Chẳng ai biết cây bàng hiện diện trên đất Côn Đảo từ bao giờ. Dường như những mặn mòi, phong ba bão táp đã trở thành nguồn nuôi dưỡng loài cây vốn thi vị trở nên vững vàng, hiên ngang giữa chốn biển khơi. Cũng bởi cái lẽ đương nhiên của đất trời ấy, cây bàng ở Côn Đảo có lá thẫm, gốc rộng hơn, vỏ cây xù xì, gân guốc hơn bàng trồng ở đất liền. Bàng hiện diện khắp nơi, trong vườn, hai bên đường, trong sân các nhà lao… Mùa lá rụng, lá đỏ như máu bay xào xạc trên mặt sân nhà tù, trên các con đường của thị trấn. Lá bàng khi còn ở trên cây rất dày, xanh, khi úa vàng rụng xuống đất, gió thổi lá bay nghe ra những tiếng kêu lào xào, sột soạt như lời thì thầm của những linh hồn vẫn lẩn quất đâu đó. Những hàng cổ thụ góp phần tạo nên không gian trầm mặc, cổ kính, vốn rất riêng của Côn Đảo.
Bàng đã trở thành một biểu tượng của Côn Đảo không chỉ bởi tần suất xuất hiện, bởi độ “cổ kính”, mà bởi, ấy là những thực thể sống song hành với lịch sử thấm đẫm máu và nước mắt của “địa ngục trần gian”.
Gốc cây bàng cổ thụ sù sì ở Côn Đảo.
Theo ước lượng của các nhà chuyên môn về thực vật, những cây bàng già nhất ở Côn Đảo hiện nay xuất hiện từ thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tức là khoảng cuối thế kỷ 19. Thời điểm ấy cũng rất gần với lúc những người tù đầu tiên bị thực dân Pháp đưa ra Côn Đảo giam cầm. Bởi thế, cây bàng gắn bó đặc biệt chặt chẽ với những người tù Côn Đảo. Khi đó, cây bàng “đảm nhiệm” nhiều chức năng mà những người sinh ra trong thời bình khó có thể mường tượng. Những người tù chính trị Côn Đảo thường kể lại câu chuyện, trong thời gian bị giam cầm ở đây, mỗi lần được ra ngoài, họ thường tìm cách hái vội những lá bàng non và cả trái bàng xanh, lén giấu trong người, ngậm trong miệng, hoặc nhét cả trong thùng vệ sinh, đem vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn. Ban đầu, việc ăn lá bàng hay trái bàng chỉ đơn thuần vì người tù quá thiếu rau xanh. Lá bàng ngày ấy ăn ngọt như đường. Sau đó, người tù nhận ra, lá bàng có thể giúp vết thương bớt đau nhức, đỡ mưng mủ, chữa tiêu chảy, kiết lỵ… Lá bàng đã góp phần cứu sống nhiều tù nhân. Không chỉ thế, cây bàng thời bấy giờ còn làm nhiệm vụ của một bưu tá, truyền và nhận thông tin. Lá bàng khô được đốt để người tù lấy tro làm mực viết thư truyền thông tin cho nhau. Gốc cây bàng nhiều ngóc ngách như những hộp thư liên lạc bí mật được chiến sĩ cách mạng chọn làm nơi cất giấu thư từ. Mùa cây bàng thay lá được những người tù ghi dấu tháng năm trôi qua ở chốn địa ngục trần gian giữa biển khơi.
Cây bàng đã trở thành một biểu tượng của Côn Đảo.
Đất nước hòa bình, những người tù Côn Đảo được về với tự do, những cây bàng vẫn đứng đó, vững chãi, hiên ngang như tường thành che chắn những cơn sóng dữ dội của biển cả. Mà cũng lạ, dáng đứng của cây bàng ở Côn Đảo khác xa với ở đất liền. Có những cây cao hàng chục mét, thẳng tắp, sừng sững vươn lên trời như mũi chông. Lại có cây chỉ cao chưa đầy mươi mét nhưng gốc to vài người ôm chưa xuể, tán lá thì vươn xa rợp cả một vùng đất rộng, đường kính cả trăm mét. Có lúc cây bàng mang dáng rồng lượn, phượng múa, dáng những vị thần núi, thần biển trấn giữ hải đảo. Có lúc cây bàng lại có hình dáng hao hao như cái ngà voi, sừng tê giác… Hàng bàng cổ thụ dọc những con đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng ở Côn Đảo như hàng cọc tiêu chắn gió, chắn sóng.
Chừng giữa năm là mùa quả bàng chín rộ. Đợi quả rụng xuống, người Côn Đảo nhặt về làm mứt. Và mứt bàng trở thành món quà riêng có của Côn Đảo, để người ra Côn Đảo đều mang về cho người thân một chút vị mặn mòi của nắng gió, của ân tình người Côn Đảo.
Bài và ảnh: HỒNG ANH