Dáng đứng Việt Nam

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác

trực thăng

Và anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy anh giặc hoảng hốt xin hàng

Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn

Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.

Anh tên gì hỡi anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ giải phóng quân.

Tên anh đã thành tên đất nước

Ơi anh giải phóng quân!

Từ dáng đứng của anh giữa đường băng

Tân Sơn Nhứt

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

LÊ ANH XUÂN


* LỜI BÌNH CỦA NGƯỜI YÊU THƠ:
Lê Anh Xuân là nhà thơ chiến sĩ, hy sinh ở chiến trường miền Nam ngày 24 tháng 5 năm 1968. Ông đã để lại cho nền văn học cách mạng nhiều tác phẩm có giá trị. Một trong những thi phẩm được nhiều bạn đọc yêu thích là bài: “Dáng đứng Việt Nam”. Bài thơ ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình, giành quyền độc lập tự do cho dân tộc của anh chiến sĩ giải phóng.

Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân

Phần đầu bài thơ tác giả miêu tả cuộc chiến đấu của người chiến sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhứt. Nhà thơ không miêu tả quá trình cuộc chiến đấu diễn ra như thế nào. Cũng như anh giải phóng đã “xuất quỷ, nhập thần” ra sao, mà ông chỉ nhằm vào một thời khắc tiêu biểu nhất để dựng nên một bức tượng đài về người chiến sĩ anh hùng. Đó là lúc anh “ngã xuống” mà vẫn “gượng đứng lên” lợi dụng xác trực thăng Mỹ làm bệ súng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sự việc trên không khoa trương, phóng đại mà chỉ dựa vào sự quan sát tinh tế để miêu tả cụ thể, chi tiết, chân thực hành động của nhân vật. Hình ảnh “… anh gượng đứng lên…” và “chết trong khi đang đứng bắn” làm ta liên tưởng đến ngọn đèn lóe lên trước khi vụt tắt. Về hình thức bên ngoài mang tính vật chất thì sự việc trên có nét giống ngọn đèn. Nhưng về mặt tinh thần thì lại hoàn toàn khác. Ngọn đèn vụt tắt chỉ để lại một màn đêm đen tối. Còn anh giải phóng “ngã xuống” thì ngàn vạn đồng chí, đồng đội của anh xông lên, tạo thành một cơn lốc có sức mạnh diệu kỳ, tiêu diệt kẻ thù chung, đem lại ánh sáng cuộc đời tự do, hạnh phúc cho toàn dân tộc. Tên tuổi họ được lưu danh sử sách ngàn đời. Hình ảnh “Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” rất mới, rất sáng tạo. Cùng thời chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng ca ngợi anh lính đội mũ tai bèo “Máu thấm cỏ lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc” (Nấm mộ và cây trầm). Rõ ràng hình ảnh “Máu anh phun…” đã vượt lên trên hình ảnh “Máu thấm cỏ…”. Câu thơ của Lê Anh Xuân gợi ra một chàng trai còn căng da, thơm thịt bị trúng đạn, thể xác “ngã xuống” nhưng tinh thần thì không bao giờ chịu khuất phục. Cách so sánh hình ảnh dòng “Máu…” với hình ảnh đường đi của “lửa đạn…” đạt hiệu quả cao, rất đa nghĩa.

Phần sau bài thơ, tác giả tiếp tục khai thác phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ. Đó là lối sống giản dị của anh Bộ đội Cụ Hồ. Những từ “không”, “chẳng” ở trong bài mang nghĩa phủ định-phủ định những gì thuộc về cá nhân. Từ đó tác giả đi tới khẳng định-khẳng định sự “bình dị, sáng trong”, sự hy sinh hết mình. Cụm từ “Anh tên gì”, một câu hỏi tu từ, tạo ra sự chú ý cho người thưởng thức. Đó là sự chú ý đến một con người: “… chẳng để lại gì cho riêng anh…/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Trong phần cuối bài, một lần nữa, Lê Anh Xuân lại rất thành công khi chọn nơi “dáng đứng của anh” chiến sĩ giải phóng “giữa đường băng Tân Sơn Nhứt” làm điểm xuất phát cho “Tổ quốc bay lên”. Hình ảnh trên có sức lay động mạnh mẽ, mở ra một mùa xuân tương lai, không giới hạn cho dân tộc.

LÊ LANH