QĐND - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa tổ chức chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong đó, hoạt động trọng tâm là tổ chức triển lãm với chủ đề: “Điện Biên Phủ-Mốc vàng lịch sử” và nói chuyện, giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Bên cạnh hoạt động trưng bày, giao lưu, cũng có thể coi đó là cách giáo dục lịch sử hiệu quả.

 

Học lịch sử qua công nghệ 3D

 

Thực tế, học sinh, sinh viên đang ngại học sử. Một trong các nguyên nhân chính là cách dạy sử khô khan, chưa thu hút người học. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói: “Do phương pháp dạy và học lịch sử của ta còn cứng, nặng lý thuyết, thiếu thực tế chứng minh nên sự hấp dẫn trong môn lịch sử rất hạn chế”.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có lợi thế từ các hiện vật liên quan tới công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong triển lãm “Điện Biên Phủ-Mốc vàng lịch sử” do đơn vị phối hợp Bảo tàng Hậu cần, Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Vietsoftpro.Jsc tổ chức có nhiều điểm mới. Thứ nhất, ảnh 3D đem lại cảm giác mới, lạ thu hút khách tham quan. Thứ hai, người xem được tương tác với hiện vật để khai thác thông tin từ internet. Ví dụ, muốn tìm hiểu về đồi A1, người xem chỉ cần ấn thẳng vào bức ảnh 3D, lập tức các thông tin hỗ trợ sẽ được hiện ra màn hình. Điều đáng ghi nhận cán bộ bảo tàng đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn, là những thông tin quý báu về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Đức Mạnh

Với hệ thống cơ sở dữ liệu này, học sinh, sinh viên rất dễ tiếp cận với tất cả những thông tin liên quan đến bất kỳ một hiện vật nào. Đây là cách nghiên cứu hiện đại đã được áp dụng tại nhiều bảo tàng trên thế giới, như: Bảo tàng Tự nhiên Hoa Kỳ (National Geographic), Bảo tàng Louvre của Pháp, Bảo tàng Kinder của Anh... Tạo công cụ nghiên cứu tốt cho học sinh sinh viên chính là mục đích của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

 

Học lịch sử qua nhân chứng

 

Bên cạnh việc học tập qua hệ thống hiện vật 3D, học sinh, sinh viên còn thường xuyên được nói chuyện, giao lưu với nhân chứng lịch sử. Trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Anh hùng LLVT Phùng Văn Khầu, Anh hùng LLVT Đặng Đức Song. Học sinh, giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã rất háo hức tham dự các cuộc giao lưu như thế. May mắn cho tôi khi được tham dự buổi giao lưu giữa hai thế hệ này. Quả thực những câu chuyện lịch sử được diễn giải một cách giản dị, giàu hình ảnh, cảm xúc. Học sinh đã đặt nhiều câu hỏi hay xung quanh trận chiến đấu trên đồi E của Anh hùng Phùng Văn Khầu và được trả lời bằng những câu chuyện thật xúc động. Tôi thấy những ánh mắt tràn đầy ngưỡng mộ và khâm phục của những học sinh về tinh thần chiến đấu dũng cảm của Anh hùng Phùng Văn Khầu khi nghe kể: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả khẩu đội của đồng chí đều hy sinh, chỉ còn lại một mình Phùng Văn Khầu nhưng đồng chí vẫn sử dụng khẩu sơn pháo 75mm tiêu diệt pháo binh và lô cốt địch. Những chiến công đó đã trở thành huyền thoại…

 

Anh hùng LLVT Đặng Đức Song thì đưa các em học sinh về với câu chuyện ba lần cùng đồng đội đánh chiếm đồi C1, tiêu diệt địch trên cứ điểm, giữ vững được trận địa. Câu chuyện lịch sử được chính những nhân chứng lịch sử đó truyền đạt lại một cách hào hứng, say sưa đã tạo niềm hứng khởi cho người nghe bởi tính chân thực và sinh động của nó. Anh hùng Đặng Đức Song cũng là một người say mê với môn sử, ông có cách lý giải khá thú vị về hiện tượng học sinh chán môn sử: “Lịch sử cần phải có cái gốc chân thực. Dù sự kiện đó có đau thương, khốc liệt đến đâu thì ta cũng nên bám sát sự thật lịch sử. Có lẽ các bạn trẻ của chúng ta đang cần thứ đó”. Ông cũng cho rằng sử là môn học cần nhiều thời gian để ngấm. Những lý giải của anh hùng LLVT về môn sử khiến cho nhiều người phải suy ngẫm. Song, có một điều chắc chắn là ông đã được các bạn học sinh, sinh viên rất đồng tình ủng hộ. Tin rằng qua cách học sử như vậy, học sinh sẽ có những suy nghĩ khác với môn sử.

 

Trưng bày hiện vật và nói chuyện với nhân chứng lịch sử là hai phương pháp giáo dục hay, sinh động, giúp cho người học thêm kiến thức, thêm say mê. Đó là cách làm cần được nhân rộng trong hệ thống bảo tàng.

VĂN TUẤN