Hàng năm, vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo Vũ Thư, Thái Bình lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm ngày Thiền Sư Khổng Lộ (1016-1094) người sáng lập ngôi chùa, qua đời ngày 3 tháng 6 (Âm lịch).
Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Có thể nói, Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17 với nhiều kiệt tác đặc sắc.
Đặc biệt, trong chùa, gần gác chuông có một cái giếng được ghép lại bằng 36 chiếc cối đá thủng.
Dân gian vùng này kể lại rằng: Khi Thiền Sư Khổng Lộ xây dựng chùa, có tới 42 gánh thợ đông tới cả ngàn người làm cùng một lúc. Khu vực công trường không có nước sinh hoạt, một người thợ đã dùng mai đào một khoảng đất để xem bên dưới có nước không. Ông vừa phóng mấy thước mai thì đã thấy dòng nước trong vắt trào lên. Gánh thợ dùng nguồn nước này để nấu nước uống, thổi cơm…
Nhân dân trong vùng đã huy động đến công trường xây dựng chùa 36 cối đá để giã gạo nấu cơm cho gánh thợ. Khi ngôi chùa hoàn tất thì 36 cối đá đã bị thủng đáy. Các lỗ thủng có đường kính khá đều nhau. Những người thợ bèn lấy 36 cối đá thủng xếp vòng tròn 3 lớp đè lên nhau, lót giữa lớp cối đá là những viên gạch lát để tạo thành cái giếng độc nhất vô nhị.
Trong những ngày lễ, nhiều người dân làm nghề nuôi trồng thủy hải sản trong địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận đến chùa thắp hương cầu nguyện và múc lấy một ít nước với quan niệm “tích thủy đa phúc” về đổ vào hồ nuôi tôm cá của mình với mong muốn làm ăn phát đạt.
Bài và ảnh: VƯƠNG THY