Những ồn ào xung quanh việc triển khai dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP Hồ Chí Minh đã có phần lắng dịu trong những ngày qua, khi các thông tin về chủ trương, lộ trình, quy mô dự án đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn đặt ra. TP Hồ Chí Minh có cần một nhà hát tầm cỡ quốc tế trong giai đoạn hiện nay hay không? Tìm câu trả lời cho vấn đề ấy đòi hỏi phải có một cái nhìn logic, tổng thể, với tâm thế khách quan…

Nghệ thuật hàn lâm trong môi trường hội nhập

Không còn những tranh cãi về chuyện HĐND TP Hồ Chí Minh họp bất thường để thông qua dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2. Bởi, điều mà không ít người nghĩ là chuyện “bất thường” thực ra là hoàn toàn bình thường. HĐND họp bất thường là để phân biệt với họp thường kỳ. Hằng năm, tùy vào tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng thời điểm, HĐND có thể triệu tập họp bất thường để giải quyết những vấn đề đặt ra mà không cần chờ đến phiên họp thường kỳ. Đó chỉ là cách gọi về tính chất của các kỳ họp, hoàn toàn không có chuyện bất thường về các dự án như một số người suy diễn. Vả lại, tại kỳ họp bất thường vừa qua, HĐND TP Hồ Chí Minh đã bàn bạc, thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng những dự án trọng điểm. Nhà hát chỉ là một trong những dự án đó. Đưa một dự án về văn hóa-nghệ thuật đã được xây dựng đề án từ 15 năm trước để thổi phồng, suy diễn, lái câu chuyện sang một hướng khác mới là cách phản biện “bất thường”.

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng HBSO biểu diễn tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN QUYỀN

Nhắc lại như vậy để thấy dư luận nhiều khi là sản phẩm của “hội chứng đám đông”. Không ít người chưa có đủ thông tin, chưa nắm được đầu đuôi câu chuyện, nhưng thấy người khác phản đối, mình cũng hùa theo. Nói mạng xã hội là cái chợ thông tin hỗn tạp, người đi chợ thông minh phải biết lựa chọn những sản phẩm phù hợp, không bị tâm lý đám đông lôi kéo, trong trường hợp này cũng chả sai.

Bây giờ, khi nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải thông tin, vấn đề này thiết nghĩ không cần bàn nhiều nữa. Nhưng dư luận thì lại chuyển sang một hướng khác, rằng xây nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng liệu có lãng phí ngân sách? Trong bối cảnh thành phố có không ít nhà hát xuống cấp, đang phải “đắp chiếu”, có cần thiết phải xây thêm một nhà hát quy mô hoành tráng, hiện đại tầm cỡ quốc tế?

Ngược về lịch sử, ai cũng biết ngay từ đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp đã cho xây dựng nhà hát đẳng cấp quốc tế ngay tại Sài Gòn. Đó chính là Nhà hát TP Hồ Chí Minh nằm ở trung tâm quận 1 ngày nay. Xét về mặt bằng dân trí, rõ ràng nhân dân TP Hồ Chí Minh hôm nay có trình độ mọi mặt cao hơn hẳn người dân Sài Gòn hơn 100 năm trước. Tại sao ngay thời điểm đó, Sài Gòn lại cần một nhà hát tầm cỡ bên cạnh những công trình kiến trúc quy mô khác mà đến nay chúng ta vẫn đang bảo tồn, sử dụng? Ngày đó, người Pháp coi Sài Gòn là “hòn ngọc Viễn Đông”. Sài Gòn và Hà Nội là những trung tâm giao thương lớn. Để thúc đẩy quan hệ giao thương kinh tế, chính quyền Pháp đã đầu tư phát triển các công trình, thiết chế văn hóa, tín ngưỡng tại Sài Gòn mà ngày nay đã trở thành những di sản văn hóa vật thể, như: Bưu điện Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát…

Cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam, trong các tài liệu khảo cứu về văn hóa Sài Gòn, đã khẳng định: Đến năm 1986, chúng ta mới thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa, nhưng người Sài Gòn ngay từ giữa thế kỷ 18 đã có tư duy mở cửa. Lúc bấy giờ, Sài Gòn là một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất châu Á. Vì vậy, nói đến văn hóa Sài Gòn là nói đến văn hóa giao thương, văn hóa biển, văn hóa sông nước…

Thực tế hiện nay, TP Hồ Chí Minh là đô thị tập trung rất nhiều cơ quan quốc tế và đại diện các thương hiệu kinh tế lớn trên thế giới. Số lượng chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, giáo dục từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều. Hằng năm, chính quyền thành phố tổ chức lễ hội văn hóa quốc tế quy mô lớn vào dịp Tết dương lịch để kết nối các nguồn lực đầu tư, tạo môi trường, không gian giao lưu giữa các nền văn hóa đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ. Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới muốn đưa giàn nhạc giao hưởng đến biểu diễn, giao lưu tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do còn thiếu một nhà hát đủ điều kiện nên thành phố đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Hiện tại, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là hệ thống nhạc cụ sử dụng cho loại hình giao hưởng, nhạc, vũ kịch… đã được trang bị tương đối đồng bộ, nhưng chưa có nhà hát đủ tiêu chuẩn để tổ chức dàn dựng những tác phẩm lớn.

Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nêu rõ: Trong môi trường hội nhập quốc tế, thành phố không chỉ thúc đẩy các giải pháp kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế mà cần phải song hành với hội nhập văn hóa. Việc có một nhà hát xứng tầm để thu hút các nền nghệ thuật hàn lâm trên thế giới đến biểu diễn, giao lưu là vô cùng cần thiết. Về nghệ thuật hàn lâm, chúng ta đã có đầy đủ những yếu tố cần và đủ cho phần “ruột” rồi, giờ chỉ cần hoàn thiện cái “vỏ”, tức một địa điểm, không gian sáng tác, biểu diễn, đào tạo nữa là đã có thể đáp ứng yêu cầu…

Chàng Trương Chi có thổi được “sáo thần”?

Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, chàng Trương Chi là mẫu hình của người nghệ sĩ dân gian, biểu diễn theo phong cách tài tử. Tiếng hát của chàng làm say đắm con tim nàng Mỵ Nương, viết nên câu chuyện tình kinh điển với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Không ít nghệ sĩ của dòng nhạc dân gian, dân tộc đã bày tỏ quan điểm, cho rằng TP Hồ Chí Minh không cần một nhà hát quy mô lớn như vậy. Bởi số đông công chúng của thành phố chưa có khả năng thẩm mỹ và điều kiện kinh tế để đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật hàn lâm.

Ở khía cạnh khác, đa số nghệ sĩ dòng nhạc thính phòng-opera thì bày tỏ thái độ vui mừng khi HĐND thành phố thông qua dự án xây dựng nhà hát. Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) chia sẻ rằng, việc có một nhà hát xứng tầm quốc tế cho giới nghệ sĩ giao hưởng, nhạc, vũ kịch biểu diễn là khát khao lớn nhất cuộc đời làm nghệ thuật của ông. Những năm qua, khi Nhà hát thành phố không đáp ứng đủ công năng, nhiều chương trình nghệ thuật lớn, HBSO phải mượn địa điểm ở các hội trường để cho anh chị em nghệ sĩ luyện tập.

Một trong những tác phẩm âm nhạc hàn lâm được HBSO dàn dựng và biểu diễn thành công nhất từ trước đến nay là vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của thiên tài Mozart, do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện năm 2018. “Cây sáo thần” phiên bản Việt đã tổ chức công diễn nhiều đêm tại Nhà hát thành phố mới đây, với giá vé ở mức 600.000-900.000 đồng/vé. Dù mức giá vé không hề dễ chịu, nhưng khán phòng các đêm diễn đều có đông khán giả, trong đó có nhiều khán giả quốc tế, là những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Để có được những đêm diễn phục vụ khán giả, HBSO đã mất một năm trời tổ chức dàn dựng. Dù điều kiện nhà hát chưa đáp ứng yêu cầu, song với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, HBSO đã khắc phục khó khăn, đem đến cho công chúng yêu thích nghệ thuật hàn lâm một tác phẩm nhạc kịch tròn trĩnh.

Đặc trưng loại hình nghệ thuật truyền thống của TP Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ là đờn ca tài tử, cải lương. Theo cố GS, TS, nhạc sĩ Trần Văn Khê, bản thân đờn ca tài tử, cải lương đã chứa đựng yếu tố hàn lâm trong đó. Thế nên, khi phổ biến ra thế giới, không ít ý kiến đề xuất, phải có biện pháp nâng tầm âm nhạc truyền thống Nam Bộ. Tuy nhiên, GS, TS Trần Văn Khê đã thẳng thắn nêu quan điểm, âm nhạc truyền thống của chúng ta chưa bao giờ “thấp” nên không có chuyện phải “nâng tầm”. Cái cần nâng tầm chính là đổi mới phương thức quảng bá, phổ biến, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn theo xu thế phát triển.

Ở lĩnh vực khác, rõ ràng âm nhạc hàn lâm không phải là loại hình hướng đến số đông công chúng. Để thưởng thức nghệ thuật hàn lâm, đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài về công tác giáo dục, phổ biến, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Nhưng cũng không thể nói, tất cả công chúng TP Hồ Chí Minh hôm nay không yêu thích âm nhạc hàn lâm. Như vậy, lấy số lượng các nhà hát hiện có đặt trong mối quan hệ với dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là sự so sánh có phần khiên cưỡng. Đây là hai lĩnh vực, hai dòng chảy của một nền nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập. Giọng hát của chàng Trương Chi có sức mê đắm lòng người, nhưng chàng không phải là nghệ sĩ để có thể vừa hát hay, vừa có khả năng thổi “Cây sáo thần”.

Một mặt, thành phố cần đầu tư nâng cấp hệ thống nhà hát hiện hữu để phục vụ sáng tác, luyện tập, biểu diễn đối với nghệ thuật truyền thống và các loại hình nghệ thuật đáp ứng thị hiếu công chúng. Mặt khác, cần phải đầu tư xây dựng nhà hát hiện đại dành cho nghệ thuật hàn lâm, khi mà Nhà hát thành phố do Pháp xây dựng từ năm 1900 đã không còn phù hợp để tổ chức trình diễn các giàn nhạc giao hưởng lên đến hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công. Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch không chỉ là chiếc nôi sáng tác, biểu diễn, phổ biến các tác phẩm âm nhạc, vũ, kịch đỉnh cao trong nước, mà còn là không gian giao lưu nghệ thuật hàn lâm quốc tế. Để hội nhập thành công, chúng ta không thể bó hẹp quyền lợi và tư duy văn hóa trong phạm vi quốc gia, hay quá coi trọng phát triển các công trình kinh tế mà coi nhẹ các công trình, thiết chế văn hóa, trong đó có loại hình nghệ thuật hàn lâm.

Lĩnh vực nào cũng vậy, nếu thiếu vắng đỉnh cao thì rất khó tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế. Với nghệ thuật, yếu tố đó lại càng cần thiết. Mà muốn có đỉnh cao thì phải có đầu tư xứng đáng!

THANH KIM TÙNG