Nửa thế kỷ trước, hoa ban đã xuất hiện ở Hà Nội. Đó là khoảng đầu thập niên 1960, hưởng ứng phong trào Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà quy hoạch đô thị đã cho trồng thử hoa ban trên một số tuyến đường và công viên. Kết quả, cây phát triển tốt và ra hoa đẹp nên đã được chọn trồng thành hai hàng ở đường Bắc Sơn, trước Lăng Bác. Khi ấy và cả mãi sau này, hoa ban vẫn chưa “nổi tiếng” lắm vì chưa được trồng phổ biến.

leftcenterrightdel
 Tháng 3 hoa ban bừng nở.

Dăm năm nay, khi phong trào chụp ảnh “bên hoa” của giới trẻ Hà Nội phát tiết mạnh mẽ, hoa ban đột nhiên được đặc biệt chú ý. Và như để “đáp ứng” nhu cầu của người dân, các nhà quy hoạch đô thị đang trồng ngày càng nhiều hoa ban trên các tuyến phố Hà Nội như: Đinh Tiên Hoàng, Thanh Niên, Hoàng Diệu…

Hoa ban theo tiếng của dân tộc Thái có nghĩa là “hoa ngọt”. Hoa chỉ nở vào đúng một mùa, đẹp nhất khi thời tiết chuyển từ đông sang xuân. Hoa ban có nhiều loại nhưng được trồng phổ biến ở Hà Nội là những cây cho hoa tím pha trắng. Hoa ban không có hương nhưng có vị, mỗi hoa có 5 cánh, nhụy màu hồng, gân màu tím. Nhụy hoa mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong. Những năm gần đây, người Hà Nội ngày càng quen với vẻ đẹp nao lòng của hoa ban. Và không biết từ bao giờ, hoa ban đã trở thành một trong những màu sắc của tháng 3 ở Hà Nội. Những ngày đầu năm, nhiệt độ không khí Hà Nội khá lạnh, tuy nhiên, những bông hoa ban vẫn bung mình khoe sắc. Vẻ đẹp giản dị và hoang dại của núi rừng Tây Bắc khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, say đắm.

Bài và ảnh: NGỌC ANH