“Nhân vật truyền cảm hứng”
Giành được huy chương vàng (HCV) với 98,13/100 điểm, Nguyễn Phương Thảo của đoàn Việt Nam đã được xếp ở vị trí cao nhất trong số 261 thí sinh đến từ 71 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với thành tích xuất sắc này, Phương Thảo đã phá vỡ kỷ lục trong hàng chục năm qua của học sinh Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Những ngày gần đây, cái tên nữ sinh Nguyễn Phương Thảo lại được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội bởi em là 1 trong 21 nhân vật được đề cử ở hạng mục “Nhân vật truyền cảm hứng” (WeChoice Awards) của năm 2018 do Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) và VTV24 tổ chức trên trang wechoice.vn. Hiện nay, Phương Thảo đang học lớp Cử nhân tài năng Sinh học, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên theo diện tuyển thẳng-một ngành học mà em coi như có duyên với mình.
Thảo sinh ra và lớn lên tại miền quê Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), bố Thảo làm nghề lái xe tự do, mẹ là y tá ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bố mẹ thường xuyên vắng nhà nên cũng rèn cho Thảo tính tự lập, tự giác học tập. Tuổi thơ của em êm đềm trôi qua như bao trẻ em khác với những ngày đuổi bắt chuồn chuồn, khám phá vườn cây ở nhà ông bà nội. Bà nội của Thảo là người rất yêu thực vật và có thể đọc được tên khoa học của rất nhiều loài cây cỏ quanh ta. Có lẽ khả năng đặc biệt ấy của bà đã nhen nhóm vào tâm hồn cô cháu gái Phương Thảo từ nhỏ. Em hay tò mò, thắc mắc với những câu hỏi “Vì sao lại thế?” khi nhìn vào các loài thực vật hay xem thế giới động vật trên truyền hình và dần dần đam mê khám phá thế giới thiên nhiên kỳ thú. Thảo rất thích xem các chương trình có liên quan đến thế giới động vật trên kênh Discovery. Bởi có những chương trình như là minh oan cho các loài thủy quái, cá mập hay cá ăn thịt người bởi sự suy nghĩ sai khác của con người. Vì sao gấu trúc lại kém thông minh, liệu cá vàng có phải chỉ nhớ được 5 giây hay không?... Càng tìm hiểu, khám phá, Thảo càng thấy lý thú và bổ ích khi giải đáp được không ít thắc mắc của mình, qua đó cũng góp phần thay đổi thế giới quan của em về thiên nhiên. Thế giới động vật trong con mắt và tâm hồn Nguyễn Phương Thảo luôn kỳ diệu và thân thương, cho dù là con vật bằng xương bằng thịt, trên tranh, ảnh hay sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Có một kỷ niệm mà đến nay Thảo vẫn cảm thấy lâng lâng xúc động, đó là lần sang Iran dự thi Olympic Sinh học, đoàn Việt Nam đã mang hơn 150 con chuồn chuồn tre rực rỡ sắc màu để tặng các bạn quốc tế. Và sản phẩm được làm từ bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội đã khiến cho bạn bè ở các nước đều thích thú. Họ vô cùng ngạc nhiên khi con chuồn chuồn tre bé nhỏ, xinh xắn như vậy lại có khả năng thăng bằng rất tốt khi được đặt trên ngón tay con người...
Không chỉ yêu động vật mà thế giới thực vật cũng mang lại cho em những cảm xúc đặc biệt. Không biết tự khi nào Thảo đã mê ủ giá, trồng cây quanh nhà như: Đậu, cà chua, hoa trạng nguyên... Vẫn là xuất phát bởi những thắc mắc tại sao các hạt khác nhau thì thời gian nảy mầm khác nhau và cho ra những kiểu cây khác nhau? “Theo dõi quá trình phát triển từ khi hạt nảy mầm, đến lúc phát triển thành cây, ra quả, chuyển giai đoạn từ quả xanh sang chín đỏ... cảm giác vui sướng như mình chiến thắng một điều gì đó”, Thảo nói.
Những năm học tiểu học và THCS, Phương Thảo luôn là học sinh giỏi đều các môn, đặc biệt là Toán. Em từng ước mơ trở thành học sinh chuyên Toán. Thế nhưng, kể từ khi thi đỗ vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, được học với các thầy, cô giáo luôn tận tụy, hết lòng vì học sinh trong môi trường giáo dục ấy, nhất là cô giáo bộ môn Sinh học Đỗ Thị Thanh Huyền thì dường như những sở thích hồi bé của em đã được vực dậy. Cô như là người tiếp thêm động lực giúp em xác định rõ ràng hơn mục tiêu theo đuổi đến cùng niềm đam mê Sinh học của mình. Theo em thì cô giáo Huyền không chỉ mang đến cho học sinh những bài học quý giá trên sách vở mà còn là tấm gương cho các em noi theo về cách đối nhân xử thế. Với học sinh, cô luôn đánh giá một cách nghiêm túc để các em phát huy mặt tốt nhưng cũng biết vị trí của mình đang ở đâu để cố gắng vươn lên. Cô thường dạy rằng: “Năng lực càng nhiều thì trách nhiệm càng lớn”. Và quả ngọt mà Thảo gặt hái trong hai năm liên tiếp 2017-2018 với môn Sinh học chính là nhờ công rèn giũa của các thầy, cô giáo, quá trình bồi dưỡng của các chuyên gia đầu ngành Sinh học Việt Nam cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm học trước đó của bản thân Phương Thảo.
“Bí mật” trong chiếc ba lô
Thực tế Sinh học không phải là môn dễ dàng với đại đa số học sinh phổ thông, bởi không chỉ lý thuyết chuyên sâu khó hiểu mà còn đòi hỏi kỹ năng thực hành tốt. Bí quyết để học tập và thi cử thành công của Phương Thảo đó là không nên để nước đến chân mới nhảy mà phải chuẩn bị thời gian đủ lâu, đủ tốt về kiến thức thì tâm lý sẽ vững vàng. Với môn học này, Thảo thường hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ và hình ảnh hơn là gặm nhấm những trang viết đặc con chữ bởi nó giúp em lưu giữ kiến thức lâu hơn và có thể liên kết được các phần với nhau. Đặc biệt, khi ra đấu trường Olympic quốc tế thì phần thi thực hành chiếm tới 50% tổng điểm, yêu cầu cũng nặng hơn lý thuyết rất nhiều. Các em phải thi tại 4 phòng yêu cầu chuyên môn, mỗi phòng 90 phút và phải thực hiện rất nhiều thí nghiệm khác nhau. Chính vì thế, việc mải mê thực hành, thí nghiệm xuyên trưa, quên cả giờ ăn là chuyện thường với Thảo cùng các bạn trong đội tuyển. “Việc học thực hành, thí nghiệm vất vả hơn học lý thuyết rất nhiều, nhưng em luôn cảm thấy hứng thú bởi mình được trực tiếp thử nghiệm những điều mình muốn khám phá và hồi hộp mong chờ kết quả. Khi đạt kết quả tốt thì thực sự như vỡ òa niềm vui, còn nếu thất bại em lại kiên trì làm lại đến khi thành công mới thôi”, Thảo bày tỏ. Có một giai thoại về cô gái sinh năm 2000 này, đó là chiếc ba lô tới trường của em luôn như một thư viện di động để em có thể học bất kỳ đâu và lúc nào cần thiết, trong đó có quyển Sinh học nặng hơn 3kg, dày 1.500 trang của nhà khoa học Mỹ Neil Allison Campbell. Tuy nhiên, trò chuyện với em, chúng tôi hiểu rằng, “cô gái vàng” sinh học cũng không phải là người chỉ biết vùi đầu vào sách vở và các phòng thí nghiệm mà em luôn có sự điều tiết thời gian hợp lý cho việc thư giãn, giải trí như chơi đàn guitar, ca hát, nghe nhạc Hàn Quốc... Em cũng hay tham gia nhóm tình nguyện viên cho giải Motainai Run của Báo Phụ nữ Việt Nam nhằm gây quỹ hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông...
    |
 |
Em Nguyễn Phương Thảo (thứ ba, từ trái sang) tham dự Olympic Sinh học quốc tế tại Iran. Ảnh: ĐĂNG LƯƠNG |
Nguyễn Phương Thảo cho rằng, Sinh học cơ bản là môn học gần gũi nhất với cuộc sống con người. Chính vì vậy, nếu các bạn có trí tò mò cộng với niềm đam mê và sự bền bỉ theo đuổi niềm đam mê đó thì sẽ chinh phục thành công lĩnh vực Sinh học. Em mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục được làm việc trong ngành mình yêu thích, có thể nghiên cứu sâu hơn về y sinh để tìm các giải pháp góp phần ngăn ngừa các bệnh di truyền và ung thư ở nước ta. Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi, chúng tôi cầu chúc cho “cô gái vàng” sinh học Việt Nam sẽ vượt qua những thử thách mới tiếp theo để những ước mơ, dự định của em sớm trở thành hiện thực.
Trong kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực về các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học năm 2018, học sinh Việt Nam đã đoạt 13 HCV; 14 huy chương bạc (HCB) và 11 huy chương đồng. Đây là thành tích xuất sắc nhất từ trước tới nay bởi tất cả các đoàn tham dự đều có thí sinh giành được HCV và 100% học sinh đi thi đều đoạt huy chương, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trên thế giới. Đặc biệt, tham dự Olympic Sinh học quốc tế năm nay, học sinh Việt Nam đã tự tin hoàn thành tốt cả về thi lý thuyết và thi thực hành, xếp thứ hạng cao trong cuộc thi, trong đó em Nguyễn Phương Thảo đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi. Ngoài ra, tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật Intel ISEF 2018 tại Hoa Kỳ, đoàn học sinh Việt Nam là 1 trong số 43 quốc gia có dự án đoạt giải của hội thi. Còn tại kỳ thi khoa học trẻ quốc tế (IJSO) cả 6/6 học sinh đều giành huy chương với 4 HCV, 2 HCB, đây là thành tích cao nhất sau 9 năm tham gia kỳ thi này của học sinh Việt Nam. |
HÀ THANH MINH