Một lần, được ghé thăm phòng trưng bày tranh, tượng của một gia đình làm nghệ thuật nổi tiếng tại Hà Nội, đó là gia đình họa sĩ Phạm Văn Đôn và điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim, tôi thật sự ngỡ ngàng bởi có rất nhiều tác phẩm quý, được sáng tác từ những thập niên 1940, 1950. Đặc biệt, bức tượng “Chân dung Hồ Chủ tịch”, một phiên bản bằng đồng được tác giả đặt trang trọng chính giữa căn phòng. Mỗi lần ngắm nhìn chân dung của Người, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim cảm thấy dường như Bác vẫn đang miệt mài trên bàn làm việc, kỷ niệm năm xưa chợt ùa về…

leftcenterrightdel
“Bức tranh Bác Hồ” của họa sĩ Trần Từ Thành mang thông điệp về niềm khát khao hòa bình được treo trang trọng trên phố Đinh Tiên Hoàng, TP Hà Nội.

Vào một buổi sáng tháng Năm rực rỡ nắng vàng và hoa phượng đỏ của mùa hè năm 1946, Hội Văn hóa cứu quốc đã cử một nhóm họa sĩ gồm: Họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nữ họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Thị Kim vào Bắc Bộ Phủ để vẽ và nặn tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Niềm vinh dự quá lớn và bất ngờ ấy làm nữ nghệ sĩ lặng người vì vui sướng xen lẫn hồi hộp. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ về tâm lý nhưng ai cũng thấp thỏm mong chờ phút giây được gặp Bác Hồ.

Khi gặp Bác, mọi người ùa đến bên Người. Bác ân cần hỏi thăm, động viên các họa sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác hỏi: “Các cô, các chú làm việc mất bao nhiêu ngày?”. Ông Tô Ngọc Vân, người lớn tuổi nhất, đại diện trong nhóm, thưa: “Thưa Cụ, độ mươi, mười lăm ngày ạ!”.

Bác nói: “Cô và các chú gọi tôi bằng Bác thôi nhé, gọi bằng Cụ làm tôi thêm già đấy”. Mọi người cùng đồng thanh: “Vâng ạ”.

Hôm sau, cả nhóm bắt tay vào công việc ngay. Thời gian Bác dành cho đoàn khoảng hai tiếng (từ 6 giờ đến 8 giờ sáng) mỗi ngày. Vẫn chiếc bàn làm việc quen thuộc, Người ung dung ngồi đọc báo, trong tay là cây chì đỏ để đánh dấu những sự kiện thời sự diễn ra trong ngày. Ông Vân và ông Cung chạy xung quanh Bác để đặt giá vẽ, riêng bà Kim làm điêu khắc nên được đứng cạnh bàn làm việc của Bác cho dễ quan sát. Mỗi lần nặn tượng, bà chỉ dám đứng ngắm Bác thật kỹ để khắc họa được thần thái của Bác. Thấy vậy, Bác ôn tồn bảo: “Cô cần làm gì cứ làm, đừng ngại”. Chỉ chờ có thế, bà Kim mạnh dạn tiến gần hơn, dù đã được Bác cho phép nhưng sao đôi bàn tay bà cứ run run.

Có hôm trời nóng nực, Bác nói vui: “Cho phép mẫu cởi bớt chiếc khuy cổ”. Ông Vân và ông Cung cùng thưa: “Thưa Bác, Bác cứ tự nhiên ạ”. Một bận khác, anh em họa sĩ say sưa vẽ nên không để ý thời gian, sau một lúc Bác mới lên tiếng: “Hôm nay mẫu ngồi chậm giờ rồi nhé”. Lúc đó mọi người chợt ồ lên, cả mấy Bác cháu cùng cười vui vẻ. Những ngày này, Bác chuẩn bị đi dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp nên rất bận, vậy mà, cứ sau mỗi buổi làm việc, Bác Hồ đến xem tác phẩm của từng người, rồi chỉ ra những đặc điểm riêng của Bác để họa sĩ nắm bắt và thể hiện tốt hơn.

Trong suốt chiều dài lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, có rất nhiều họa sĩ, những cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam đã khắc họa thành công hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với nhiều chất liệu khác nhau, đó là những họa sĩ tên tuổi như: Văn Giáo, Trịnh Phòng, Phan Kế An, Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Nguyễn Đỗ Cung, Lê Thị Kim Bạch… Ngoài giá trị nghệ thuật, những tác phẩm ấy được vẽ lên bằng trái tim và tấm lòng đặc biệt của người nghệ sĩ dành cho Bác.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, có một tác phẩm hội họa rất quý, đó là bức tranh “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc” được vẽ bằng máu. Tác phẩm này của họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu thực hiện nhân dịp chào mừng Lễ Độc lập-Quốc khánh năm 1947. Sau khi được nghe lại bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Bác, trong tâm hồn người nghệ sĩ trẻ trào dâng cảm xúc mãnh liệt, họa sĩ chích máu từ chính cánh tay mình để vẽ hình ảnh Bác Hồ cùng ba em nhỏ đại diện ba miền Bắc-Trung-Nam trên một tấm lụa, thể hiện sự đoàn kết và khát vọng hòa bình. Tác phẩm đó không chỉ thể hiện tình cảm của cá nhân họa sĩ mà còn là minh chứng cho tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác, cũng như niềm tin son sắt vào chiến thắng và ngày thống nhất non sông của nhân dân ta.

Với họa sĩ Phan Kế An, người có vinh dự được gặp và vẽ Bác Hồ nhiều lần, ông luôn tự hào và cảm thấy cái duyên được gặp Bác như một định mệnh gắn liền với sự nghiệp sáng tác của mình. Lần đầu tiên nhìn thấy Bác trên quảng trường, dáng Bác cao gầy, vận bộ đồ ka ki cỏ úa, họa sĩ đứng từ xa và ước ao một lần được gần bên Người. Rồi niềm ao ước ấy thành sự thật, khi Bác đến thăm triển lãm mỹ thuật nhân dịp “Tuần lễ văn hóa mừng đất nước độc lập”. Bác xem tranh, động viên họa sĩ nên thâm nhập thực tế, lấy tư liệu và chất liệu sáng tác, đồng thời vẽ tranh cổ động tuyên truyền tinh thần hăng say lao động, sản xuất của nhân dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sau này, khi được ở bên Bác nhiều hơn, họa sĩ Phan Kế An đã tranh thủ ký họa Người trong mọi lúc, mọi nơi. Thương họa sĩ làm việc vất vả, thỉnh thoảng Bác lại gần mời một điếu thuốc, họa sĩ xin được tiếp tục làm việc và cất điếu thuốc ấy vào túi ngực để dành về cơ quan, chia sẻ niềm vui cùng anh em đồng nghiệp. Gần Bác, được sự ân cần chỉ bảo của Người, đó là niềm vinh hạnh đặc biệt đối với họa sĩ trẻ Phan Kế An, để rồi sau này trong mỗi bức ký họa về Bác, dù ở góc độ nào cũng toát lên vẻ thanh tao và bình dị của Người. 

Ước mơ được một lần gặp Bác, nhưng không phải ai cũng có may mắn đó. Họa sĩ quân đội Lê Duy Ứng bị thương trong cuộc chiến đấu khốc liệt trước cửa ngõ Sài Gòn. Chàng họa sĩ bị trúng đạn, bị thương ở đầu, ngực và nặng nhất là hai mắt. Trong lúc đau đớn, bỗng hình ảnh Bác ùa về. Bằng sự kính trọng và tình cảm thiêng liêng dành cho vị Cha già dân tộc, họa sĩ dùng chút sinh lực cuối cùng là các ngón tay thấm dòng máu nóng đang chảy tràn từ hai khóe mắt để phác họa thật nhanh bức chân dung Bác. Vài phút sau, bức chân dung hoàn thành kèm dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin, con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”. Máu tuôn chảy nhiều, họa sĩ lịm dần nhưng vẫn kịp cất bức vẽ vào trong ngực áo. Khi đồng đội phát hiện ra cũng là lúc tìm thấy bức chân dung bằng máu. Bức họa ấy đã trở thành biểu tượng tuổi trẻ với sức mạnh niềm tin chiến thắng của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bức tranh “Bác Hồ về nước” của họa sĩ Trịnh Phòng.

Nhà giáo, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam về thể loại tranh chân dung. Cả cuộc đời gắn bó với tình yêu nghệ thuật, nhưng nữ họa sĩ ấy vẫn chưa có vinh dự được gặp Bác Hồ lần nào. Trong sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ, bà luôn ấp ủ những sáng tác về Bác. Ít người biết rằng, ở tuổi gần 80, nữ nghệ sĩ đã vào tận Thanh Hóa, chọn từng mẫu đá có màu sắc ưng ý đem về thành phố, thuê thợ xẻ ra và tự tay ghép bức chân dung Bác Hồ kính yêu bằng chất liệu đá quý. Hỏi động lực nào mà bà có sức khỏe dẻo dai đến vậy? Thay vì trả lời, bà nhẹ nhàng bộc bạch: “Với lòng yêu quý Bác, tôi muốn có một tác phẩm bằng chất liệu bền vững để thể hiện hình ảnh của Người”.

Ngay từ khi còn trẻ, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch đã âm thầm sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác để làm tài liệu cho những phác thảo đầu tiên ấy. Rồi nữ họa sĩ tìm gặp những thế hệ đi trước để lắng nghe họ kể chuyện, trao đổi và chia sẻ cảm xúc khi được gặp Bác. Bằng sự sáng tạo của một nghệ sĩ tạo hình, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch đã thành công với nhiều tác phẩm vẽ về Bác, hay nói chính xác là tác giả đã dành trọn tình cảm và sự kính trọng dâng lên Người, dâng cho đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chứa chan nghĩa tình sâu nặng.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta mãi là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho giới văn nghệ sĩ. Tháng Năm về, hoa phượng rực thắm trên nền trời xanh như màu cờ Tổ quốc tung bay trong nắng mới càng làm mỗi chúng ta thêm nhớ Bác, vị Cha già dân tộc rất đỗi giản dị và gần gũi, thân thương!

PHÙNG MINH