QĐND - Tôi tìm đến căn phòng nhỏ ở khu chung cư Quang Trung (phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) để gặp nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao. Có một điều rất đặc biệt, có người nói đó là một hiện tượng, PGS Ninh Viết Giao, một người dành cả cuộc đời của mình để nghiên cứu về văn hóa dân gian xứ Nghệ lại là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh.

PGS Ninh Viết Giao lý giải với tôi: Tôi “say” dân ca xứ Nghệ (hò, ví, dặm), bởi nó là một di sản tinh thần vô giá, kết tinh trí tuệ, tình yêu và tài hoa của bao thế hệ cộng đồng dân cư, của các dân tộc anh em trên quê hương Nghệ An -Hà Tĩnh. Có thể xem đó là một thứ rượu đặc biệt, được chưng cất từ nụ cười và những giọt nước mắt, từ những say đắm mãnh liệt cũng như nỗi buồn đau khắc khoải, từ mồ hôi, nước mắt và máu của nhân dân, là tấm gương phản chiếu một cách trung thực nhất, sâu sắc nhất đời sống vật chất và tinh thần, những nét riêng trong truyền thống, bản sắc, cuộc sống và con người xứ Nghệ.

Một tiết mục trong liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ của Nghệ An tổ chức năm 2012. Ảnh: Chu Anh

 

Những câu dân ca, ví, dặm đã gắn bó thân thiết với mỗi người dân xứ Nghệ. Ngay từ khi còn thơ ấu, các em nhỏ đã được nghe câu dân ca ru hời của bà, của mẹ, rồi trước mảnh sân nhà, các em truyền cho nhau những trò chơi dân gian qua các bài đồng dao, bài vè quen thuộc. Thời niên thiếu qua đi, những bài đồng dao trả lại cho đàn em, các anh chị đã đến tuổi trưởng thành, họ lại hát những bài ví, bài dặm để đối đáp, bày tỏ tình cảm với người mình yêu.

Theo PGS Ninh Viết Giao, nếu phân theo loại hình lao động thì xứ Nghệ có đến hơn 20 loại hát ví, nhưng nếu chia làn điệu theo tình cảm, hát ví cũng tương đối đa dạng như: Ví thương, ví giận, ví ai oán, ví tình cảm... tức là con người có bao nhiêu cung bậc tình cảm thì có bấy nhiêu loại hát ví. Trong các cuộc hát ví thường hình thành hai nhóm nam và nữ, mỗi nhóm có thể là một nam, một nữ nhưng cũng có thể nhiều hơn. Có đến hàng trăm câu ví lần lượt được đưa ra để thi thố, đối đáp và rồi những câu hát ấy được thế hệ sau ghi nhớ bởi lời thơ bình dị, dễ thuộc, nhưng cũng rất đỗi tài hoa.
Về lời ca, hát ví lấy thể thơ lục bát làm gốc, về sau do nhu cầu tình cảm của nội dung mà hình thức dần dần được biến hóa, tiết tấu phát triển, người ta hát ví trên thể thơ song thất lục bát. Câu ví truyền thống được xây dựng trên hệ thống điệu thức năm âm, giai điệu được hình thành trên một câu thơ lục bát hoàn chỉnh mà những âm chính của điệu thức được vận động biến hóa ở âm thứ sáu của cả hai vế trong câu thơ. Vậy là vần của thơ đã gắn liền với điệu của nhạc, nhịp điệu của câu hát được gắn liền với tiết tấu câu thơ.
Trong hát ví, thanh niên nam nữ đã vượt ra khỏi tầm tư tưởng phong kiến, họ từ làng này sang làng khác, từ vùng nọ qua vùng kia để tìm kiếm bạn hiền, chọn vợ, chọn chồng bằng quyền tự do của chính mình. Rõ ràng, họ đã lấy hát ví làm ngọn giáo để chống lại tư tưởng kìm kẹp, o ép của chế độ phong kiến bấy giờ.

Khi câu hát cất lên ta nghe vừa dí dỏm lại vừa buồn man mác, hát cho người khác thì ít mà hát cho chính mình thì nhiều. Người nghệ sĩ nông dân đã gửi gắm vào trong những lời ca, câu hát biết bao tâm tư, tình cảm ấp ủ bấy lâu. Ta có thể coi hát ví là những bản tình ca của người lao động, nó gắn bó máu thịt và trở nên quá đỗi thân quen trong sinh hoạt thường ngày của người dân Nghệ -Tĩnh.

Hát ví thường có những từ đệm như: ơi, ơ, chứ, thì, rằng, mà... xen kẽ giữa các nhịp, các tiết của lời thơ, lúc mở rộng kéo dài, lúc ngân nga lơ lửng. Cách vận dụng những tiếng đệm này vào trong cơ cấu giai điệu còn được gọi là bắt giọng, giữ giọng, lấy hơi, giữ hơi... Đó là yếu tố xây dựng cao độ, trường độ, cường độ, là những nhân tố tạo màu sắc không thể thiếu trong cơ cấu giai điệu của hát ví. Vào cuộc hát bao giờ bên nam hỏi, bên nữ đáp "thưa chi" thì bên nam mới tiếp tục hát. Hay ngược lại, bên nữ hỏi nếu được bên nam đáp lại thì mới hát tiếp. Họ vừa làm vừa hát để tăng thêm sự lạc quan yêu đời, yêu lao động. Và đặc biệt trong câu hát ví, những nghệ sĩ nông dân hai sương một nắng trên đồng ruộng vụt trở thành những tiểu thư khuê các, những trang công tử hào kiệt, hát để bày tỏ tấm lòng của mình. Điều này đã làm cho hát ví trở nên tế nhị hơn, độc đáo hơn.

Hát ví xứ Nghệ đa dạng về thể loại, mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc lao động đều được ghép tên theo hát ví và những người lao động chính là những người sáng tạo ra hát ví. Nhưng dựa theo tính chất kết cấu trong âm nhạc cũng như cách gọi tên các lối ví trong nhân dân, ta có thể chia hát ví thành hai hình thức: Ví phường vải (hay còn gọi là giọng phường vải) và ví đò đưa (hay còn gọi là giọng đò đưa). Ví phường vải thuộc dạng 5 âm trong hệ thống điệu thức nam xuân, vừa tình tứ lại lửng lơ, bay bổng, không nghiêng về màu sắc của điệu trưởng (Bắc) mà cũng không nghiêng về điệu thứ (Nam). Ví đò đưa thuộc dạng 5 âm trong hệ thống điệu thức Nam ai, tạo được tính chất nhẹ nhàng, bâng khuâng, lại thêm chút vương buồn sâu lắng, có thế ổn định, nghiêng về màu sắc của điệu thứ (Nam). Trong hát ví thì ví phường vải có phần phong phú và thông dụng hơn cả. Hát phường vải thường diễn ra vào ban đêm, sau thời gian lao động nơi sông nước, ruộng đồng. Hễ nơi nào có quay sa, kéo sợi thì nơi ấy có hát phường vải. Họ hát vào lúc tuổi trưởng thành, trai thanh, gái lịch. Nhiều đôi trai gái bắt đầu từ hát ví phường vải mà nên vợ nên chồng, bằng không thì cũng là sự giao lưu, trao đổi tình cảm, thi thố tài năng, tô thêm nét đẹp cho cuộc đời. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh, mang đầy tính nhân văn trong đời sống nông nghiệp ở nông thôn nước ta, góp phần không nhỏ tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Vũ Hạnh