Tại sân bay quốc tế Nội Bài, cô nhân viên của Hãng hàng không Pacific Airlines thấy hành lý của hai chàng trai vượt quy định 5kg. Ba lô của Đỗ Tiến Thụy có cái laptop "đời Tống", nặng đúng bằng số cân dư, còn ba lô của Nguyễn Xuân Thủy có mấy chục cuốn tiểu thuyết "Biển xanh màu lá" của anh vừa xuất bản (Nguyễn Xuân Thủy từng là chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa). Cô nhân viên yêu cầu: “Một là bỏ lại máy tính, hai là bỏ lại sách, các anh chọn đi!”. Đỗ Tiến Thụy nói ngay: “Sách này mang cho bộ đội Trường Sa, ngoài ấy anh em đói sách lắm. Để laptop lại!”. Nghe thế, cô nhân viên hàng không bất chợt thay đổi thái độ, miệng mỉm cười mà mắt hâng đỏ. Sau một thoáng suy nghĩ, cô nói nhỏ, giọng xúc động: “Thôi, các anh mang cả hai thứ đi!”. Thật là hai anh bộ đội may mắn!
Mới đây, khi chia sẻ câu chuyện này, nhà văn Đỗ Tiến Thụy bộc bạch: "Ở khoảnh khắc ấy, "nhà cháu" bỗng thấy cô nhân viên hàng không đẹp lạ kỳ. Một vẻ đẹp ẩn trong tâm hồn. Hóa ra cô không chỉ quan tâm chuyện trời cao, mà thẳm sâu trong trái tim của cô vẫn dạt dào biển rộng. Đúng là sự quan tâm tới biển, đảo không độc quyền ai".
Chuyện đã qua 13 năm, chỉ là một khoảnh khắc trong lúc check-in, vậy mà không hiểu sao nhà văn Đỗ Tiến Thụy cứ nhớ mãi. Và vừa qua, sau khi đọc xong cuốn truyện ký "Kiều bào với Trường Sa" của nhà văn Hiệu Constant thì hình ảnh cô nhân viên của Hãng hàng không Pacific Airlines lại trở về... Và thế là anh có cái tít khá "đắt" khi viết bài giới thiệu cuốn sách: "Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ ở Biển Đông".
VĂN BÌNH