1.Gặp người làm nghệ thuật đắt “sô” như Hữu Từ quả là hữu duyên. Tác giả bài viết từng “vinh hạnh” được Hữu Từ cho “leo cây” do lịch trình tập luyện cũng như di chuyển liên tục từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, Phú Yên cứ dày đặc, liên hồi. Trong mưa lạnh cuối đông Hà Nội, ngồi trong một quán nước nhỏ giữa giờ trưa, sau buổi tập luyện cho chương trình nghệ thuật tưởng niệm 60 năm “Đại đội thanh niên xung phong 915-Khúc tráng ca bất tử” (tại Khu di tích Quốc gia Đại đội TNXP 915, Thái Nguyên), thi thoảng câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi những diễn viên bước vào, chào thầy. Dĩ nhiên, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh múa.

leftcenterrightdel
NSND, biên đạo múa Hữu Từ.

Hỏi Hữu Từ, có vẻ trong rất nhiều show “khủng” thời gian vừa rồi Hữu Từ đạo diễn, biên đạo mang nhiều màu sắc và dấu ấn về hình tượng chiến sĩ quân đội. Hữu Từ hào hứng: Quả đúng là như vậy! Hình ảnh người chiến sĩ đã ăn sâu vào trong tâm trí của Hữu Từ. Dấu ấn nghệ thuật luôn có hình ảnh trong câu chuyện của ba-một chiến sĩ của vùng đất Quảng Trị từng chiến đấu bảo vệ quê hương, rồi cùng đồng đội trải qua những gian lao vượt sông Bến Hải, neo lại mảnh đất Đồng Hới khi gặp và cưới mẹ. Sau này người con nào trưởng thành, ba đều động viên đi bộ đội, các anh của Hữu Từ nghe theo lời ba. Hữu Từ từng có giấc mơ mặc quân phục bộ đội, giấc mơ ấy cũng đã giằng xé anh khi tốt nghiệp biên đạo múa của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội-ngày ấy Hữu Từ 21 tuổi, được thầy An Thuyên động viên ở lại trường. Nhưng Hữu Từ sống vì chữ “nghĩa”, đã trở lại Đoàn Nghệ thuật Sao Biển (Phú Yên)-nơi mà anh đã được cưu mang, bởi như lời Hữu Từ, xuất thân con nhà nghèo, đi học và làm nghệ thuật ngày ấy chỉ mong gia đình bớt được miệng ăn. Vậy mà cái tên Hữu Từ đã chạm ngõ làng múa với những tác phẩm đẹp như tranh: “Cánh đồng hoang”, “Muối mặn tình người”, “Biển thức”, “Vòng quay thuyền thúng”, “Hương rơm”, “Mắt lưới”, “Đường vào chiến dịch”… Hàng chục huy chương vàng ở khắp các cuộc thi, hội diễn, liên hoan, tài năng toàn quân và toàn quốc dành cho Hữu Từ. Nghệ thuật, Nhà nước và khán giả đáp trả tài năng và tâm huyết của Hữu Từ khi danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trao tặng anh năm 2015 (38 tuổi) được coi là danh hiệu cao quý trao cho nghệ sĩ trẻ nhất từ trước tới nay của Việt Nam.

Hữu Từ kể, có người từng nói, nhiều tác phẩm của anh mang dấu ấn bộ đội quá. Nhưng anh thì bảo, bộ đội luôn mang nét đẹp thật nhất của đời sống con người. Môi trường đầu tiên rất quan trọng-là gia đình, là mảnh đất quê hương; đến môi trường học tập, rèn giũa, từ đó cho Hữu Từ một phong cách riêng, không giống ai, không lẫn với ai khi dàn dựng. Tiết mục múa “Lập trình truy kích”-kể câu chuyện về những người lính trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giành huy chương vàng (Đoàn Văn công Quân khu 1 tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018) chẳng hạn. Hữu Từ đã thích, sẽ sáng tạo hết sức để đem đến những chân dung, câu chuyện đẹp nhất về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời nay.

2. Hữu Từ nói, ngoài niềm yêu thích sống gần biển (hiện anh có căn nhà nhỏ bên bờ biển Phú Yên) bởi không gian của sóng, của gió, của nắng như bồi đắp thêm cho anh năng lượng sống, năng lượng sáng tạo, thì chốn tâm linh cũng là nơi anh luôn muốn neo tới để tìm những giờ phút tĩnh lặng, chiêm nghiệm lại những gì mình đã trải qua. Ở đó, Hữu Từ không xin đấng tâm linh sự thành công, mà xin những sáng tạo bột phát. Hữu Từ làm nghệ thuật từ bột phát sáng tạo. Dĩ nhiên, để có sự “bột phát” trên sân khấu đẹp như mơ ấy phải có tài năng cũng như nền tảng trải nghiệm dày dặn đúc kết. Chẳng hạn như ở “Hương rơm”, NSND Đặng Hùng đã phải thốt lên: Rơm-lạ đến vậy! Rơm thành “vàng”. Lâu nay người ta thường gọi là rơm rác, một cảm giác phế thải, khô khốc, chẳng có hương vị gì hấp dẫn. Rơm làm gì có ngôn ngữ. Rơm làm gì có hương vị. Rơm ở đâu cũng là rơm, thế mà biên đạo đã tìm ra hơi thở thời đại của rơm cho một tác phẩm “Hương rơm”. Sáng tạo là vậy, điều mà chưa ai nghĩ tới, một xuất hiện mới để lý giải cuộc đời và thân phận. Đáng yêu biết mấy hình ảnh người nông dân cần mẫn, “một nắng hai sương” đo đạc, tính toán, lo toan trên mảnh đất của mình để tìm ra giá trị đích thực của nó, rơm trở thành vật liệu che chở, mái ấm cho con người. Múa phản ánh hiện thực, đâu phải sao chép, rập khuôn đơn điệu, lặp lại cuộc sống mà là khám phá, phát hiện, qua cảm nhận và tư duy của biên đạo để kiến tạo một hiện thực cao hơn hiện thực xã hội. Công chúng chờ đợi ở những người sáng tạo múa lý giải và khám phá kể cả những lo toan, trăn trở và dự báo về cuộc sống của chính họ.

3.Xuân này, bước sang tuổi 42, Hữu Từ vẫn lâng lâng khi nhắc nhớ những dấu ấn ghi danh vào làng múa đầu tiên của mình, những tác phẩm ấy đã rút ruột gan và tâm trí của chàng trai gửi trọn tuổi thanh xuân, tận hiến trên sân khấu kể những câu chuyện đời đẹp đẽ nhất qua ngôn ngữ hình thể. Ngôn ngữ ấy không theo kiểu bác học cao siêu mà gần gũi bằng nội lực của cơ thể hòa quện trong những tinh túy của văn hóa vùng miền, sắc màu cuộc sống. Hữu Từ bộc bạch, anh không có may mắn như nhiều biên đạo khác được đào tạo chính quy 5-7 năm ở nước ngoài, nên sở trường của anh là tìm tòi và sáng tạo ngôn ngữ của hình thể, cứ thế qua mỗi tác phẩm, cùng với sự tỉ mẩn, chỉn chu trong việc kết hợp với âm nhạc, người làm nghề và khán giả dần tìm ra tiếng nói riêng của Hữu Từ.

leftcenterrightdel
Tiết mục múa “Tính tình”.

Miệt mài trên sàn tập, sân khấu, tận hiến cho múa đến nay hơn 20 năm, Hữu Từ bảo nhiều lúc thấy mệt mỏi lắm, tưởng như làm rồi để chết. Ấy vậy mà khi nghe ai đó e ngại nói rằng, múa chỉ là phụ họa cho ca nhạc và các loại giải trí khác, tuổi nghề ngắn lắm… cũng bức xúc. Nhưng Hữu Từ lạc quan, trước đây thôi, còn thế hệ người làm múa bây giờ nếu không tài năng, hiểu biết thì sẽ tự đào thải mình. Cứ thử xem một chương trình nghệ thuật, nếu không có múa thì sẽ nhàm chán đến nhường nào, xếp 100 người trên sân khấu chỉ có hát từ đầu đến cuối, có níu được khán giả không. Múa luôn có vị trí, cốt lõi là làm nghiêm túc thì vẫn luôn sống khỏe, sống tốt và luôn có sức lan tỏa.

Mùa xuân đến, Hữu Từ trở về bên mẹ, bên gia đình thương yêu trên mảnh đất quê hương nặng nghĩa tình-nơi bồi đắp cho anh niềm cảm hứng vô tận để sáng tạo những tác phẩm múa đẹp đẽ, dâng hiến cho đời.

VƯƠNG HÀ