Bé chẳng thích vì mấy sách truyện kia bé đọc thuộc lòng từ lâu. Còn đồ chơi thì cũ rích. Thế là bé chạy ra ban công căn hộ chơi. Đó là một cái lồng sắt, kiểu “chuồng cọp” được hàn cẩn thận. Mặt sàn lồng sắt nhô ra ngoài được bố ghép ván và trải một chiếc chiếu nhỏ. Song Ngân rất thích ra đó nhìn ngắm xung quanh. Có hôm bé còn nhận ra cô bạn cùng lớp ở nhà tít phía bên kia. Ồ, có một Hà Nội của riêng bé nhìn từ khu tập thể này.
Sáng hôm ấy, khi ra ban công, bé thấy một bà cụ tóc bạc phơ, cũng ra ban công lồng sắt kề sát nhà bé. Bé đoán bà là mẹ cô Giang mới ở quê ra, vì bà có khuôn mặt giống cô lắm. Cô Giang làm cùng cơ quan mẹ của bé. Bà cụ ngồi ở đó lâu rồi. Bà có vẻ buồn bã. Thỉnh thoảng bà lại nhai trầu và thở dài thườn thượt. Tay bà cầm một cuốn sách đã cũ. Bé chưa thấy sách nào vàng ố, cũ nát như thế. Bà cụ chăm chú nhìn bé và nói với sang:
- Cháu con bố Tú, mẹ Lan đấy à? Mà cháu nhìn gì thế? Cuốn Truyện Kiều đó cháu ạ. Bà ngày xưa vẫn đọc đến nát cuốn này rồi. Nhưng bây giờ bà già, mắt kém, đọc không nổi. Bà chỉ mang ra ngắm rồi nhớ lại vài đoạn thôi...
Song Ngân nhìn bà hồi lâu, rồi bỗng reo lên:
- Bà ơi! Bà muốn nghe lại Truyện Kiều hả bà? Cháu có nghe bà ngoại cháu kể vài lần về cô Kiều ấy rồi. Bà ơi, bà đưa sách đây cháu đọc cho bà nghe nhé...
Mắt bà cụ sáng lên trong khoảnh khắc. Hẳn là bà đang rất ngạc nhiên trước sáng kiến của cô hàng xóm tí hon này. Bà gật đầu:
- Ôi hay quá! Cháu tốt quá! Cháu đọc cho bà nghe đi. Nào, để bà xem. Cháu đọc chỗ này. Có phải là có câu: “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân” không? Bà thích đoạn này lắm. Thương lắm, cảm động lắm...
Vậy là bé Song Ngân trở thành người “đọc truyện tâm giao” giúp bà lão mới quen. Lúc đầu còn hơi vấp (vì chữ in mờ quá). Nhưng dần quen, bé đọc nhanh và lưu loát hơn. Khi bé đọc tới câu “Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Biết đâu gốc tử đã vừa người ôm...” thì bà cụ bật khóc.
Bé sợ quá, hỏi:
- Bà sao thế ạ? Cháu có làm gì đâu mà bà khóc. Hay cháu thôi không đọc nữa nhé?
- Không, cháu cứ đọc đi. Nghe cháu đọc tới đây, bà nhớ lại bố của bà ngày xưa đó. Bố bà ngày trước cũng hay ra sân múa quyền cho ông bà xem, giống tình cảnh Lão Lai trong tích xưa đấy cháu ạ. Bà khóc không phải vì buồn mà vì cảm động khi nhớ lại thuở bé của bà... Cháu bé vậy mà đọc Kiều hay quá! Cháu ơi, lại đây bà mừng tuổi cho cháu mấy đồng nào.
Bé Song Ngân rụt tay lại và nói: “Cháu không lấy tiền của bà đâu. Bà già làm gì có tiền. Với lại, cô giáo cháu dặn là phải yêu thương, giúp đỡ người già. Bây giờ, bà đừng khóc nữa. Bà mỉm cười lên đi cho cháu khỏi lo!”.
- Ôi chao! Cái con bé này. Nói cứ như “bà cụ non” ấy. Ừ thì bà cười cho vui lòng cháu. Cháu tên gì nhỉ? Song Ngân à? Tên đẹp quá! Mà cháu ạ, cháu vui một thì bà vui mười. Bởi tự nhiên cháu đã đem đến cho bà món quà quý lắm đó.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH