Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thư viện, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, trong đó quy định ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam...
Người Việt Nam nhìn chung ham học, ham đọc, nhưng ở tất cả các cấp học, hầu như không có môn nào dạy phương pháp, kỹ năng đọc sách. Tôi rút ra kết luận này sau khi tìm hiểu các môn học từ cấp tiểu học đến cấp THPT, đại học, cao học và đào tạo tiến sĩ. Không hiểu điều đó có phải võ đoán hay không? Nhưng từ kết luận đó mà tác giả quyết định viết bài báo này, với mong muốn chia sẻ một điều mà nhiều người trăn trở: Làm thế nào để đọc hết một cuốn sách mà không buồn ngủ?
Đọc sách nhiều chưa chắc đã thành công nhưng người thành công chắc chắn đọc sách rất nhiều. Một nghiên cứu của tác giả người Mỹ Thomas Corley trong cuốn sách “Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals” (Thói quen hằng ngày dẫn đến thành công của người giàu) cho thấy, điểm chung của 233 cá nhân siêu giàu của nước Mỹ đương đại là họ dành rất nhiều thời gian để đọc sách. Tỷ phú Warren Buffett có tốc độ đọc đáng kinh ngạc khi ông đọc 600-1.000 trang sách mỗi ngày. Tỷ phú công nghệ Bill Gates, được gọi là “mọt sách” với hơn 50 đầu sách mỗi năm, ông có hẳn một trang blog để giới thiệu với bạn bè về những cuốn sách ông đọc trong tuần. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thì mời cả thế giới tham gia vào thử thách của chính mình từ năm 2015: Cứ hai tuần đọc một cuốn sách mới.
Điều lưu ý trong văn hóa đọc hiện nay là người đọc phải đọc sách chứ không đọc báo, tạp chí hay lướt web. Bởi sự đọc luôn có hai mục đích, đọc để giải trí, biết thông tin và đọc để hiểu biết. Đọc để nâng cao tầm hiểu biết thì bắt buộc bạn phải đọc sách. Đây là quá trình vận dụng trí óc của con người để suy ngẫm về những con chữ mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhờ đó, trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều hơn. Đọc để hiểu biết được xem là phương pháp tự học, tự khám phá, là cách thu thập kiến thức mà không cần có người dạy trực tiếp.
Các chuyên gia văn hóa đọc chia sự đọc thành 4 cấp độ: Đọc cơ bản, đọc kiểm soát, đọc phân tích và đọc đồng chủ đề. Đọc cơ bản là cấp độ mà người đọc chỉ cần biết “đọc thông, viết thạo”. Đọc kiểm soát là đọc lướt trong một quãng thời gian tương đối ngắn, để nắm cấu trúc và kiến thức bề nổi của sách nhằm trả lời cho các câu hỏi: Cuốn sách nói lên điều gì? Kết cấu cuốn sách gồm mấy phần, là những phần nào? Đọc phân tích chính là cấp độ đọc để hiểu, giúp bạn đi từ hiểu ít đến hiểu nhiều. Đọc đồng chủ đề là cấp độ đọc phức tạp nhất, thường dành cho giới nghiên cứu và tham mưu chính sách. Đây là cấp độ người đọc cùng lúc nhiều cuốn sách về một chủ đề, để so sánh, đối chiếu, tìm ra mối liên quan đến chủ đề mà chúng cùng đề cập. Từ đó xây dựng một lập luận để phân tích một chủ đề có thể không nằm trong bất kỳ cuốn sách nào họ đọc. Trong bài viết này, tác giả chủ yếu bàn về cấp độ đọc kiểm soát và phân tích.
Khi đọc một cuốn sách, thói quen của không ít người là “cắm mặt” đọc từ trang đầu tiên cho đến khi... chìm vào giấc ngủ. Lời khuyên của chuyên gia là bạn hãy bắt đầu bằng cấp độ đọc kiểm soát. Tức là dành 5-10 phút để đọc lướt cuốn sách một cách có hệ thống. Bạn hãy xem trang đầu và phần giới thiệu ở trang cuối (nếu có). Tiếp đó, bạn đọc phần mục lục, kiểm tra các bảng chỉ dẫn, đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản, giở xem đầu chương của những chương có vẻ quan trọng, đọc ngẫu nhiên một hoặc hai đoạn, hoặc vài trang , đặc biệt là đọc lời bạt hay lời kết của cuốn sách. Như vậy, chỉ 5-10 phút, hoặc cùng lắm là một tiếng, bạn đã biết đây có phải là cuốn sách bạn đáng đọc hay không.
Điều chú ý khi đọc kiểm soát là không cần dừng lại suy nghĩ về những điều bạn thấy khó hiểu. Nếu vướng vào việc suy nghĩ về những điều chưa hiểu. Có người mới chỉ đọc lướt đã vội tra từ điển, tìm hiểu những từ, thuật ngữ mình chưa hiểu thì sẽ sớm chán nản. Đa số những cuốn sách hay đều là sách của những nhà khoa học, lãnh tụ chính trị hay tác gia nổi tiếng; tri thức của cuốn sách thường nằm trên tầm hiểu biết của bạn, nên nếu bạn sa đà vào những từ, thuật ngữ khó thì sẽ “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Hơn nữa, sách về chủ đề mà bạn yêu thích ngày càng đồ sộ, sẽ thật lãng phí nếu bạn đọc chậm một cuốn sách trong khi nó chỉ đáng đọc lướt. Vả lại, ngay cả với một cuốn sách hay, bạn cũng không nên đọc cùng một tốc độ, sẽ có những đoạn phải đọc thật chậm nhưng có chỗ chỉ cần đọc lướt. Đoạn nào cần đọc chậm thì bạn cần đến cấp độ khác, đó là đọc phân tích.
Khi bạn bước vào đọc phân tích, đây là cách đọc dễ gây buồn ngủ cho bất kỳ ai, vì những cuốn sách hay, đều là sách “khó đọc”, buộc bạn phải lao động trí óc rất nhiều. Hình ảnh mà chúng ta thường gặp ở thư viện là nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học biến chiếc ghế bành thành chiếc giường ngủ êm ái. Một hình ảnh khác, khi bạn nằm thoải mái trên giường, với chiếc đèn rất sáng nhưng bạn cũng rất dễ ngủ, kể cả khi công việc thúc ép bạn phải tăng tốc đọc tài liệu. “Không hiểu sao cứ cầm đến sách là tôi buồn ngủ” là lý do bạn đưa ra khi kế hoạch đọc sách thất bại.
Nhưng bạn sẽ khắc phục được điều đó khi tham khảo cách đọc của Bill Gates. Khi bước vào cấp độ đọc phân tích một cuốn sách, bạn hãy đặt những câu hỏi mà bạn phải tự tìm cách trả lời. Đó là: Tổng quan cuốn sách nói về điều gì? Những gì được đề cập chi tiết và được đề cập như thế nào? Cuốn sách có đúng không, đúng một phần hay đúng toàn bộ? Ý nghĩa của cuốn sách? Trả lời 4 câu đó, buộc bạn phải dùng giấy bút trong khi đọc. Bill Gates thì không dùng giấy mà dùng chính lề sách để ghi chú. Những cuốn sách ông đọc xong thường nhằng nhịt những đánh dấu và ghi chú. Hãy tưởng tượng, thời gian đọc sách như là cuộc đối thoại giữa bạn và tác giả, bạn phải thường xuyên bày tỏ sự đồng tình, tán thưởng hoặc nghi ngờ, phản đối tác giả. Có nhiều cách để làm điều này: Gạch chân những điểm chính, những đoạn hay, giàu sức thuyết phục hoặc vạch những đường thẳng đánh dấu ra ngoài lề; đánh dấu sao, hoa thị hay bất cứ ký hiệu riêng nào của bạn sang bên lề. Đánh số thứ tự những từ khóa quan trọng mà tác giả nhắc đến nhiều lần; khoanh tròn những cụm từ quan trọng, viết nhận xét hoặc đặt ra nghi vấn ở bên lề, đầu trang, cuối trang. Sau khi đọc xong cuốn sách và ghi lại những chú dẫn của riêng mình ở các trang, hãy lật về trang đầu và cố tóm tắt cuốn sách thành một dàn ý cơ bản theo trật tự các phần. Bản tóm tắt này là thước đo mức độ hiểu biết, thể hiện phần thu hoạch của bạn đối với cuốn sách.
Có câu thành ngữ “Gieo hành vi, gặt thói quen”. Ai cũng mong có thói quen đọc sách, nhưng nhiều người không có hành động thực tế để rèn luyện thành thói quen này. Nhiều người thường không tin là Bill Gates, Warren Buffett có thể đọc được nhiều sách đến vậy? Vì họ không biết rằng, nếu có kỹ năng thì tốc độ đọc sẽ được nâng lên rất nhanh. Đọc sách mà phát triển thành “kỹ xảo” thì đó là con đường ngắn nhất để bạn thu lượm tri thức của các vĩ nhân vào đầu óc mình. Thói quen đọc sách của các nhân tài được coi như thiêm bẩm là vì vậy.
Đọc phân tích đòi hỏi bạn phải đặt ra quy tắc cho quá trình đọc. Các quy tắc cơ bản là: 1, phân loại sách trước khi đọc, biết rõ loại sách mình chuẩn bị đọc (bạn sẽ làm được sau khi đọc kiểm soát). 2, trình bày sự thống nhất của toàn bộ nội dung cuốn sách trong một câu đơn hoặc một đoạn văn ngắn. 3, trình bày những phần chính của cuốn sách và cách sắp xếp các phần theo thứ tự thống nhất thành một chỉnh thể (lập lại đề cương tác phẩm). 4, xác định một hay nhiều vấn đề mà tác giả cuốn sách đặt ra và tìm cách giải quyết. 5, tìm các từ khóa quan trọng và tìm hiểu, đi đến thống nhất với tác giả bài viết những thuật ngữ trong tác phẩm. 6, đánh dấu những câu quan trọng nhất trong một cuốn sách và tìm ra các nhận định ẩn chứa trong đó. 7, tìm ra các lập luận cơ bản trong một cuốn sách dựa trên mối liên hệ giữa các câu.
Sau khi thực hiện các quy tắc trên, một độc giả thực thụ thường tiến hành phê bình sách. Tác giả đã giải quyết thành công vấn đề nào? Trong quá trình giải quyết những vấn đề cuốn sách đặt ra, tác giả còn nêu ra vấn đề nào khác? Tác giả thất bại ở điểm nào? Tác giả có nhận thức được những vấn đề mà mình không thể giải quyết không? Đọc phân tích thực ra là một kiểu hội thoại. Nếu bạn nghĩ đọc sách là chỉ có tác giả nói còn bạn hoàn toàn im lặng tức là bạn chưa nhận thức đúng trách nhiệm của người đọc và không nắm bắt cơ hội của chính mình. Những độc giả dễ tính thường không đưa ra lời phê bình và thực ra, không thể phân tích và rút ra được điều gì từ cuốn sách. Tất nhiên, khi bạn khen hay chê, tán thưởng hay phản đối, bạn phải chắc chắn là mình đã hiểu đúng tác phẩm. Nghiêm túc với chính mình khi đọc sách là tinh thần khoa học.
Bạn đang sống trong “thế giới phẳng”, một thế giới luôn choáng ngợp thông tin. Thế giới đó dễ khiến bạn trở thành một người đọc sách tùy tiện, bạn đọc rất nhiều nhưng không nâng tầm hiểu biết của mình lên một nấc cao hơn được. Chính vì vậy mà ai cũng muốn trở thành một độc giả khôn khoan. Nhưng điều đáng lưu ý là, bạn không thể trở thành người giỏi nếu chỉ đọc những cuốn sách nằm trong khả năng mà phải đọc đến những cuốn sách vượt khả năng của bạn. Chỉ những cuốn sách đó mới khiến bạn phải động não, vì nếu không động não thì bạn sẽ không học được gì.
Bạn cũng không phải sợ những cuốn sách của những nhà khoa học lớn, những nhân vật vĩ đại. Có người nghĩ rằng, nhưng cuốn sách của Karl Marx, V.I.Lenin, Albert Einstein, Isaac Newton, Hồ Chí Minh... thì rất khó đọc. Điều đó không đúng. Những cuốn sách của những nhà khoa học vĩ đại thường dễ đọc hơn những cuốn khác rất nhiều vì tác giả đã cẩn thận giúp bạn hiểu được những thuật ngữ, xác định rõ các nhận định chính và trình bày các luận điểm chủ chốt. Nếu bạn đã xác định đó là cuốn sách bạn cần đọc thì chính những cuốn sách kinh điển vĩ đại nhất có thể giúp bạn suy nghĩ tốt hơn về những vấn đề con người không thể giải quyết được hoặc là bạn sẽ hiểu được những vấn đề mà chỉ duy nhất cuốn sách đó mới giúp bạn hiểu được rõ ràng và sâu sắc, bởi đó là sách của những người có trí tuệ hơn người.
TRẦN ĐÌNH