QĐND - 60 ngày đêm "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của quân và dân TP Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947 đã để lại cho mai sau hàng trăm di tích lịch sử quý giá. Hằng ngày, hằng giờ, bên những di tích ấy vẫn thường diễn ra những câu chuyện, những hành động dung dị mà cao đẹp...

Tình người bên "Bia căm thù"

Đầu một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Bún có một chiếc tấm bia lớn. Từng chữ, từng chữ được tạc vào đá: “Khắc sâu căm thù. Nơi đây, ngày 17-12-1946 thực dân Pháp đã tàn sát đồng bào ta...”. Tấm "Bia căm thù" ấy là do nhân dân lập nên sau sự kiện hàng chục người dân trong khu phố bị thực dân Pháp tàn sát ngày 17-12-1946 hòng đe dọa, gây áp lực đòi Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu hàng.

Qua nhiều lần tu sửa, tấm bia đá nay đã khác so với ban đầu. Ông Huấn (50 tuổi) chạy xe ôm, người đã gắn bó với ngã ba Hàng Bún nhiều năm nói: “Xưa kia chỉ là tấm cái bia nhỏ, bởi chính quyền chăm chút sửa sang lại hằng năm nên giờ mới cao đẹp như bây giờ đấy!”. Di tích còn thu hút người qua lại bởi sự gọn gàng, sạch sẽ, luôn có một bình hoa tươi thắm đặt ở đây. Ông Huấn cười tươi, chỉ tay sang phía bên đường: “Bà Yến bà ấy làm hết đấy!”.

15 năm nay, ngày nào cũng thế, mỗi khi ra bán hàng là bà Yến (56 tuổi) lại mua hoa và bánh trái thắp hương tại đây. "Tôi ở ngay cạnh, có điều kiện thuận tiện so với những người ở xa nên việc chăm lo cho di tích là điều nên làm”. Bà Yến say sưa kể về những câu chuyện hằng ngày diễn ra nơi đây. Cạnh tấm bia có một bình cắm nhang được đặt ngay ngắn gọn gàng. Bà bảo: "Cứ để gọn ở đó, ai ngang qua mà muốn thắp nén nhang là có sẵn ngay. Những năm gần đây, ngoài các đoàn quay phim, làm phóng sự cũng có rất nhiều thầy, cô giáo dẫn học sinh tới đây để tìm hiểu lịch sử. Nhiều nam, nữ thanh niên vốn nói năng ồn ào khi vào hàng quán ăn uống, tình cờ nhìn thấy tấm bia, họ trở nên nhỏ nhẹ, biết điều hơn".

"Tượng đài sống" bên Pháo đài Láng

20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, Pháo đài Láng nổ phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành, mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc của quân-dân ta. Pháo đài Láng nay là Di tích lịch sử cách mạng, phần góc sân phía bên phải vẫn còn lưu giữ một khẩu pháo lớn.

Khẩu pháo còn lại trong Di tích Pháo đài Láng.

Ở phố Pháo Đài Láng, hầu hết người dân đều biết khá rõ về lịch sử tên gọi của khu phố. Bà Nguyễn Thị Miền (65 tuổi) vẫn nhớ như in những câu chuyện được bố kể cho nghe về khẩu pháo ở gần nhà. Xưa nơi đây có tên thôn Trung, thuộc xã Yên Lãng, sau này đổi tên thành phố Pháo Đài Láng. "Bố tôi lúc sinh thời vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về sự tích cực ủng hộ, hỗ trợ bộ đội Pháo đài Láng chiến đấu của tự vệ và nhân dân xã Yên Lãng. Những người trong đội pháo ngày xưa đều đã qua đời, chỉ còn lại hai người, trong đó có cụ Đỗ Văn Đa, cụ năm nay cũng ngoài 90 rồi, cứ đến ngõ kia rồi hỏi là biết" - bà Miền tự hào kể.

Cụ Đa năm nay 91 tuổi. Cụ thường được mời đến các trường trong thành phố để kể chuyện lịch sử cho học sinh. Suốt cuộc đời quân ngũ, cụ đã tham gia nhiều trận đánh, nhưng khi nhớ lại những khoảnh khắc ác liệt trong 60 ngày đêm giam chân địch tại Hà Nội, người cựu chiến binh già vẫn lặng đi... Ông Nguyễn Cao Dũng, người trông coi Khu di tích Pháo đài Láng cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20 đoàn khách lớn từ mọi miền đất nước tới tham quan, chưa kể những đoàn học sinh của các trường trên địa bàn thành phố. Mỗi lần có đoàn khách lớn đến thăm, họ đều "nằng nặc" xin gặp cụ Đa để bày tỏ lòng biết ơn đến thế hệ đã không tiếc máu xương bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Với họ, cụ Đa là "tượng đài sống" bên Pháo đài Láng.

"Khoảng lặng" trước chợ Đồng Xuân

Giữa những ồn ào, náo nhiệt của chợ Đồng Xuân, ở phía tây bắc chợ, nơi đặt tấm bức phù điêu "Hà Nội mùa đông 1946", không gian tĩnh lặng so với xung quanh. Chiếc lư hương trước bức phù điêu lúc nào cũng có một nén hương vấn vương thả khói...

Sáng 14-2-1947, giặc Pháp mở đợt tấn công lớn vào tiểu khu Đồng Xuân thuộc Liên khu I. Trong trận chiến đấu anh dũng này, quân ta đã kiên cường bám trụ đến gần 1 giờ sáng hôm sau, 15 đồng chí đã hy sinh. Tấm đá gắn trên tường ngay phía trước chợ được ghi lại: “Ngày 14 tháng 2 năm 1947, các chiến sĩ Thủ đô đã anh dũng chiến đấu giáp lá cà tiêu diệt giặc Pháp trong cuộc tấn công của chúng vào chợ Đồng Xuân. 100 tên địch đã bị chết và bị thương, 4 xe tăng địch bị phá hủy”.

Bà Thanh (54 tuổi), bán hàng nước ở chợ gần 30 năm nay, nói: “Người mua kẻ bán nườm nượp xung quanh, nhưng ai cũng đi chậm lại, bước nhẹ, nói khẽ hơn khi đi qua. Thi thoảng có người xô đẩy, cãi vã, tôi bảo: "Nhìn xem đây là chỗ nào, ai muốn cãi vã thì đi chỗ khác. Hiệu nghiệm lắm, nhờ bức phù điêu mà góc chợ này văn hóa hẳn lên".

"Kể sử" trên đường phố

Chiều muộn, trước Tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" cạnh đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng, TP Hà Nội có ba em học sinh trường Nguyễn Siêu đang chờ bố mẹ tới đón, trong đó có hai chị em ruột: Đinh Bảo Trâm (lớp 6) và Đinh Bảo Trang (lớp 4). "Các em cháu biết kia là tượng gì không?". "Tượng đài Cảm tử ạ!"-ba bạn nhỏ đồng thanh. "Tượng này xây để kỷ niệm ngày gì?". "Ngày Toàn quốc kháng chiến ạ!"-Bảo Trâm nhanh nhảu đáp. Em vừa dứt lời thì bố mẹ cũng tới nơi để đón hai chị em.

Em Bảo Trâm và Bảo Trang (hàng đầu từ trái sang).

Góp vào câu chuyện của chúng tôi, anh Đinh Tuấn Long, bố của Bảo Trâm và Bảo Trang ôn tồn giải thích thêm: "Để ghi công và tưởng niệm các chiến sĩ và nhân dân Hà Nội đã chiến đấu, hy sinh trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô nên Nhà nước cho dựng tượng đài ở đây các con ạ!".

Anh Long rất kiên trì trong việc giáo dục lịch sử cho các con mình. Ngày nào đưa đón các con đi học, anh cũng tranh thủ giảng giải đôi điều về ý nghĩa các tượng đài, tên đường, tên phố. Anh nói: "Mỗi lần đưa con đi mua sách trên phố 19-12, tôi tranh thủ kể vài câu chuyện về Hà Nội mùa đông năm 1946, thế là các con nhớ rất rõ sự kiện 19-12-1946. Giáo dục lịch sử bằng mô hình trực quan bao giờ cũng dễ thấm với các cháu hơn".

Bài và ảnh: LIÊN VIỆT - HÀ MY