Bạn tôi làm việc ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có thói quen rất "dị". Anh có thể ngồi nhâm nhi ly cà phê cả tiếng đồng hồ ở quán quen và trò chuyện, nhưng nếu mời đi ăn nhậu ở đâu đó dù ở nhà hàng sang mấy anh cũng từ chối. Nếu cấp trên yêu cầu, không từ chối được thì anh đến lấy lệ và nhâm nhi ly nước lọc rồi đánh bài chuồn. Lý do anh quyết liệt như vậy là sợ bị ngộ độc thực phẩm. Cách đây hơn chục năm, anh phải chia tay người vợ mãi mãi sau một lần chị đi ăn ngoài hàng quán và bị ngộ độc thực phẩm, cho dù bác sĩ cấp cứu đã làm hết cách. Trong lần gặp gần đây anh than rằng, hơn tháng qua, số người cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm vào viện tăng đột biến. Và anh thở dài thổ lộ, ăn sạch bây giờ khó như lên trời! Rồi anh giải thích, bây giờ, nhiều người chạy theo lợi ích, làm ra thực phẩm bẩn, rau bẩn, đồ ăn sẵn bẩn thật nhanh, thật nhiều để có nhiều tiền. Việc đó đã thành vấn nạn, như là “bắt” người tiêu dùng phải ăn bẩn.

Là nước sản xuất nông nghiệp và luôn phải đối chọi với thiên tai khắc nghiệt, thường xuyên làm các công việc nặng nhọc trên đồng áng nên nhìn chung người Việt có truyền thống rất coi trọng bữa ăn để duy trì thể chất, có sức khỏe thực hiện các công việc nặng nhọc. Người Việt ví “có thực mới vực được đạo” và xem nó quan trọng tới mức “trời đánh còn tránh miếng ăn”. Người Việt cũng dạy "miếng ăn là miếng nhục" nên phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Nghiên cứu lịch sử ẩm thực Việt Nam cho thấy, việc ăn cũng có dăm bảy đường. Đại đa số người nông dân ngày xưa không cầu kỳ về ăn miễn sao là để no và ấm cái bụng. Ví dụ, trong tùy bút "Phở" của Nguyễn Tuân có đoạn: “Phở còn là một món ăn rất nhiều quần chúng tính. Ông muốn ăn phở ngồi hay đứng lù lù ra giữa hiệu mà ăn cũng không ai nói, ăn ngồi ăn đứng tùy thích. Phở là món ăn bình dân. Công nông binh trí, các tầng lớp nhân dân lao động, thành thị, nông thôn, không mấy ai là không biết ăn phở”.

Tầng lớp thị dân và quan lại xưa thì cầu kỳ hơn trong ăn, nhất là khi giỗ tết hoặc các dịp lễ lớn, lúc tiếp khách. Khi đó họ hướng nhiều tới việc bày vẽ, làm những món ăn ngon, cầu kỳ để thưởng thức. Bằng chứng là, các địa phương có sản vật ngon, bổ dưỡng gọi là đặc sản tiêu biểu đều mang lên cống nạp cho quan lại, vua chúa nên hiện nay mới có các sản vật mang danh tiến vua bán chạy và đắt như tôm tươi. Hoặc như việc ngành du lịch khai thác ẩm thực cung đình bằng mĩ từ không thể đẹp hơn để mời gọi du khách.

Sau những năm tháng khắc phục hậu quả chiến tranh gian khổ, thiếu thốn và đói kém, khi đã có “bát ăn bát để”, phần đa người Việt không còn quá tiết kiệm trong việc chi tiền để ăn. Ngày nay, khi mặt bằng chung về thu nhập tăng lên, việc “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” trong xã hội ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Phần đa mọi người trong xã hội đã có “bát ăn bát để” nên họ hướng tới ăn tinh, ăn sạch, ăn khoa học hay nói rộng ra là ăn có văn hóa. Nhưng để làm được việc đó quả là gian khổ và khó khăn.

Anh bạn thân của tôi lấy vợ muộn nên phải gần 40 tuổi mới có con. Khi cháu lớn vào học tiểu học, anh rất quan tâm đến việc dạy con ăn thế nào cho có văn hóa còn chị vợ thì lo chế biến sao cho không bị thực phẩm bẩn xâm nhập vào trong gia đình. Anh đặt ra các quy định buộc con phải thực hiện. Khi ăn không được cúi mặt; ngậm miệng, nhai nhỏ nhẹ; không được gõ bát, gõ thìa; không vừa ăn vừa nói; không được dùng đũa để gẩy thức ăn và khi ăn thì không xem điện thoại, ti vi... Anh nói với vợ, trước khi ăn không được mắng con, dù có tức tối đến mấy. Ấy nhưng, thói quen ấy khó duy trì chỉ vì anh cũng vắng nhà liên tục do thường xuyên trực ở đơn vị.

leftcenterrightdel
 Tranh của LÊ ANH

Vợ anh là một trí thức nên cũng coi trọng việc ăn. Khi mua đồ ăn sáng cho cả nhà, chị luôn mang theo một chiếc cặp lồng và vài chiếc hộp gốm nhỏ xinh để đựng đồ ăn đã nấu chín mà không dùng đến hộp, túi có sẵn của nhà hàng. Dù rất kềnh càng và bất tiện nhưng chị bảo, để đựng thức ăn được an toàn, vệ sinh. Đồ dùng trong nhà bếp của chị đa phần làm bằng gốm và thủy tinh, không thấy có đồ bằng nhựa. Con gái chị thích đồ ăn sẵn của nước ngoài như gà rán, đồ nướng hoặc uống các loại nước ngọt... nhưng chị dứt khoát từ chối. Chị bảo, những đồ ăn, đồ uống ấy dễ béo, gây nguy hại cho cơ thể và sinh bệnh. Thỉnh thoảng khi rảnh, chị cho con đi ăn đồ nướng ở một nhà hàng thực phẩm organic đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, cấp phép. Chị chia sẻ, thời nay muốn ăn sạch rất khó, phải trả phí rất cao mà cũng chưa thể tin những thực phẩm đó có đạt tiêu chuẩn sạch đúng nghĩa hay không!

Gần đây, tôi thấy nhiều chị là công chức trong các cơ quan hoặc làm văn phòng các công ty có sáng kiến ăn sạch bằng cách nhờ bố mẹ, người thân ở quê mua thực phẩm, rau xanh gửi ra phố để ăn và phân phối lại cho bạn bè, hàng xóm. Do việc bảo đảm vận chuyển khá tiện lợi và thông thoáng nên số gia đình có xu hướng tích trữ thực phẩm sạch ngày càng nhiều. Tuy nhiên việc này cũng gây ra không ít hệ lụy và rất khó kiểm soát. Ví dụ, vừa rồi chung cư gia đình tôi ở có sự việc khá hy hữu. Hơn 21 giờ, khi đi bộ tập thể dục về đến cửa hàng thuốc tân dược ở tầng 1 trong chung cư, tôi thấy khá nhiều người đứng xếp hàng. Hỏi ra mới biết họ đi mua thuốc đường ruột. Tìm hiểu thêm thì được biết có một chị trong chung cư đưa rau xanh từ quê ra và phân phối cho một số người trong nhóm. Các gia đình ăn rau này đều có người đau bụng. Thật là may mắn không có ai bị đưa đi cấp cứu. Những hiện tượng như thế tồn tại rất nhiều và cơ quan chức năng cũng không phát hiện được để xử lý. Nguyên do là chẳng có người khiếu nại với chính quyền, cơ quan chức năng vì đều nghĩ làm thế sẽ mất đi “tình làng nghĩa xóm”.

Trong ngôn ngữ của người Việt, động từ "ăn" thường đi liền với một việc gì đó, ví dụ: Ăn uống, ăn ở, ăn mặc, ăn nói, ăn chơi, ăn học, ăn tiêu, ăn ngủ và thậm chí là đi với các việc làm xấu: Ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp... Ngày nay, ăn là hình thức giao lưu nhằm mở rộng, làm thân, thắt chặt mối quan hệ xã hội, thậm chí ăn dùng làm phương tiện để đạt mục đích tốt đẹp nên nó càng được coi trọng.

Nhưng những mục đích tốt đẹp trong ăn của người Việt dường như đang bị xâm hại nghiêm trọng vì vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan. Thực tế cho thấy, do tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nên lương thực, thực phẩm có dư lượng kháng sinh lớn bên trong, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Một số hộ kinh doanh thì tăng trọng lượng thực phẩm bằng bơm nước, chất cấm... đã gây ra tác hại vô cùng lớn với sức khỏe người tiêu dùng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong.

Thực phẩm bẩn, đồ ăn chế biến sẵn chưa bảo đảm vệ sinh an toàn cứ mặc nhiên tồn tại và len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của người Việt. Đây chính là căn nguyên gây ra nhiều loại bệnh, trong đó nguy hại là tỷ lệ bị ung thư ngày càng tăng, khiến mạng lưới và cơ sở y tế của ta quá tải. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp vi phạm Luật An toàn thực phẩm ở ta chỉ như “muối bỏ biển” bởi thực phẩm bẩn hằng ngày vẫn len lỏi vào các bữa ăn của các gia đình.

Để bảo đảm sức khỏe nhân dân, để hướng tới ăn sạch, ở bình diện quản lý, Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, ngăn ngừa những hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển thực phẩm bẩn, gây hại cho con người, ví dụ: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết Luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP và có hiệu lực ngày 2-2-2018); Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm...

Dù thực phẩm bẩn hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý thực phẩm bẩn chưa được như kỳ vọng. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, năm 2022, Hà Nội đã thành lập khoảng 1.000 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm và phạt tiền đối với 1.419 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng; khởi tố hình sự 4 vụ, tịch thu, tiêu hủy tất cả sản phẩm, hàng hóa vi phạm chất lượng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng.

Việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, cung cấp thực phẩm bẩn ra thị trường là rất nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, là hành vi phi đạo đức, phi văn hóa cần phải lên án mạnh mẽ và cần có sự thanh tra, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, muốn để xử lý dứt điểm vấn nạn thực phẩm bẩn, một mặt cần xây dựng văn hóa ăn sạch rộng rãi, mặt khác cần kịp thời phát hiện ra những kẻ ăn bẩn, ăn đút lót, ăn hối lộ, ăn tiền bẩn... tiếp tay cho thực phẩm bẩn đi vào bữa cơm của gia đình người Việt.

Tôi mong rằng, Luật An toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm hơn, quyết liệt hơn để triệt bỏ những kẻ cố tình gieo cái ác cho xã hội bằng đồ ăn, để người dân khỏi phải than thở: Ăn sạch sao khó thế!

Luật sư VŨ QUANG DŨNG