|
|
Họa sĩ Trần Quý Thuận hoàn thành tác phẩm "Nơi miền biên giới". |
"Bàn tay em là cánh sen hồng" là tác phẩm đầu tiên trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư của họa sĩ Trần Quý Thuận. Bức tranh khổ 60x80cm, được vẽ trên vải bố bằng chất liệu sơn acrylic với bố cục tối giản trong màu sắc, phông nền, làm nổi bật hai bàn tay xòe ra nhăn dúm, một đoạn cánh tay còn mặc đồ bảo hộ. Anh Thuận chia sẻ: "Qua báo đài, tôi cảm nhận những vất vả, hy sinh của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ truy vết, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đặc biệt, khi xem bức ảnh về đôi tay biến dạng của một nhân viên y tế, tôi đã rất cảm động và cầm cọ vẽ bức tranh này. Tôi vẽ 3 ngày với mạch cảm xúc liên tục. Sau khi hoàn thành, tôi đăng lên mạng xã hội, được nhiều người đồng cảm. Điều đó làm tôi rất vui".
Từ niềm vui đó, anh bắt đầu đưa những câu chuyện đời thực vào tranh. Tác phẩm "Hy sinh mái tóc mượt mà vào tâm dịch" dựa theo câu chuyện 4 cô gái trẻ dũng cảm "xuống tóc", tình nguyện vào bệnh viện dã chiến chăm sóc F0 ở TP Hồ Chí Minh. "Thầy giáo và những chuyến xe cọc cạch" lấy cảm hứng từ một người thầy ở Đồng Nai hằng ngày vận động lương thực, thực phẩm để lên xe ba gác chuyển tặng người nghèo ở các khu lao động... "Mới đây, khi xem phim tài liệu "Ranh giới" phát trên VTV1, tôi đã bị ám ảnh về sự mong manh giữa sự sống và cái chết, cũng như xúc động về nỗ lực của đội ngũ y sĩ, bác sĩ quyết giành từng hơi thở cho bệnh nhân. Tôi vẽ bức tranh "Ráng hít thở chị ơi..." như một lời tri ân những "chiến sĩ áo trắng" trong cuộc chiến cam go, khốc liệt này", anh Thuận cho biết.
Từng là chiến sĩ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 330, Quân khu 9) và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia nên đề tài về lực lượng vũ trang cho anh cảm xúc mạnh nhất. Tác phẩm "Chú công an đỡ đẻ" là câu chuyện Trung úy Nguyễn Văn Tĩnh giúp một sản phụ "vượt cạn" ngay trên vỉa hè Quốc lộ 1 ở TP Hồ Chí Minh. "Má ơi đừng sợ" là câu chuyện của Thượng úy Nguyễn Thanh Bình (cán bộ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng) bế bà Phạm Thị Dư từ tầng 4 khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch lên xe cứu thương chở đến cơ sở y tế điều trị Covid-19. "Tình quân-dân" là hình ảnh chiến sĩ mang thực phẩm trao tặng người dân trong một hẻm nhỏ... Anh Thuận cho biết: "Mỗi câu chuyện đời thực đều khiến tôi xúc động, làm cảm hứng sáng tác dâng trào. Nhờ vậy, các bức tranh dẫu không quá cầu kỳ nhưng rất thật và sinh động".
Hơn hai tháng từ khi thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, họa sĩ Trần Quý Thuận đã dùng nét cọ truyền tải cảm xúc vào hơn 10 bức tranh mang đậm tình người. Với anh, đây là đề tài mới, dù vậy, những khốc liệt, những câu chuyện không ai ngờ tới luôn tươi đẹp và đậm tính nhân văn. Sự đồng cảm của anh qua từng bức tranh góp phần lan tỏa yêu thương trong đại dịch. "Hiện tôi đang phác thảo bức tranh "Người lính và xe thồ". Nếu trong chiến tranh, xe thồ vận chuyển lương thực, vũ khí cho các mặt trận thì nay, xe thồ được sử dụng khá hiệu quả để chuyên chở nông sản cho người dân trong các hẻm nhỏ. Đồng thời, tôi dự định vẽ khoảng 20 bức tranh và xin phép Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố mở triển lãm cá nhân chuyên đề phòng, chống dịch Covid-19, qua đó tri ân sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu và kêu gọi mọi người chung tay chống dịch Covid-19", anh Thuận nói.
|
|
Tác phẩm "Như bên mẹ hiền". |
|
|
Tác phẩm "Tình quân-dân". |
|
|
Tác phẩm "Bàn tay em là cánh sen hồng". |
|
|
Tác phẩm "Con đã sẵn sàng". |
|
|
Tác phẩm "Không sao đâu con". |
Họa sĩ Trần Quý Thuận kể: "Sáng 12-9, trong lúc đưa cháu bé 4 tháng tuổi đi cấp cứu bằng xe tải, do tình nguyện viên không thông thuộc địa bàn đã dừng xe ở cổng phụ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhưng cổng lại khóa nên xe không vào được bên trong. Giây phút cấp bách đó, Trung úy, bác sĩ Phạm Khánh Linh (Học viện Quân y) tức tốc ôm cháu bé chạy bộ hơn 300m qua cổng chính đến khu vực cấp cứu. Hình ảnh đó đã tạo cảm xúc cho tôi hoàn thiện bức tranh "Không sao đâu con". |
HỒ KIÊN GIANG