Bản yêu sách 8 điểm

Vào ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, với quyết tâm cứu nước, cứu dân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định xuất dương tìm đường cứu nước. Năm 1919, tại thủ đô Paris của nước Pháp, Người dành nhiều thời gian đi sâu vào những khu vực có đông Việt kiều, vận động, cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân, đế quốc, dần dần được mọi người yêu quý, tin tưởng và trở thành linh hồn của Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

Đại diện Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” (gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp) tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18-6-1919, đòi Chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách được ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bản yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được Hội nghị Hòa bình Versailles xem xét. Tuy nhiên, nó lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. 
Ảnh tư liệu

Bản yêu sách đã được đăng toàn văn trên Báo L’Humanité (Nhân đạo) và  Báo Le Populaire (Dân chúng). Ngoài bản tiếng Pháp, bản yêu sách còn có bản chữ Quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề “Việt Nam yêu cầu” và một bản chữ Hán nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư” để gửi cho Việt kiều ở Pháp và bí mật gửi về nước. Tổng cộng 6.000 bản yêu sách đã được Người tự bỏ tiền túi để in ra. Một tiếng vang nữa là ngày 18-9-1919, bản yêu sách được đăng trên Báo Yiche Pao (Nghị xã báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc). Ngày 2-8-1919, bài “Vấn đề bản xứ” của Người đăng trên Báo L’Humanité cũng nhắc lại những nội dung chính của bản yêu sách và khẳng định nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là chính đáng.

Cũng cần nhấn mạnh là cùng ngày 18-6-1919, Người cũng đã gửi bản yêu sách cho Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ Woodrow Wilson với mong muốn ông này “ủng hộ trước những người có thẩm quyền”. Woodrow Wilson khi đó đã đưa ra tuyên bố với 14 nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia sau cuộc đại chiến. Đặc biệt, tại điểm số 14 của tuyên bố này nêu rõ: “Thành lập Liên minh các dân tộc để đảm bảo độc lập cho tất cả các dân tộc trên thế giới, dù lớn, dù nhỏ”. “Chủ nghĩa Wilson” với sự hô hào về “quyền dân tộc tự quyết” sau đó được Người đánh giá là “bánh vẽ”, “trò bịp bợm lớn”. Từ đây, Người nhận thức một điều sâu sắc, đó là: Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản.

Trở thành ngọn cờ đầu

Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở hội trường Hoóc-ti-quin-tơ tại Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux tận mắt chứng kiến Người đang phân phát truyền đơn in bản yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: “Người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.

Chính quyền Pháp lúc đó xác định Người là lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc. 5 ngày sau khi bản yêu sách được gửi đi, Tổng thống Pháp đã yêu cầu điều tra dồn dập về Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và người đại diện đã gửi bản yêu sách với cái tên Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 6-9-1919, Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (từng là Toàn quyền Đông Dương) đã đích thân gặp Người tại trụ sở Bộ Thuộc địa. Ngay ngày hôm sau, Người viết thư đòi Albert Sarraut thực thi bản yêu sách: “Tiếp theo cuộc trao đổi với ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì ngài có nhã ý nói với tôi rằng ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng”.

Ngày 15-11-1919, Người gặp Pierre Pasquier, một quan chức Bộ Thuộc địa Pháp và Người đã hỏi: “Mỹ sau 10 năm đã cho Philippines tự trị, Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?”. Pierre Pasquier cứng họng!

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người đầu tiên kết án chủ nghĩa thực dân” và “Người đã cùng với dân tộc của Người thi hành bản án đó”. 

NGUYỄN VĂN TOÀN