QĐND - Trong ẩm thực, người Hà Nội “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, việc ăn là để thưởng thức, hơn là để đáp ứng nhu cầu vật chất…

Không quá cầu kỳ nhưng điều trước tiên trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội là sự “sạch đẹp”. Đồ ăn, dù bất cứ món nào cũng phải được bày biện trông ngon mắt hoặc ít nhất là trông sạch sẽ. Người Hà Nội ăn kiểu “quý ở độ tinh”, coi trọng chất hơn lượng. Bởi thế, mỗi món ăn đều chỉ được bày trong đĩa, bát đều nhơ nhỡ, nho nhỏ, rất hiếm cỡ đại. Thậm chí, một mâm cỗ cổ truyền tới 17-18 món vẫn bày gọn trong một cái mâm đồng.

Nét thanh lịch trong ẩm thực của người Hà Nội thể hiện rõ nét ở sự thanh đạm. Thời Hà Nội còn nghèo khó, mâm cơm phổ biến trong mọi nhà chỉ vài ba món. Khi là mấy con tôm rang, dăm miếng thịt kho, đĩa rau luộc… nhưng luôn đem lại cảm giác ấm cúng, thanh sạch. Khi ăn, người Hà Nội ăn thanh cảnh, cơm chỉ xới bát vơi dưới miệng. Vừa ăn, vừa nói những câu chuyện nhẹ nhàng hằng ngày chứ không ăn một mạch.

leftcenterrightdel

“Văn hóa ẩm thực” của người Hà Nội bao gồm cả cách ứng xử tinh tế trên bàn ăn. Ảnh mang tính chất minh họa 

Khi nhà có khách, chủ nhà thường thay quần áo cho ngay ngắn, mời khách những món ngon nhất. Trong trường hợp thiếu thốn, chuyện “nhịn miệng đãi khách” cũng là lẽ thường tình. Trong mâm cơm, dù có bao nhiêu món, người chủ bao giờ cũng chỉ cầm đũa chấm để nhường cho khách. Khách ra về, ông chủ mới vào ăn “thật”.Biểu hiện rõ nét của chất thanh lịch trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội là văn hóa ứng xử trên bàn ăn. “Người làm không bực bằng người trực nồi cơm”, gia đình dù có bao nhiêu thành viên cũng tựu tề đầy đủ đúng giờ cơm, không để người nấu phải chờ đợi. Ngồi vào mâm, người lớn chưa cầm đũa, trẻ con chưa được ăn. Trước khi ăn, người ít tuổi phải mời người trên, trẻ con phải mời ông, bà, cha, mẹ và các anh, các chị rồi mới cầm đũa. Thậm chí, theo “quy tắc bất thành văn”, phải gắp rau trước, rồi mới gắp thịt, cá. Điều đó phần nào thể hiện sự thanh đạm, kiềm chế thói ăn uống hàm hồ. Mâm cơm có bát canh thì phải lấy thìa múc chứ không được lấy đũa gắp. Người bề dưới ăn xong trước phải xin phép rời mâm.

“Văn hóa ẩm thực” của người Hà Nội không chỉ là những món ăn ngon, được bày biện đẹp mắt, mà còn là từng “công đoạn” từ lúc ngồi vào bàn ăn đến khi kết thúc bữa ăn, là cách ứng xử tinh tế của mỗi thực khách trên bàn ăn.

Bài và ảnh: HÙNG ANH