Mô hình chiếc nón từ thời xa xưa ấy đến nay gần như không thay đổi. Chỉ mấy chục năm trước cả thành thị và nông thôn hầu như ai cũng sở hữu một chiếc nón... Vì nón là vật dụng thân thiết rất phù hợp với khí hậu, thời tiết và văn minh nông nghiệp cũng như tính cách tâm hồn Việt đơn sơ, giản dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng.
 |
Nón trang trí tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội |
Nón che nắng, che mưa. Nón để chắn gió, chắn bụi. Nón thay cho chiếc quạt khi trời nóng, thiếu gió. Nón thay bát uống nước. Ngày xưa môi trường trong lành, nước sông trong vắt, mát mẻ, nông dân đi làm đồng, khát nước lấy nón múc nước sông uống thấy đã đời. Ra thăm đồng thấy nước cạn, trời thì nắng, lúa còn non bấy, thế là lấy nón làm gầu múc tạm ít nước dưỡng lúa đỡ khô. Đi làm về muộn qua vườn hái ít rau nấu bữa tối, cho vào nón. Các bà các mẹ đi chơi gặp nhau liền ngả nón ngồi tâm sự, lúc về rảo qua chợ mua đồ cũng cho vào nón. Nhiều vùng quê còn lấy nón làm phương tiện đong đếm. Như trong việc bán lá chè xanh. Có người mua cả “nón chè”. Có người chỉ mua một phần tư...
Chắc đã từ lâu lắm, cái nón làm phương tiện giãi bày nỗi niềm tâm sự: “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”; “Qua cầu ngả nón trông cầu/ Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”. Chiếc nón thể hiện tâm trạng một thân phận, một hoàn cảnh: “Tròng trành như nón không quai/ Như thuyền không lái như ai không chồng!”. Nón làm sứ giả nối những tâm hồn yêu thương. Chàng trai nào tặng nón mà người con gái nhận tức là đã nhận lời yêu: “Nón này che nắng che mưa/ Nón này để đội cho vừa đôi ta”. Cô gái từ chối tình yêu dùng hình tượng nón, thật khiêm cung: “Tiếc vì nón lá quai mây/ Nên em chẳng dám trao tay chàng cầm”. Và: “Nón em nón bạc quai thao/ Thì em mới dám trao chàng cầm tay”. Dùng chiếc nón để khen nhau được coi là tình tứ, có duyên: “Nón mua một đồng mốt, tốt tựa như rồng/ Sao em không mua mà đội để má hồng nắng ăn”. Một cái nón nghiêng trong ca dao khiến hàng triệu trái tim trai trẻ bao đời nay xao xuyến: “Ra đường nghiêng nón cười cười/ Như hoa mới nở, như người trong tranh”... Thế nên cái nón làm vật kỷ niệm để tặng nhau!
Thời Nguyễn người lính thú trang bị “nón dấu”. Hình ảnh ấy đi vào ca dao như một nỗi ám ảnh: “Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nón dấu vai mang súng dài”. Khi có hiệu lệnh “lên đường” thì tất cả, người đi, người tiễn vỡ òa nức nở: “Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa”. Nhà phê bình Hoài Thanh đã rất tinh khi cho rằng, có hai con người trong bài ca dao này. Hai câu đầu là “con người giả”. Hai câu sau là “con người thực”. Khi “xuống thuyền” thì “con người thực” ấy mới vỡ òa ra...
Nón là trang phục thường ngày. Nón là “đạo cụ” trong biểu diễn. Không thể tưởng tượng nếu như hát quan họ mà người nữ lại thiếu nón ba tầm. Vì nón ba tầm cùng áo tứ thân, khăn mỏ quạ góp phần làm nên hồn cốt điệu hát... Khi hát có nón mới có được cái dáng e ấp, mới có được cái điệu da diết, thiết tha...
Cái nón đơn sơ, giản dị, thường ngày nên huyền thoại về nó thật không nhiều. Huyền thoại vốn ưa sự phức tạp để dựa vào đó mà thêu dệt tình tiết ly kỳ, thêm thắt sự kiện tưởng tượng. Còn đây, cái mà ai cũng biết, ai cũng gần gũi, không có “khoảng cách huyền thoại” nên thành ra tự cổ chí kim cái nón vẫn là cái nón. Nếu có “thiêng hóa” cũng là những chi tiết bên ngoài nó mà thôi.
Cổ tích về cái nón thì tâm hồn mơ mộng của nhiều dân tộc hầu như thống nhất trong cốt truyện “Bà Chúa Che”. Ngày xưa, có một bà cao lớn, trên đầu đội bốn cái tàu lá tròn như bầu trời được cài với nhau. Khi trời mưa như trút, khi trời nắng như đổ lửa con người không có chỗ trú thân, bà liền lấy bốn cái tàu lá ấy che cho người khỏi mưa khỏi nắng. Bà đi đến đâu mưa thuận gió hòa đến đó. Bà dạy người cách trồng cây cấy lúa để sinh sống. Bà còn hay kể chuyện cho người nghe. Một hôm nghe bà kể hay quá người ngủ thiếp đi. Bà bay về trời... Từ đó người gọi bà là bà Chúa Che và học bà đi tìm các lá cây quấn gài vào nhau làm cái che mưa che nắng. Về sau người gọi đó là chiếc nón. Cũng từ đó chiếc nón gắn bó nhiều hơn với người phụ nữ trong sự tương liên về phẩm chất: Giản dị, sâu lắng, nhẹ nhàng, bao dung, giàu đức hy sinh luôn che chắn cho những đứa con... và cũng rất “hay chuyện”!
Thần thoại thiêng hóa chiếc nón cũng không nhiều, chỉ tìm thấy trong chùm truyện chung quanh hai nhân vật Chử Đồng Tử và Nguyễn Minh Không. Chùm truyện về Chử Đồng Tử có nhiều dị bản nhưng bất cứ truyện nào cũng dứt khoát không thiếu được chi tiết Tiên ông tặng Đồng Tử cái nón và gậy. Đây là những vật huyền thoại. Khi Đồng Tử cắm gậy và úp nón vào đầu gậy thì thành cái mái nhà che mưa che nắng. Kỳ diệu hơn nữa thì thành nhà cửa phố phường sầm uất đông đúc. Nhìn dưới lý thuyết “cổ mẫu” (mẫu gốc), đây là những chi tiết rất có giá trị. Chiếc nón là “mẫu con” của quan niệm “trời tròn đất vuông”. Cái nón tròn chính là mô hình thu nhỏ của “trời tròn”. Như vậy chiếc nón được nâng lên ngang tầm với vũ trụ. Chiếc gậy là “mẫu con” của “trụ chống trời” từ thời “thiên cổ”. Hoặc là biến thể của “cây vũ trụ” đầy tính triết học!
Trong văn học viết, tác phẩm viết về cái nón có lẽ sớm nhất là "Hồng Đức quốc âm thi tập" (thế kỷ XV) do vua Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn sáng tác. Trong tập có hẳn riêng một bài tên “Cái nón”: “Mưa nào lệ (sợ), nắng nào âu (lo)/ Các cứ (vật) làm nên nón đội đầu/ Vành vạnh dường bằng vầng nhật nguyệt/ Vần vần mấy tựa tán công hầu/ Trùm mặt ngọc, mùi hương đượm/ Đạo đường hoa bóng ác thâu/ Cả mọn thế gian phủ rợp/ Nào ai là chẳng đội lên đầu”. “Bóng ác” tức bóng mặt trời; “cả mọn” tức lớn nhỏ. Con người ở đây được coi là một giá trị cao nhất, quý nhất nên mặt người được gọi là “mặt ngọc”. “Mặt ngọc” nên phải là “người tiên”. Trong tập thơ nhiều lần nói về “người tiên” như vậy! Trong văn học hiện đại, hình tượng cái nón được đưa nhiều vào thơ bởi tự thân nó mang tính khái quát trữ tình cao. Trong tác phẩm "Tắt đèn", Ngô Tất Tố cũng từng cho chị Dậu đội chiếc nón mê. Nón mê là nón cũ, nát...
"Gửi em chiếc nón bài thơ”, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết nhà văn Sơn Tùng-tác giả của những tác phẩm văn xuôi nổi tiếng viết về Bác Hồ, chính là người đã viết bài thơ này, và cũng là đồng tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Lê Việt Hòa. Có lần nhà văn Sơn Tùng kể, năm 1955, ông là đại biểu thanh niên sinh viên Việt Nam dự Đại hội Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ V tại Warszawa (Ba Lan). Đến Moscow (Nga), bất chợt nhà thơ nhìn thấy một cô gái Nga đội chiếc nón lá Việt Nam đi giữa đường phố. Cảm hứng dâng trào, tứ thơ bật ra. Bài thơ được in lần đầu năm 1955. Mãi sau năm 1975 mới được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc: “Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ/ May bằng hình bóng quê hương/ Lợp vào đây trăm nhớ ngàn thương/ Nón bài thơ, em đội nón bài thơ/ Đi đón ngày hội mới/ Nước non ta nay một dải/ Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ"...
Nhịp điệu da diết của bài thơ đã giúp nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc thành công ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ”, một bài ca đi cùng năm tháng, bao nhiêu năm qua vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc cả nước.
Có thể người miền Bắc phân biệt mũ và nón nhưng người miền Nam thì gọi chung vật che trên đầu đều là nón. Lý giải như sau: Hình ảnh cái nón theo cha ông ta đi mở nước, quen thuộc và thiêng liêng đến mức “danh hóa” tất cả những vật gì đội trên đầu cũng đều chung một danh từ “nón”. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách hiểu. Còn bạn thì sao? Xin mời quý vị chia sẻ những suy nghĩ của mình về hình ảnh chiếc nón trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ