua.

Lạ ở chỗ, khi biết chuyện Đỗ Hùng Dũng bị loại, thầy Hoàng Giang lập tức tìm tới nhà, nói chuyện với bố mẹ Dũng tới tận đêm khuya. Không biết thầy đã khuyên nhủ, thuyết phục bố mẹ Dũng thế nào, chỉ biết ít ngày sau, bố Dũng đã đưa con trai trở lại đội bóng. Trước đó, ở giải bóng đá Hà Nội năm 2004, cậu bé Đỗ Hùng Dũng ghi 7 bàn giúp đội U.11 Gia Lâm lên ngôi vô địch. Một năm sau, thầy Hoàng Giang đưa Dũng lên tập cùng đội U.13 Hà Nội...

Năm 2008, đội U.14 Hà Nội có chuyến tập huấn tại Thái Lan nhằm chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia. Đỗ Hùng Dũng lúc đó đã bước sang tuổi 15, vừa quay lại đội sau một thời gian nghỉ. Gần tới ngày lên đường, đội đủ quân nhưng thầy Hoàng Giang vẫn cho phép Dũng lên đường cùng đồng đội. Lứa trẻ Hà Nội khi đó sang xứ chùa vàng đã giành ngôi á quân ở một giải đấu giao hữu; còn Đỗ Hùng Dũng đã biết thế nào là cơ sở vật chất, sân bãi hiện đại của bóng đá nước bạn. Nhớ lại ngày đó, Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 tâm sự: “Đó là chuyến đi để đời. Chuyến đi đã giúp tôi có cái nhìn khác biệt về môi trường bóng đá hiện đại, chuyên nghiệp, giúp ích cho tôi rất nhiều sau này”.

Nhưng đó là chuyện của 12 năm sau... Còn trong quãng đường trải qua 12 con giáp sau chuyến đi xứ chùa vàng đó, Đỗ Hùng Dũng đã phải chiến thắng bản thân rất nhiều lần. Ai đời là cầu thủ chuyên nghiệp mà thể lực không bảo đảm. Dũng trải lòng rất thật rằng “nhiều trận đấu, cứ đến giữa hiệp 2 là tôi “hết pin”, nếu cố chạy thì bị chuột rút, mắt nổ đom đóm...”.

Năm 2015, các thầy động viên lên đá V-League nhưng Dũng cứ từ chối hoài vì biết thể lực của mình còn hạn chế, vì biết tư duy chơi bóng của mình chưa thể bằng lớp đàn anh sinh năm 1992, chứ đừng nói gì đến những Văn Quyết, Lương “dị”.

Khi đội 1 Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) gọi Dũng về đá V-League cuối năm 2015, tiền vệ sinh năm 1993 này hoảng thật sự, ra sức từ chối. Lúc đó, Dũng chỉ suy nghĩ đơn giản thế này: Mình đang đá chính cho đội Hà Nội ở giải hạng Nhất, lên đá V-League cho Hà Nội T&T thì cửa dự bị... sáng lắm.

Lên đội 1 Hà Nội T&T ngày đó còn khó hơn được tập trung đội tuyển quốc gia. Dũng nghĩ mình không có “cửa” đá chính kể cũng đúng. Ba lần, Đỗ Hùng Dũng gặp riêng HLV Đức Thắng chỉ để năn nỉ: “Chú cho con vào Sài Gòn (đội Hà Nội vô địch hạng Nhất 2015, sau đó đổi tên thành Sài Gòn FC và chuyển vào TP Hồ Chí Minh-PV) cũng được”. Lần nào HLV Đức Thắng cũng động viên Dũng: “Đừng lo sợ gì hết”.

Hóa ra, Dũng không phải lo sợ gì thật. Tiền vệ tài hoa này về Hà Nội T&T đúng thời điểm tuyến giữa đội bóng tìm đỏ mắt không ra người. Duy Mạnh chấn thương, Bùi Văn Hiếu về Quảng Ninh, Cao Sỹ Cường nghỉ thi đấu, Nguyễn Ngọc Duy vào miền Nam. Thành ra Đỗ Hùng Dũng lúc đó “phải” đá chính.

Năm đầu tiên đá V-League, Đỗ Hùng Dũng chơi khá nổi, ghi được 4 bàn thắng. Cuối năm, đàn anh Văn Quyết có gặp Dũng khuyên bảo: “Năm đầu tiên em tỏa sáng vì người ta không để ý. Nhưng sau này, đối phương sẽ tìm hiểu và phân tích, mọi thứ chắc chắn khó hơn cho em”. Ghi nhớ lời đàn anh chỉ bảo, Dũng đã tập các miếng đánh mới, rèn luyện thể lực để trở thành “người không phổi”; không chỉ tỏa sáng trong màu áo đội bóng Thủ đô mà còn chơi hay, chơi tốt trong màu áo các đội tuyển quốc gia.

Đỗ Hùng Dũng đã nói:

  • Ở đội Hà Nội, hai đàn anh Thành Lương và Văn Quyết là hình mẫu chúng tôi luôn noi theo. CLB Hà Nội chơi hay, giành nhiều chức vô địch V-League, phát triển được là nhờ phần rất lớn ở hai anh.
  • Khi đặt mình vào vị trí HLV, tôi sẽ hiểu các thầy cần gì ở mình, muốn mình hoàn thành nhiệm vụ nào để xuất hiện đúng chỗ đó. Tôi vẫn nhớ các thầy hay bảo “tụi tôi không vào sân đá thay các cậu được, trên sân phải tự bảo nhau đá thôi”. Tôi hiểu việc của mình là làm HLV trên sân thay cho các thầy.
  • Tôi tự nhận thấy mình là người may mắn vì năm 26 tuổi còn được dự SEA Games 2019. Năm ngoái, thầy Park đã chọn Trọng Hoàng và tôi là hai cầu thủ trên 22 tuổi sang Indonesia dự SEA Games lần thứ 30.
  • Nhiều lúc mệt nhưng tôi vẫn cố tập trên sân. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng tập luyện chăm chỉ thì thành quả sẽ đến. Tôi không tập để cuối năm đá giải. Buổi tập với tôi không phải chỉ để duy trì thể lực, mà là tập thực sự, tập có mục tiêu từng buổi. Tôi có máu ăn thua. Đá bóng là phải thắng, đá tập mà thua tôi cũng không chịu được.
  • Tôi có bằng THPT từ hồi còn chơi cho đội trẻ. Ngày ấy, chúng tôi học văn hóa vào buổi tối. Sau cả ngày tập luyện, lớp 20 người thì 15 bạn ngủ gật. Tôi là một trong số ít bạn ngồi học nghiêm túc. Ngày bé, tôi học giỏi, không phải vì tôi giỏi mà bởi tôi chăm.
  • Tôi đặt mục tiêu học tiếng Anh thật tốt, rồi sau này sẽ làm trợ lý cho một HLV thực sự giỏi. Tôi sẽ chuẩn bị tốt cho tương lai, sẽ làm cái mình giỏi nhất, yêu nhất (và trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Đỗ Hùng Dũng đã rất tích cực học tiếng Anh online-PV).

Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG