“Kẻ sĩ” là danh từ chung dùng để gọi những người có học thức, sống có bổn phận, trách nhiệm với xã hội, với con người và xuất phát từ Trung Quốc, song hành cùng sự phát triển của Nho giáo.

Trong sách “Luận ngữ” của Khổng Tử, Tăng Tử là một học trò của ông đã nói về mục tiêu của kẻ sĩ: “Lấy điều nhân làm trách nhiệm của mình, chẳng là nặng hay sao? Thực hiện điều nhân cho đến chết mới thôi, như vậy thì đường đi chẳng còn xa sao?”. Khi đã mang danh kẻ sĩ, họ hết lòng dốc sức để đem tri thức, tài năng, đức độ phò vua, giúp nước, chăm dân, giữ yên xã tắc, làm rạng danh non sông gấm vóc.

Trong bài viết “Bảy luận điểm về kẻ sĩ trong học thuyết Khổng Tử” đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, tác giả Hoàng Văn Lân đã giải thích khá cặn kẽ về nội hàm của từ "kẻ sĩ". Theo đó, trong sách “Luận ngữ”, Khổng Tử xác lập “kẻ sĩ” thành hai loại: Kẻ sĩ “đạt” và kẻ sĩ “văn”.

Kẻ sĩ “đạt” có tất thảy 4 chuẩn mực, gồm: Một là, chất trực tức trung thực và ngay thẳng, khí khái, không vì bất cứ một tư lợi dù nhỏ mà so vai rụt cổ trước các thế lực đối nghịch với lẽ phải và sự thật (thường nói gọn là cương trực, liêm khiết). Hai là hiếu nghĩa, tức hào hiệp, khảng khái, không tiếc sức mình làm việc cho quốc gia, xã hội, dám hy sinh chịu thiệt thòi vì chân lý. Ba là, sát ngôn quan sắc, tức là đối với công việc và con người cần có cách nhìn và tầm nhìn, mẫn cảm với thời thế. Bốn là, cẩn thận trong giao tiếp với người, nhún mình nhường người nuôi lấy đức độ, lúc nào cũng lưu ý điều chỉnh bản thân mà không cầu người ta phải biết đến mình.

Kẻ sĩ “văn” tức là người có tiếng tăm; là kẻ chỉ thạo làm những việc hình thức, thường khéo tạo ra cái vẻ nhân đức, thương dân nhưng việc làm thì lại trái với nhân đức, coi dân như phương tiện để thủ lợi, luôn luôn tự cho mình là phải, chẳng biết kiêng sợ gì, thường vì cái danh bên ngoài mà làm rối loạn cái thực bên trong. Cho nên gọi là “nổi tiếng”, “có tiếng tăm”, nhưng không có thực chất, chỉ là danh suông vì cái danh không đi đôi với cái thực. Kẻ sĩ vì danh và kẻ sĩ vụ lợi, tuy tên gọi khác nhau nhưng cùng một bản chất trục lợi, bất chấp nhân nghĩa, liêm sỉ.

leftcenterrightdel

Noi gương kẻ sĩ, gánh nặng đường xa. Minh họa: MẠNH TIẾN 

Là đất nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc suốt mấy nghìn năm nên cái chất kẻ sĩ trong “Luận ngữ” của Khổng Tử cũng thấm sâu vào hàng ngũ trí thức, quan lại Việt Nam và có thời điểm phát triển với tên gọi là sĩ phu. Trong xã hội cũ, kẻ sĩ được vua yêu, dân kính vì họ trung thân suốt đời để thực hiện điều nhân. Họ trau dồi tài năng, học vấn để hiểu được lẽ hưng suy trị loạn và xây tâm giúp nước lo đời. Trong lịch sử nước nhà, thời nào cũng ghi nhận những kẻ sĩ nổi tiếng và tiêu biểu. Đáng kể hơn cả là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Cao Bá Quát, Giang Văn Minh, Nguyễn Công Trứ và sau này là Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học...

Xin kể lại giai thoại về Ngô Thì Nhậm để thấy rõ hơn điều này. Trong lúc Ngô Thì Nhậm giữ chức Thượng thư bộ Lại dưới thời Vua Quang Trung thì Đặng Trần Thường đã đến xin được tiến cử. Thấy Đặng Trần Thường có biểu hiện không ngay, Ngô Thì Nhậm không tiến cử còn quát to: “Ở đây cần người vừa có tài, vừa có hạnh giúp vua, chứ không cần những kẻ vào luồn ra cúi”. Sau này Đặng Trần Thường chạy đến chúa Nguyễn. Khi chúa Nguyễn đánh bại nhà Tây Sơn thì chính Đặng Trần Thường được giao đánh phạt một số quan văn nhà Tây Sơn bằng roi ở Văn Miếu-Hà Nội để trả thù. Thấy trong số quan văn ấy có Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường liền thốt lên: “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai ai dễ biết ai”. Ngô Thì Nhậm đáp lại: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế”. Có thuyết nói rằng Đặng Trần Thường "ép" Ngô Thì Nhậm phải sửa cụm từ "thế thời phải thế" bằng "thế đành theo thế", nhưng Ngô Thì Nhậm kiên quyết không sửa. Thế là Đặng Trần Thường liền tẩm thuốc độc vào roi, đánh Ngô Thì Nhậm đến chết. Một chiếc roi tẩm thuốc độc có thể giết chết thể xác Ngô Thì Nhậm, nhưng tư tưởng và hoài bão của ông thì vẫn tỏa năng lượng mãi mãi tới nghìn đời sau.

Theo một số nhà nghiên cứu, tầng lớp trí thức ngày nay cũng có thể được coi là kẻ sĩ vì nhìn chung họ cũng mang trong mình tư tưởng lớn và luôn canh cánh nỗi lo xây dựng đất nước độc lập, tự do, hòa bình, giàu mạnh, văn minh. Họ sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý và an nhàn để theo đuổi mục tiêu vì nhân. Điển hình như Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ..., những người có thể có nhưng vẫn tình nguyện từ bỏ địa vị cao sang trong chính quyền thuộc địa để dấn thân vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc giành độc lập, tự do.

Tuy nhiên, cạnh những kẻ sĩ "Phú quý bất năng dâm/ Bần tiện bất năng di/ Uy vũ bất năng khuất..." thì có những kẻ “vô ngã”-theo cách gọi của Phan Bội Châu: “Ngã nghĩa là mình ta. Hễ người ta làm việc gì, vô luận nhỏ hay lớn, đối đãi với người thân hay sơ, nhưng bệnh căn sở dĩ đến sai lầm là vì chữ “ngã”. Ta chỉ biết có ta, hoặc là vì cái lợi ích cho ta, hoặc là thuận ý kiến của ta; trừ ngoài cái “ta” ra, hoàn toàn không nghĩ tới gì nữa, tất nhiên trái với nhân tình, mất hẳn thiên lý, thật ra là một cái bệnh thống rất to...”.(*)

Trước khi đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, là con nhà Nho, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất rành Luận ngữ. Sau này, những tư tưởng về kẻ sĩ với các phẩm chất nổi trội đã được Người khái quát dễ nhớ, dễ hiểu. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, với bút danh XYZ, Hồ Chí Minh đã vận dụng tinh hoa tư tưởng phương Đông nằm trong học thuyết Khổng Tử vào việc huấn luyện, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ. Người yêu cầu cán bộ phải “chí công vô tư”: “Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít mà những tính tốt như sau ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm 5 điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”.

Thực tế cho thấy, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa đồng tiền và lợi ích trước mắt đã làm lu mờ, băng hoại các giá trị đạo đức, khiến cho tư tưởng trung thân vì nhân của kẻ sĩ xa vời vợi và trở thành lạc lõng trong dòng chảy bán mua, khiến phong trào trí thức thực hành đạo nghĩa chỉ là những đốm lửa tàn lụi trong đêm đông giá lạnh. Trong sách “Luận ngữ”, Khổng Tử chia kẻ sĩ thành 3 bậc từ cao xuống thấp. Bậc một bao gồm các tiêu chuẩn biết nhục, biết xấu hổ, giúp kẻ sĩ hiểu rõ không biết nhục không phải là người để nỗ lực giữ mình có liêm sỉ để sống thanh cao. Bậc hai là những người luôn hiếu thảo với gia đình họ hàng, hòa mục với xóm làng, biết giữ tín nghĩa và đối xử khoan dung với mọi người. Bậc ba là những người nói đáng tin cậy, việc làm có hiệu quả.

Ngày nay, các trí thức được học tập tiếp thu tri thức khoa học công nghệ có hệ thống, chiều sâu, đồng thời có phương tiện, công nghệ hiện đại hỗ trợ công việc. Họ hiểu sâu rộng về khoa học công nghệ, rành rẽ pháp luật, nhưng đáng buồn vẫn có những trí thức quên mất tiêu chuẩn biết nhục, không giữ liêm sỉ. Biểu hiện rõ nhất khiến xã hội không đồng tình, mất niềm tin ở họ là lợi dụng chức quyền, lạm quyền, lộng quyền để tìm cách vơ vét cho đầy túi tham. Đã có những trí thức, cán bộ, đảng viên được quy hoạch, bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng ở các cấp rồi sau đó có những việc làm khuất tất, vi phạm kỷ luật, pháp luật và bị khởi tố, phải hầu tòa trong thời gian qua là thực trạng đáng buồn.

Trong xã hội xưa, kẻ sĩ dám đấu tranh với hiện tượng tiêu cực, với những kẻ thuộc nhóm sĩ “văn” mà trong sách “Luận ngữ” Khổng Tử đã chỉ ra. Điển hình là Chu Văn An dám đứng lên tố giác những việc làm bất minh và đề nghị vua xử trảm những kẻ sâu mọt trong triều đình. Dù tấu sớ không được chấp nhận, ông vẫn quyết định treo ấn từ quan về quê dạy học, tránh xa vòng danh lợi ô nhục. Ngày nay, một bộ phận không nhỏ trí thức của ta “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Mà nếu có đấu tranh thì cũng chỉ nửa vời để cốt gọi là thể hiện quan điểm cho phải phép và lấy lệ, cố vớt vát danh vị của các chức vụ đang đảm nhận.

Có thể nói, dù là kẻ sĩ hay trí thức trong xã hội Việt Nam hiện đại ngày nay thì cũng đều có tư tưởng chung, tương đồng đó là trung thân với chữ nhân để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều ấy cần đến sự liêm khiết, cần đến sự hy sinh dấn thân đầy trách nhiệm và không quản ngại gian khó, thậm chí hy sinh. Giúp dân, giúp đời, giúp nước là bổn phận kẻ sĩ xưa và trí thức nay. Nó là cuộc chiến gánh nặng đường xa tiếp nối của nhiều thế hệ. Hiểu rồi thì chớ khoác cho nó cái áo lỗi thời, lạc hậu và cũng đừng chê kẻ sĩ là những người gàn dở. Bởi không có kẻ sĩ, không có những trí thức mang máu kẻ sĩ, sự loạn trong xã hội khó mà tránh khỏi.

Đại tá, Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC ĐỘ

(*): Phan Bội Châu toàn tập, tập 10, NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2000, tr.40.