“Chú sợ chị hát bài này như Tây hát chèo”
Do Thái Bảo thể hiện “Thăm Bến Nhà Rồng” quá thành công, giống như ca khúc sinh ra cho riêng chị nên nhiều khán giả vẫn tưởng nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn đã sáng tác bài hát này cho Thái Bảo. Nhưng thực ra, chuyện Thái Bảo hát “Thăm Bến Nhà Rồng” như là duyên, cũng có thể nói đó là kết quả phấn đấu, nỗ lực và nhờ sự thông minh của nữ ca sĩ. Chuyện là khi Thái Bảo đang công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thì có cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Chị quyết định tham gia và sẽ hát một bài về Bác Hồ. Chị kể, lúc ấy chị nghĩ đến hai nhạc sĩ và hai ca sĩ mà mình thần tượng, đó là nhạc sĩ Trần Hoàn với bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm” do nghệ sĩ Thu Hiền hát và nhạc sĩ Thuận Yến với “Bác Hồ, một tình yêu bao la” do nghệ sĩ Thanh Hoa thể hiện.
Hát lại ca khúc nổi tiếng đã được các ca sĩ tên tuổi thể hiện thành công không phải là lựa chọn hay, Thái Bảo nghĩ vậy và chị mạo muội tìm đến nhạc sĩ Trần Hoàn xin bài hát mới. Sau khi trình bày nguyện vọng, nhạc sĩ Trần Hoàn nói có “Thăm Bến Nhà Rồng” mới sáng tác rất hay, là ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Nhạc sĩ ngồi nghĩ ngợi rồi nói: “Chú sợ chị hát bài này như Tây hát chèo”. Nhạc sĩ Trần Hoàn vốn kiệm lời và thẳng tính như vậy. Thế nhưng kể cả không nhận được sự tin tưởng của nhạc sĩ, cô ca sĩ trẻ cũng không tự ái, mà cố thuyết phục để được hát thử. Và cuối cùng, trước sự “dai như đỉa” của Thái Bảo, nhạc sĩ Trần Hoàn cũng đưa bài hát với thái độ... miễn cưỡng. Cầm được bản nhạc trong tay, Thái Bảo mừng quá liền chào về luôn vì sợ nhạc sĩ... đổi ý và hứa một tuần sau quay lại hát thử để nhạc sĩ kiểm tra.
Đúng hẹn, một tuần sau Thái Bảo quay lại hát cho nhạc sĩ Trần Hoàn nghe và được chỉnh sửa một số từ. Thái Bảo cũng mạnh dạn xin được xử lý lại một số chỗ để tạo điểm nhấn, chẳng hạn như rall (chậm dần lại) đoạn “Lúc cập thuyền ai đã tiễn Người đi..., hay chỉ một mình Bác... khăn gói biệt ly...” như một lời tự sự, như câu hỏi, cũng lại như câu trả lời. Quả thực sau này, rất nhiều khán giả đã nhận xét rằng, mỗi khi nghe đến đoạn này đều lặng người nghĩ đến cảnh Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước mà thấy nhói buốt trong tim... Lần đầu làm việc với nhạc sĩ Trần Hoàn, Thái Bảo vẫn nhớ như in những lời dặn dò quý giá: “Bài hát này là ca khúc mới mang âm hưởng dân ca, vì thế khi hát phải biết dung hòa, tìm được hơi thở chung để ai nghe cũng hiểu và thích. Cuối cùng chú chỉ nói: Được rồi, mang đi thi đi”.
Với ý tưởng biểu diễn vừa hát vừa đánh đàn bầu, Thái Bảo đã được NSND Chu Thúy Quỳnh-khi đó là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam-ủng hộ và hỗ trợ tốp nữ đánh đàn thập lục đệm cùng. “Thăm Bến Nhà Rồng” sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Chín phối khí hòa âm theo ý tưởng đó. Ngày thi, nhạc sĩ Trần Hoàn lại là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, bất ngờ khi thấy Thái Bảo ra sân khấu ngồi đánh đàn bầu cùng dàn tốp nữ... rồi tiếng "Hò... ơ..." vang lên khiến cả hội trường lặng đi. Chị kể: “Kết thúc phần thi, tôi vội chạy tìm chú Trần Hoàn. Chú cũng đi từ dưới lên. Chú cháu gặp nhau ở cánh gà. Tôi vừa hồi hộp vừa vội vàng hỏi: "Chú ơi, chú thấy cháu hát thế nào ạ?". Khi nghe chú nói: “Được rồi, cảm ơn chị!” tôi mới thở phào và biết rằng mình đã thành công”.
    |
 |
Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo |
Luôn hát bằng cảm xúc từ trái tim
“Thăm Bến Nhà Rồng” đã ghi dấu vào sự nghiệp âm nhạc của NSND Thái Bảo như vậy. Đến nay, những ai từng nghe chị hát hầu hết đều công nhận Thái Bảo là người thể hiện ca khúc này xuất sắc nhất. Hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên ấy, khán giả vẫn cảm nhận được chị hát về Bác bằng cả trái tim mình, để chạm đến trái tim của người nghe. Quả thực như NSND Thái Bảo chia sẻ, thể hiện ca khúc, nhất là ca khúc về Bác, để chạm được vào trái tim khán giả, nhất là với giới trẻ hiện nay không phải việc dễ dàng, đòi hỏi ngoài kỹ thuật, kỹ năng còn phải bằng chính cảm xúc thật của ca sĩ. Thái Bảo thừa nhận sở dĩ chị có được những cảm xúc chân thật mỗi khi hát về Bác-không chỉ “Thăm Bến Nhà Rồng”-là bởi chị có may mắn mà không phải ai cũng có được.
Thái Bảo sinh ra ở Vinh, từ nhỏ đã về sống với ba-là Giám đốc Khu di tích Kim Liên. Hằng ngày, chị được nghe ba kể chuyện về Bác Hồ, được ở trong không gian làng quê của Bác, quen thân với những hiện vật, kỷ vật trong ngôi nhà của Bác, từng hồn nhiên ngồi lên chiếc võng của Bác, trèo cây hái ổi trong vườn Bác ăn ngon lành... Một ngày, khi thấy ba về nhà với đôi mắt đỏ hoe, cổ áo cài mảnh vải đen hình chữ nhật, Thái Bảo hỏi: "Ba ơi, sao ba lại khóc?". Ba xúc động cho biết: "Bác Hồ kính yêu của chúng ta mất rồi con ạ!"... Dẫu còn quá nhỏ để hiểu về Bác Hồ nhưng khung cảnh ngôi nhà, làng quê, những câu chuyện về Bác mà cô bé Thái Bảo vẫn được nghe từ người dân làng Kim Liên cứ thấm dần, trở nên gần gũi, thân thuộc trong ký ức. Sau này, khi 11 tuổi, rời quê ra Hà Nội học tập, những kỷ niệm, ký ức ấy trở thành hành trang của chị. Một lần được đi thăm Lăng Bác, cô học sinh quàng khăn đỏ đứng xếp hàng cùng các bạn bên rặng tre ngà. Tiếng bài hát “Viếng Lăng Bác” vang lên: “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác...”. Giữa không gian trang nghiêm và hình ảnh Bác Hồ hiện ra bằng xương bằng thịt khiến cô bé xứ Nghệ (lâu nay vẫn nghĩ mình là người miền Nam) nước mắt giàn giụa xúc động, nhớ quê và nhớ Bác...
Gặp NSND Thái Bảo vào những ngày tháng Năm, chúng tôi được nghe chị kể về kỷ niệm thời thơ ấu ở quê Bác, chuyện hát về Bác với giọng đầy tự hào, nhiều lúc nghẹn ngào, rưng rưng: “Càng lớn, càng tìm hiểu về Bác Hồ, tôi càng thấy yêu thương và kính trọng Người. Có lẽ hiểu theo cách nào đó thì vì tuổi thơ của tôi gắn bó với những kỷ vật, những câu chuyện về Bác, rất gần gũi và chân thực nên mỗi lần hát về Bác, cảm xúc trong tôi đến rất tự nhiên, chưa bao giờ vơi cạn, như đi ra từ chính trái tim mình và sẽ tiếp tục hát như vậy”. Bài hát về Bác có bao giờ là cũ, nhưng NSND Thái Bảo vẫn luôn tìm tòi, sáng tạo những bản phối mới các ca khúc về Bác Hồ phù hợp với khán giả trẻ. Chị nói, chị sẽ vẫn hát về Bác, bằng cả trái tim, để dặn lòng nhớ về Người, để tiếp tục bồi đắp tình yêu, niềm tự hào của thế hệ trẻ với Bác Hồ, với dân tộc.
DƯƠNG THU