Làm sao để các lớp học trực tuyến mang lại hiệu quả thật cho người học là điều khiến không ít nhà giáo băn khoăn, trăn trở. Chúng tôi đã ghi lại ý kiến của một số người trong cuộc về vấn đề này.
PGS, TS NGUYỄN XUÂN THÀNH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:
    |
 |
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành. |
Quan trọng nhất là khâu tổ chức lớp học
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy học qua internet và truyền hình đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì đại dịch Covid-19, đến nay, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố triển khai việc dạy cho học sinh qua internet. Còn các tỉnh khác đang chuẩn bị để phát sóng các bài học trên truyền hình địa phương.
Dạy học qua internet là giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của internet để dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Hiện có các hình thức, như: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS-Learning Management System); thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS-learning Content Management System); thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến (các phần mềm ứng dụng cho phép tổ chức và quản lý lớp học qua internet, giáo viên và học sinh có thể giao tiếp, tương tác trực tiếp với nhau, như: Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams; Google Classroom, Google Hangout, Skype...).
Để việc giáo dục trực tuyến đạt hiệu quả tốt, theo tôi, thứ nhất phải bảo đảm yêu cầu hạ tầng kỹ thuật tốt. Từ máy chủ, phần mềm, tích hợp công cụ biên soạn bài giảng, cho phép giáo viên khởi tạo kho học liệu, hướng dẫn theo dõi học sinh trong quá trình học tập, tổ chức các bài kiểm tra trực tuyến... Đây là vấn đề khiến giáo viên và phụ huynh học sinh lo lắng nhất khi tổ chức lớp học online trong thời gian qua. Sắp tới, với sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, những đơn vị cung cấp mạng sẽ hỗ trợ các nhà trường sử dụng internet trong việc tổ chức dạy học trực tuyến và khai thác cơ sở dữ liệu giáo dục trên mạng.
Thứ hai, các trường phải bảo đảm tốt về bài giảng, tài liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phù hợp với đối tượng học sinh. Và quan trọng hơn là phải tổ chức dạy học online như thế nào cho tốt. Trong đó, các trường cần phải xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến và phân công giáo viên xây dựng bài giảng, học liệu; tổ chức góp ý cho họ thông qua tổ chuyên môn. Giáo viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ tốt để chuẩn bị bài giảng, khi tổ chức học trực tuyến thì phải giao bài, kiểm soát được kết quả học tập của học sinh, hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ và tương tác tốt trong lớp học... Ngoài ra, cũng cần có sự đồng hành của phụ huynh với các con trong các buổi học online để học sinh được thực học với chất lượng tốt nhất.
ThS NGUYỄN THỊ THANH BÌNH, giảng viên tiếng Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội:
    |
 |
ThS Nguyễn Thị Thanh Bình. |
Cần sự tự giác cao của người học
Sau nhiều lần quyết định đi học rồi lại nghỉ do dịch bệnh Covid-19, Khoa Tiếng Anh B đã kiến nghị nhà trường dạy học theo hình thức online cho các học phần tiếng Anh mà khoa quản lý. Theo tôi, đây là quyết định đúng đắn để kết nối cô-trò, duy trì việc học của sinh viên và có thể hoàn thành khóa học theo đúng thời gian quy định.
Dạy học trực tuyến là phương pháp hiện đại, cần được xác định là một chiến lược giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0. Phương pháp này tạo ra môi trường rất tốt, đó là tương tác và cá nhân hóa người học. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, dạy và học trực tuyến là giải pháp tối ưu nhằm bảo đảm an toàn về sức khỏe cho cộng đồng, đồng thời vẫn cung cấp được kiến thức cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trước hết là việc quản lý sự tham gia học của sinh viên rất khó đối với hầu hết giáo viên. Bản thân đã từng dạy trực tuyến từ lâu, nhưng chỉ với lớp học một thầy, một trò thông qua các ứng dụng công nghệ như Skype, Zalo, Facetime… Lần này phải dạy học trực tuyến cho số lượng người học đông (trung bình một lớp có 26-30 người), thậm chí có lớp đông hơn nên việc dạy học vất vả hơn, để kiểm soát được 100% sinh viên tham gia học một cách nghiêm túc thực sự là khó. Hiện nay, một số phần mềm phổ biến cho
giảng dạy, như: Zoom Cloud Meeting, Google Classroom, Skype, Microsoft Teams… bên cạnh ưu điểm cũng có những nhược điểm nhất định. Cụ thể, chúng tôi đang sử dụng phần mềm Zoom Cloud Meeting miễn phí nên thời hạn sử dụng chỉ được 40 phút/lần. Muốn sử dụng lâu hơn thì phải mua các gói trả phí, nhưng muốn trả phí lại phải có thẻ visa và thanh toán khá phức tạp. Chất lượng đường truyền internet cũng là một trở ngại. Tín hiệu thường bị gián đoạn, hoặc không phải tất cả sinh viên đều có máy tính để khai thác hết các tính năng của việc học online. Rất nhiều sinh viên chỉ có thể sử dụng điện thoại thông minh, thậm chí một số sinh viên phải ra các cửa hàng internet mới có thể truy cập được vào bài học.
Để bảo đảm việc học online đạt hiệu quả tốt, điều quan trọng hơn cả là cần ý thức tự giác và quyết tâm cao của sinh viên. Bởi nhiều sinh viên vẫn coi đây là hình thức học tập đối phó trong lúc có dịch, chưa rèn được thói quen coi việc học online và tập trung ở trường là như nhau.
Bà ĐẶNG THỊ THÊM, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hòa Tiến (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng):
Nỗ lực đưa kiến thức tới học sinh
Việc tổ chức dạy học trực tuyến là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Hiện nay, Trường Tiểu học số 1 Hòa Tiến đang triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến cho các học sinh nhằm tránh tình trạng các em quên bài, quên kiến thức do nghỉ học kéo dài. Tuy nhiên, với đặc thù nằm trên địa bàn vùng nông thôn, giáp núi của huyện Hòa Vang, hầu hết học sinh của trường đều là con em gia đình nông dân, đời sống còn nhiều khó khăn. Đại đa số gia đình vẫn chưa có máy vi tính, laptop, thậm chí chưa có điện thoại thông minh. Do đó, học sinh không có phương tiện học và tương tác trực tiếp với giáo viên qua mạng. Điều này là một trở ngại rất lớn đối với nhà trường trong việc triển khai việc dạy học trực tuyến.
Trước thực trạng trên, nhà trường đã họp bàn và thống nhất phương án quay video bài giảng kiến thức mới và đăng tải lên trang web của trường để học sinh theo dõi, học tập. Với 5 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5, nhà trường phân chia thành 5 tổ chuyên môn để làm việc. Theo đó, các giáo viên trong tổ sẽ cùng nhau bàn bạc, thảo luận để phân công và hỗ trợ nhau trong việc soạn giáo án và quay video bài học mới sao cho hợp lý, hiệu quả.
Nhà trường sẽ cung cấp đường link video bài giảng của giáo viên trên trang web cho phụ huynh, học sinh theo dõi, học tập theo lịch cụ thể. Sau mỗi bài học, giáo viên yêu cầu học sinh làm bài tập củng cố kiến thức và nộp qua Zalo (nếu có) hoặc nộp trực tiếp tại trường (phân chia thời gian nộp theo khối lớp để hạn chế tập trung đông người). Qua đó, giáo viên nắm bắt tình hình học tập, mức độ tiếp thu, hiểu bài của học sinh để có những điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời. Đối với học sinh lớp 1, các em còn quá nhỏ để học trên video bài giảng, do đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm luôn giữ liên lạc với phụ huynh để hướng dẫn phụ huynh kèm con học theo kế hoạch chung của khối lớp. Với cách làm này, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh phải thực sự chủ động phối hợp, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn để giúp học sinh nắm được các kiến thức, bài học mới.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên toàn trường vẫn nỗ lực để truyền đạt những kiến thức mới cho học sinh, đồng thời linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh nhằm mang lại hiệu quả cao nhất có thể trong quá trình dạy và học.
THANH MINH - HOÀNG VIỆT - THANH THÚY (thực hiện)