PGS, TS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:

Diễn trường giáo dục nhân cách con người

Nhiều người cho rằng, Việt Nam có nhiều lễ hội quá (tới hàng nghìn lễ hội). Vậy là người ta gắn luôn rằng, dân Việt Nam không lao động sản xuất mà chỉ ăn chơi suốt năm? Làm gì có chuyện đấy. Tôi lý giải tại sao Việt Nam có nhiều lễ hội. So với quá khứ ngần ấy lễ hội là quá ít. "Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ'', thì phải nhớ chúng ta có 11.000 làng, xã. Lấy con số 11.000 chia cho 8.000 lễ hội, trung bình hơn một làng, xã mới có một lễ hội. Do biến đổi thời cuộc, những năm bao cấp chúng ta bỏ đi rất nhiều lễ hội.

leftcenterrightdel
PGS, TS Đặng Văn Bài

Chúng ta quên thực tế, so sánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố, đô thị so với ở nông thôn. Đây là vấn đề nhiều người không hiểu. Đô thị, thành phố có nhà hát, rạp chiếu phim… bao nhiêu chương trình phục vụ đời sống tinh thần, giải trí của người dân. Nông thôn, người ta làm quần quật quanh năm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, họ có ngày nghỉ nào đâu? Những ngày lễ hội mới là dịp để người dân được nghỉ ngơi, giải trí thư giãn vui vẻ. Người ta cứ nói, 8.000 lễ hội là nhiều, vậy thì để thành thị hưởng hết, còn nông thôn thì thôi. Đó là nhận thức sai lầm.

Lễ hội chính là diễn trường để giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách con người. Vì sao vậy? Ở Việt Nam có hai xu thế là, lịch sử hóa các nhân vật thiên thần và huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử, cho nên, phần lớn các lễ hội là để tôn vinh những người có công với dân, với nước. Dịp tôn vinh đấy vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có hình thức diễn xướng để người dân tiếp nhận sự giáo dục tấm gương sáng của các vị tiền nhân. Từ đó nuôi dưỡng đạo lý tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn''. Có tổ tông có nòi giống, đó là mạch nguồn nuôi dưỡng tinh thần Đại Việt, hào khí Đông A từ xưa đến nay. Ta phải tận dụng điều đó để phục vụ vào các mục đích đúng. Các lễ hội có vẻ như quá quan tâm đến phần hội, các trò vui chơi, giải trí mà xem nhẹ việc tuyên truyền công lao của vị thần đang thờ, điều học được từ liệt tổ, liệt tông, vận dụng tinh thần ấy vào cuộc sống hiện đại để phấn đấu, trưởng thành.

HÀ AN (ghi)

Thạc sĩ LÊ THỊ KIM LOAN, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:

Để lễ hội thực sự của nhân dân

Nhân dân ta luôn có ý thức “uống nước nhớ nguồn”, tham dự lễ hội truyền thống với tinh thần tưởng nhớ, tạ ơn những người đã có công với cộng đồng trong suốt quá trình lịch sử. Người dân tham dự lễ hội nhằm thỏa mãn về nhu cầu tâm linh, thực hành nghi thức tâm linh, trình bày các khát vọng, mong ước một năm mới bình an, tốt đẹp. Ý nghĩa kinh tế được xem là ý nghĩa mới nhất của lễ hội, người ta tổ chức lễ hội nhằm đạt được các thành tựu về kinh tế như: Buôn bán, quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

leftcenterrightdel
Thạc sĩ Lê Thị Kim Loan

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn, khi số lượng lễ hội càng tăng thì ý thức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận người dân có xu hướng giảm. Khi tôi tổ chức cho sinh viên đi khảo sát về lễ hội, có rất nhiều con em của làng không biết Thành Hoàng làng, không biết nhân vật làng thờ phụng là ai. Thử hỏi, chính người dân bản địa còn không biết những điều trên thì làm sao họ truyền được sự hứng khởi, trân trọng của mình cho các khách từ nơi khác đến?

Nguyên nhân thứ hai là do xu hướng thương mại hóa của xã hội hiện đại. Người ta chỉ thấy là từ hồi có tổ chức lễ hội, khách thập phương về đây nhiều hơn, mua bán nhiều hơn, đường sá được sửa chữa đẹp hơn, phát triển du lịch hơn… mà quên rằng, làng tổ chức lễ hội là để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng so với các cộng đồng khác, nên mục đích của lễ hội đi chệch hướng, đời sống kinh tế tăng lên nhưng giá trị văn hóa lại đi xuống.

Còn cộng đồng từ nơi khác tới, họ đến để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và sự hiếu kỳ, tò mò. Họ tới vui chơi giải trí, tham gia vào lễ hội nên khi rời đi không phải chịu trách nhiệm về những hậu quả bản thân gây ra. Nên họ thường có những biểu hiện tức thời mang tính cá nhân và không cần biết đến hậu quả để lại. Tất nhiên, không phải tất cả đều có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội, nhưng khuynh hướng này có biểu hiện gia tăng. Vì thế, tôi thấy phải có một chương trình tổng thể mang tính chất “mưa dầm thấm lâu”, phải được giáo dục thường xuyên thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng về văn hóa lễ hội. Không được hời hợt, mà phải đi sâu và bám rễ vào trong cộng đồng. Ngoài ra, phải có sự giáo dục mang tính cưỡng chế trong nhà trường, gia đình và địa phương.

Nên chăng, chúng ta chọn thí điểm ở một vùng có rất nhiều lễ hội và mang tính cộng đồng cao, làm mẫu, rồi nhân rộng ra những vùng khác. Khi người ta nhìn thấy lễ hội trở nên trật tự, đàng hoàng mà vẫn mang lại lợi ích về kinh tế, thu hút đông đảo người dân… thì tự nhiên họ sẽ học hỏi theo. Chúng ta thường chỉ nhìn xoáy vào những chỗ tiêu cực, nhưng dường như lại quên mất những điểm sáng tích cực để quảng bá cho nó. Nhân rộng những lễ hội mang tính tích cực và giá trị để giảm dần những lễ hội mang tính tiêu cực. Lợi ích khi được minh bạch công khai thì nơi tổ chức lễ hội sẽ trở nên trật tự, càng ngày càng văn minh.

NGỌC MAI - THU HẰNG (ghi)

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh:

Cần có sáng kiến mới trong tổ chức, quản lý

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Lễ hội Lim Xuân Mậu Tuất 2018 đã diễn ra an toàn, văn minh, lành mạnh, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống. Khắc phục những tồn tại trước đây, năm nay Lễ hội Lim đã đề ra và thực hiện nhiều điểm mới về khâu tổ chức. Tiêu biểu là, các lán hát quan họ đã ký cam kết không ngả nón xin tiền tránh gây phản cảm đối với du khách và làm xấu hình ảnh truyền thống của các liền anh, liền chị; cử 150 thanh niên tình nguyện hướng dẫn cho các du khách đến lễ hội và cấp phát nước miễn phí tại 6 điểm quanh trung tâm lễ hội; đặt 60 thùng rác quanh lễ hội và 30 nhà vệ sinh lưu động để phục vụ du khách. Những hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phải ký cam kết bán hàng đúng giá, đúng mặt hàng đăng ký kinh doanh, buôn bán, tránh tình trạng chặt chém du khách, nếu phát hiện trường hợp nào thực hiện không đúng quy định sẽ xử lý thật nghiêm; giao cho phòng y tế huyện cùng trung tâm y tế huyện đi kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiêm cấm các dịch vụ điện tử, trò chơi dùng loa có công suất lớn hoạt động tại những điểm gần trung tâm lễ hội. Đặc biệt, tình trạng cá độ ăn tiền, bài bạc và các tệ nạn xã hội, ăn xin được lực lượng Công an huyện Tiên Du rà soát, tuần tra liên tục không để diễn ra trong lễ hội năm nay.

Thành công của lễ hội thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các đơn vị chức năng của huyện với chính quyền và nhân dân địa phương trong tổ chức, thực hiện, trong đó, người dân là chủ thể, nòng cốt. Tôi xin nhấn mạnh điều này, bởi vì, mọi hoạt động từ tế lễ, hát canh đến tổ chức các trò chơi, bà con địa phương đều là những người thực hiện. Bên cạnh đó cũng cho thấy cần có sáng kiến mới, sát thực tế trong việc tổ chức lễ hội. Khi tình yêu quê hương, lòng tự hào bản sắc văn hóa độc đáo của người dân được phát huy, người ta sẽ thực hiện đúng nếp sống văn minh. Từ đó lan tỏa đến du khách thập phương về trẩy hội.

PHẠM TUẤN (ghi)