Đường đời của mỗi người cán bộ chúng ta cũng tựa như mỗi lần xuất kích của người chiến sĩ không quân. Cuối cùng rồi ai cũng phải đến ngày “hạ cánh”. Hạ cánh an toàn là điều mong mỏi chính đáng, vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là danh dự của mỗi “phi hành gia”. Từ lúc chúng ta “cất cánh” cho tới giờ “hạ cánh” là một chuỗi thời gian liên tục không có ranh giới, tách bạch của từng khâu. Hạ cánh an toàn là kết quả cuối cùng của một chu kỳ trong suốt cuộc đời đấu tranh, lao động, dựng xây. Ý thức đúng với sự “hạ cánh” tất yếu ấy sẽ giúp con người trong thời gian “bay lượn” hành động có ích cho đời và cũng là có lợi cho mình. Bản chất con người được bộc lộ hoàn chỉnh khi ta kết thúc “chuyến bay” và “hạ cánh”. Đảng, nhân dân, mọi người xung quanh nhìn nhận, “cho điểm” ta trong cả quá trình, mà cái điểm của giờ “hạ cánh” sẽ được cộng vào hoặc trừ đi trong tổng số điểm của cả một “đời bay”. Tổng số ấy có thể là đáng kể nhưng cũng có thể sẽ là một số âm nếu điểm trừ đi của giờ “hạ cánh’’ là quá lớn! Xem ra thì hạ cánh an toàn quả là một vấn đề không đơn giản!

Tôi và V là hai người bạn đồng ngũ đã cùng sống chết với nhau trong một chiến hào, lại cùng được chuyển ngành ra công tác ở một thành phố, nên mặc dù V đã có một địa vị cao sang hơn tôi nhiều, hai chúng tôi vẫn rất gần gũi và thành thật với nhau. Một sớm chủ nhật nọ đến thăm V, tôi hỏi:

- Sau khi sáp nhập 3 cơ quan, cậu được chọn cử làm “sếp” hẳn công việc bận rộn lắm?

- Lúc đầu mình cũng nghĩ như cậu, suốt đêm ngày cứ bù đầu vào công việc. Nhưng ở cái tuổi ngót nghét 60 như bọn mình thì chịu sao nổi, nên phải có cách làm việc bạn ạ. Đúng là phải bắt đầu một “chặng bay” mới, nhưng cũng đã đến lúc phải chuẩn bị để cho mình hạ cánh an toàn là vừa.

Thế rồi V kể cho tôi nghe những phương án bay-hạ cánh an toàn của anh.

Theo V thì phương án thứ nhất là “cùng hạ cánh”. V giải thích rằng cùng hạ cánh là phương án tạo ra hệ số an toàn cao, làm tiền đề cho mình khi hạ cánh.

Trước, V là thủ trưởng của một trong 3 cơ quan. Nay hợp nhất lại, V được chọn làm “sếp” của cơ quan mới chỉ vì ưu thế là tuổi đời V “còn trẻ”, mới suýt soát 57, còn hai vị kia đã ngoại lục tuần. Đằng thằng ra thì hai vị đó được nghỉ hưu, nhưng theo V như vậy bất tiện nhiều bề. Một là, các anh ấy chưa muốn nghỉ, mỗi anh đều có những “thế lực” riêng rất mạnh. Hai là “ê kíp” cũ của các anh ấy đang còn nguyên vẹn. Khi sáp nhập cơ quan chắc gì họ đã ủng hộ mình, chi bằng “hòa cùng tướng” để “nắm lấy quân” là thượng sách. Ba là, các anh ấy cùng ở lại sẽ tạo ra cái thế “ổn định” để từ đó “dựa vào nhau” mà hạ cánh an toàn. Thế là hai vị kia đương nhiên trở thành “cố vấn cấp cao” của tân thủ trưởng.

Còn trên một chục cấp phó cũng giải quyết như vậy. Ngoài 60 tuổi thì nghỉ quản lý, lập thành tổ “chuyên viên cấp cao”, dưới 60 tuổi thì giữ nguyên chức vụ (cấp phó thì bao nhiêu mà chả được!). Tổ “chuyên viên cấp cao” thực sự là một đơn vị “lão tướng” gồm những “nhà chiến lược” có hạng!

Như vậy, V đã hoàn thành việc sắp xếp để mọi người trong cơ quan mới do anh đứng đầu đều chuẩn bị cho công việc cùng hạ cánh an toàn.

Phương án thứ hai là “những cái cũ nằm trong một cái mới”. Theo V thì đây là “phương án làm việc”. Nếu nhập vào, giải thể, cắt bớt đầu mối, giảm biên chế thì sẽ rối tinh lên, chi bằng cứ giữ nguyên tất cả. Các thủ phó mới vẫn trực tiếp phụ trách các nhóm đơn vị ở cơ quan cũ. Như vậy là sáp nhập mà vẫn “ổn định”, vẫn quen công việc, vẫn “nền nếp” như cũ. Và một kiểu tổ chức mới xuất hiện: Nhiều cơ quan trong một cơ quan, nhiều thủ trưởng trong một thủ trưởng. Thủ trưởng mới là tối cao (trên danh nghĩa) nhưng không vất vả, ít phải chịu trách nhiệm cá nhân. Chế độ một thủ trưởng trở thành một tập thể thủ trưởng vô hình, “cùng nhau chịu trách nhiệm”. Mỗi thủ phó có một “giang sơn” nho nhỏ trong cái cơ chế to phình ấy. Các vị trong tổ ‘’chuyên viên cấp cao” thì thật thanh thản, vừa được tiếng là “đổi mới”, “không tham quyền cố vị”, “ủng hộ lớp trẻ làm việc”, vừa chưa phải “đụng độ” với chính sách hưu trí, hoàn toàn có thêm thời gian để tìm cách chuẩn bị cho ngày hạ cánh an toàn!

Phương án thứ ba là “nắm lấy khâu quan trọng nhất để chuẩn bị hạ cánh”.

Sau khi đã “ổn định”, “êm ấm” rồi, V bèn nắm chắc lấy 3 khâu: Tổ chức cán bộ, văn phòng và kế toán trưởng. Tổ chức giúp V “bố trí cốt cán”, đưa dần những thân tín vào các vị trí “béo bở”. Những người được “tri ân” sẽ là những người biết “đền ơn đáp nghĩa” khi V đã “hạ cánh”. Văn phòng bảo đảm chuẩn bị hậu cần chu đáo trước giờ V “hạ cánh’’. Còn kế toán là nơi V tạo lập quỹ dự trữ, bảo hiểm cho V sau khi đã hạ cánh an toàn.

Ngồi nói chuyện với V suốt hai tiếng đồng hồ, nghe V kể say sưa mà tôi toát cả mồ hôi. Tôi bái phục anh bạn chiến hào của tôi năm xưa trong những suy nghĩ “mới mẻ” bây giờ. V quả là con người “cao kiến” đã vượt cao hơn cả “tri thiên mệnh”!

Sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế, đổi mới phương thức làm việc nhằm tạo ra một thiết chế mạnh, trong đó những con người được bố trí làm việc đúng với chức phận của mình. Người thủ trưởng cơ quan phải là người tổ chức, điều hành, người chỉ huy cao nhất của một cơ quan. Họ có vai trò quyết định sự thành công của quá trình đổi mới.

Là thủ trưởng của một cơ quan mới do nhiều cơ quan sáp nhập lại, lẽ ra V phải là người “đứng mũi chịu sào”, dám nhìn thẳng vào các vấn đề cần giải quyết, dám chịu trách nhiệm để cơ quan hoạt động có hiệu quả theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thì anh lại né tránh tất cả, không động chạm đến bất cứ ai, không vì việc mà quyết định tổ chức bộ máy nhân sự. Anh thúc thủ để tạo ra cái thế ổn định giả trong một cái bọc bùng nhùng bất ổn và trì trệ. Anh “không động đến ai” để “không ai động đến anh”, để anh ngồi “an toàn’’ trên cái ghế chức quyền mới, tranh thủ thời gian và điều kiện thực thi một chương trình cá nhân “hạ cánh” an toàn rất “bài bản” và tinh vi! Kỳ cục thay, khi nhân dân và đất nước cần anh, trao cho anh nhiệm vụ thì anh lại không “cất cánh”, không “bay lượn”, cũng chẳng hướng tới một mục tiêu nào ngoài mục tiêu “hạ cánh”.

PGS, TS TRẦN ĐÌNH HUỲNH