Truyền thống vàng son

Làng Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) nằm ở đông nam Đồng bằng sông Hồng. Đây là một ngôi làng cổ hình cá chép, cư dân sinh sống tập trung thành 14 giong như 14 khúc cá, giong nọ cách giong kia đúng 60m.

Từ xưa đến nay, làng Hành Thiện vốn được biết đến là một làng văn hóa, cách mạng, địa linh nhân kiệt. Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học làng Hành Thiện-một người rất am tường về lịch sử ngôi làng: Từ thời Nho học, làng Hành Thiện đã nổi danh vàng son về sự học. Tính từ năm 1552 đến 1915, làng có 7 vị đỗ đại khoa, 97 vị đỗ hương cống, 248 vị đỗ sinh đồ. Cũng trong thời kỳ này, làng có tổng cộng 17 vị đường quan (quan lại ở triều đình và đứng đầu tỉnh), 66 vị thuộc quan (quan lại ở các phủ, huyện). “Từ thời Nho học, người làng chúng tôi đã học với tinh thần “học không phải để làm quan, học để sống nhân nghĩa hơn, sống có đạo lý hơn”, ông Nguyễn Đăng Hùng cho hay. Dứt lời, để minh chứng cho tinh thần học tập ấy, ông lấy ra khá nhiều tài liệu, trong đó nhiều cuốn chép bằng tay, bạc màu theo năm tháng. Các tài liệu này ghi lại những câu chuyện đời thực về cuộc đời và sự nghiệp của những người thành đạt trong mọi lĩnh vực từ xưa đến nay ở Hành Thiện.

leftcenterrightdel
 Bia đá ghi tên các nhân vật thành danh tại đình làng Hành Thiện.

Ông Hùng kể cho chúng tôi câu chuyện về ông Nguyễn Đăng Thiện (sinh năm 1829), thi đỗ tú tài năm 19 tuổi. Ông Thiện sau đó vẫn miệt mài học. Mãi đến năm 1888, khi ông 59 tuổi mới thi đỗ cử nhân. Hay ông Đặng Văn Tường (sinh năm 1824) 4 lần đỗ tú tài, nhưng đến năm 1878, lúc 54 tuổi cũng mới thi đỗ cử nhân. Khi đỗ cử nhân, ông Tường được bổ làm quan tri huyện. Theo lệ nước, làm quan không được phép thi nữa nên Đặng Văn Tường xin từ quan, về tiếp tục đi học. Đến năm 64 tuổi ông mới có cơ hội tham gia kỳ thi hội và thi đình.

Người làng Hành Thiện cũng nhớ mãi câu chuyện về cha con ông Đặng Viết Hòe và Đặng Xuân Bảng (cụ và ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Ông Đặng Viết Hòe thi đỗ 7 lần tú tài. Đến đời con là Đặng Xuân Bảng, thuở nhỏ theo học cha mình. Đặng Xuân Bảng đỗ tú tài năm 18 tuổi (năm 1846). Đến khoa thi sau ông lại đỗ tú tài một lần nữa, người đời gọi ông là kép Bảng. Đến năm 22 tuổi, triều vua Tự Đức, ông đỗ cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Khoa thi Bính Thìn 1856, Đặng Xuân Bảng 28 tuổi vào Huế thi hội và đỗ tiến sĩ, được vua Tự Đức ban cho 4 chữ "Giáo tử đăng khoa" (cha dạy con thi đỗ đại khoa)...

Bên cạnh đó, những người phụ nữ của làng Hành Thiện cũng nổi tiếng chăm làm, đẹp người đẹp nết, tần tảo nuôi chồng con ăn học. Nhiều người có đủ phẩm chất công-dung-ngôn-hạnh, giữ gìn gia giáo, dạy con cháu lời hay ý đẹp như bà Nguyễn Thị Tình, vợ Thượng thư Đặng Đức Địch (sinh năm 1817). Hoặc bà Nguyễn Thị Thuấn, vợ Cử nhân Nguyễn Lý Thản (sinh năm 1857). Chồng mất năm bà 20 tuổi, có một con trai cũng mất khi còn nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thuấn ở vậy phụng dưỡng cha mẹ chồng trọn đời và được vua Khải Định tặng 4 chữ “Tiết hạnh khả phong”.

Hạt giống đỏ của cách mạng

Tên ngôi làng “Hành Thiện” gắn với câu chuyện về vua Minh Mạng. Nhà vua vì yêu mến ngôi làng nhỏ có rất nhiều người đỗ đạt cao, người dân chân thật, hồn hậu, yêu nước, chuyên làm điều thiện nên đã ưu ái ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng: “Mỹ tục khả phong”.

Đến thời kỳ cách mạng, những người con Hành Thiện tiếp tục tiếp nối truyền thống yêu nước, ham học của làng. Trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, nhiều người dân ở Hành Thiện đã hăng hái tham gia và luôn nêu cao tinh thần bất khuất. Trong đó, những cái tên như Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Khu (cố Tổng Bí thư Trường Chinh), Đặng Xuân Thiều đã làm rạng danh làng học trong thời kỳ đầu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong những giai đoạn tiếp theo, làng Hành Thiện là nơi sinh dưỡng cho đất nước những người con ưu tú, nắm giữ các cương vị chủ chốt trong quân đội và cơ quan Trung ương. Dù ở cương vị nào, những người con Hành Thiện cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một lòng vì Đảng, vì dân. Từ năm 1915 đến nay, làng có tổng cộng 206 viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ; 11 vị tướng của QĐND Việt Nam; 61 người được tặng thưởng huân chương và các danh hiệu cao quý như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà giáo nhân dân, các nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ ưu tú...; 18 người đảm nhiệm chức vụ từ thứ trưởng trở lên, trong đó chức vụ cao nhất là Tổng Bí thư Trường Chinh. “Làng chúng tôi hiện có hơn 300 đảng viên, 482 cựu chiến binh”, ông Nguyễn Đăng Hùng cho biết thêm.

Điều thú vị của ngôi làng này là có khá nhiều gia đình tiếp nối truyền thống cao quý, con nối chí cha, đều là giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), nhà khoa học có đóng góp cho nước nhà như: Gia đình GS, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ; con trai ông là GS, Viện sĩ Đặng Vũ Minh, con gái là GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Đặng Kim Chi. Gia đình GS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tướng Phạm Gia Triệu; con trai ông là PGS, TS, Thiếu tướng Phạm Hòa Bình. Cha con GS Vũ Khiêu (tức Đặng Vũ Khiêu); ông có người con trai cả là GS, TS Đặng Cảnh Khanh. Cha con GS, TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Đặng Đức Trạch. GS Trạch có con là GS, TS Đặng Đức Anh...

Phát huy truyền thống

Hiện nay, làng Hành Thiện có 1.900 hộ với 6.700 nhân khẩu, trong đó, 99% gia đình học tập, 61% gia đình có cử nhân, 35% gia đình có thạc sĩ, 17 dòng họ trong làng thì dòng họ nào cũng đều có giáo sư, tiến sĩ... Người làng Hành Thiện đã có rất nhiều hình thức khác nhau để hun đúc, lan tỏa tinh thần hiếu học đến các thế hệ như dựng bia đá, bảng vàng lưu danh ở đình làng, các nơi sinh hoạt cộng đồng... Vào trung tuần tháng 8 mỗi năm, Hội Khuyến học của làng tổ chức lễ vinh danh, khen thưởng những tấm gương có thành tích học tập xuất sắc thật trọng thể. Chương trình không chỉ tôn vinh những tấm gương học tập mà còn được tổ chức thành buổi trò chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm học tập, rèn luyện lập thân, lập nghiệp thành công của chính những người thành đạt trong làng. Buổi lễ trở thành cầu nối của thế hệ đi trước giúp đỡ tiếp sức, truyền kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. 

Được biết, quỹ khuyến học của làng hiện có khoảng 2 tỷ đồng. Số tiền này được gửi tiết kiệm, tiền lãi mỗi năm được trích để tuyên dương khen thưởng, cấp học bổng cho hàng trăm lượt học sinh, sinh viên, giáo viên với kinh phí từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 GS, Viện sĩ Đặng Vũ Minh (ngoài cùng, bên phải) và ông Nguyễn Đăng Hùng chúc mừng các tân giáo sư, tiến sĩ của làng Hành Thiện năm 2018. Ảnh: NGUYỄN VĂN

Thành lập từ năm 1994 đến nay, Hội Khuyến học làng Hành Thiện luôn đồng hành với học sinh trong suốt chặng đường học tập của mỗi cá nhân cho đến khi lập nghiệp và thành đạt sau này. “Hội luôn cập nhật mọi thông tin trên đường đi của họ để động viên, chia sẻ kịp thời và trợ giúp họ khi gặp phải khó khăn. 27 năm nay, chúng tôi vẫn lưu giữ đầy đủ hồ sơ học sinh đã học hết THPT, đi học tiếp, đi làm, đi bộ đội ở đâu. Vì vậy, tôi khẳng định tất cả học sinh học xong, ra trường đều có công ăn việc làm ổn định, không ai mắc tệ nạn xã hội. Có nhiều người học hành thành danh sớm như Tiến sĩ ngành công nghệ thông tin Phạm Thị Minh Trang, do Australia cấp năm 2019, khi cô mới 27 tuổi”, ông Nguyễn Đăng Hùng nói.

Với mục tiêu “cả nước trở thành một xã hội học tập” thì truyền thống và những con người của Hành Thiện chính là tấm gương sáng về sự hiếu học. Truyền thống ấy đã đưa việc học tập của làng trở thành một... nghề!

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT-THU THẢO