Trong hoạt động quân sự, chiến thắng và chiến bại là hai kết quả đối lập nhau, nhưng khi xếp vào thành ngữ và trong hoàn cảnh cụ thể, lại cho kết quả tương đương nhau.

"Bất khả chiến thắng" là một thành ngữ Hán Việt, dùng để đánh giá một người (hay một tập thể) nào đó có sức mạnh vô song, khó có ai (hoặc tập thể) nào có thể khuất phục, đánh thắng được khi đối đầu. 

Chiết tự từng từ một, thành ngữ này có 4 âm tiết, bất: Không, khả: Có thể, chiến: Đánh, thắng: Được. "Bất khả chiến thắng" có nghĩa chung là "không thể đánh thắng (được)". Thực tế, không chỉ trong chiến tranh, trong cuộc sống (thể thao chẳng hạn), có nhiều tình huống tranh chấp tay đôi (tay ba hoặc hơn) giữa một số cá nhân hay một số tập thể nào đó, như các vận động viên (bóng bàn, cờ vua, quyền Anh, đua thuyền, bóng đá...) vẫn xảy ra hiện tượng cá nhân hay tập thể nọ mạnh mẽ, có tài năng xuất chúng trở thành "vô đối", "vô địch" vì không có đối thủ ngang tầm. Garry Kasparov-đại kiện tướng cờ vua người Nga, hiện được coi là "kỳ thủ xuất sắc nhất mọi thời đại" có một thời gian dài không thất bại trong bất cứ một cuộc tranh tài nào. Lúc đó, ông xứng đáng được coi là kỳ thủ bất khả chiến thắng.

"Bất khả chiến bại" cũng là một thành ngữ Hán Việt 4 thành tố. Tuy nhiên, cái khác là thành tố thứ tư: "Bại"-một từ trái nghĩa với "thắng" (trong bất khả chiến thắng). Điều đáng ngạc nhiên là sự đối lập này lại không những không đem lại sự khác biệt về nghĩa giữa hai thành ngữ mà ngữ nghĩa của chúng lại giống hệt nhau. "Bất khả chiến bại" có nghĩa chung là "không thể đánh thua". Ai hay tập thể nào đó "không thể đánh thắng" cũng có nghĩa là "không thể đánh thua". Vậy "bất khả chiến thắng" = "bất khả chiến bại". 

Cách dùng hai thành ngữ này trong các ngữ cảnh đã làm nên ngữ nghĩa chung, thống nhất. Sự khác nhau hoàn toàn của cặp từ trái nghĩa "thắng/bại" lại làm nên sự giống nhau kỳ lạ về ngữ nghĩa sử dụng. Quả là điều thú vị của ngôn từ: Đứng riêng "thắng", "bại" khác nhau/ Đứng chung ngữ nghĩa thành câu ngang bằng...

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH