Được Bác quan tâm đến tác phẩm của mình, Huy Thục rất xúc động. Sau đó hơn một năm, Bác ra đi mãi mãi. Với tâm thế của người lính, Huy Thục hòa chung dòng nước mắt cùng đồng đội, anh khóc Bác bằng hành động thiết thực của những người lính. Hành khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân" với điệp khúc “... Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân” ngay lập tức vang lên khắp các mặt trận, tiếp thêm sức mạnh cho những đoàn quân: “Đi ta đi giải phóng miền Nam, khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược, thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Lời Bác thúc giục chúng ta, chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca”. Hiện nay, bài ca đi cùng năm tháng này là một trong 15 bài hát được quy định trong sinh hoạt văn nghệ cấp phân đội của Quân đội nhân dân Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Huy Thục (thứ hai, từ phải sang) trong buổi lễ đón nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (tháng 11-2016). Ảnh: ĐỨC LONG

Hiếm có nhạc sĩ nào gắn bó với vùng đất Quảng Trị-Thừa Thiên như Huy Thục. Nếu tính thời gian của cuộc đời làm người lính, nhất là thời lính cầm đàn thì Huy Thục đã dành cho vùng đất này quá nhiều sức lực và tình cảm. Thời chiến, anh gần như bám trụ ở đây. Những bài ca nổi danh đầu tiên của anh là “Chào Đường 9 anh hùng” và “Tiếng hát trên đường quê hương”. Hai ca khúc bắt đầu “đánh thức” khả năng sáng tác của nhạc sĩ tài danh này. Thật ra, "ngón nghề" của Huy Thục là nhạc không lời, anh từng đảm nhận vai trò chủ chốt, cùng với Lương Ngọc Trác, Nguyễn Thành và Phong Kì viết nhạc cho vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Vở kịch múa này đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật. Vở kịch nói “Tiền tuyến gọi” của Trần Quán Anh, khi được chuyển thể thành phim truyện, lại có bàn tay tài ba của Huy Thục thổi hồn âm nhạc vào và Huy Thục đã cùng chung niềm vui với Trần Quán Anh cùng ê kíp làm phim vinh dự nhận giải thưởng quốc tế.

Một trong những bản nhạc không lời có sức hút mạnh mẽ nhất là “Vì miền Nam” viết cho đàn bầu với dàn nhạc dân tộc. Mục đích khi viết bản nhạc này, anh dành riêng cho biểu diễn sân khấu, nhưng rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, tự nó hiện diện trong nhiều phim thời sự tài liệu, thậm chí nó còn được trích đoạn trong nhiều tình huống thích hợp của các vở kịch nói, phim truyện... Nối tiếp “Vì miền Nam”, Huy Thục cho ra đời một tác phẩm không kém phần độc đáo-“Nhịp điệu nước non” thuần chất bộ gõ dành riêng cho nghệ sĩ Ngọc Thà, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 biểu diễn. Tất cả những cung bậc và nhịp điệu của các loại trống lớn, nhỏ; các loại cồng, chiêng, thanh la, não bạt, sênh, mõ... mà nhạc sĩ dồn hết cả vào đó được Ngọc Thà thể hiện rất thành công. Chính tác phẩm này đã góp phần đưa Ngọc Thà đến với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đặc điểm sáng tác nhạc không lời của Huy Thục là mang màu sắc thuần chất dân tộc, không xa vời mà gần gũi với người Việt Nam, với người lính. Âm nhạc của Huy Thục thuần chất dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc.

Gốc gác Huy Thục là anh lính chiến thực thụ. Năm 1946, mới 13 tuổi, Huy Thục đã là chú liên lạc nhỏ của Đại đội 102, Tiểu đoàn 66, Trung đoàn 42 thuộc Quân khu Tả Ngạn. Khi làm liên lạc, Huy Thục ước mơ cũng sẽ có súng lục đeo “vẹo mông, xệ rốn”. Rồi khi lên được chức Chính trị viên trung đội, cái chức thấp nhất của hệ thống cán bộ quân đội khi ấy, do có “tí” năng khiếu văn nghệ, anh liền được điều đi làm công tác tuyên văn. Do chưa đạt được cái chức “có súng lục” nên anh chàng “quậy”, tìm cách quay về đơn vị chiến đấu. Quả thật, sự kiên trì với lòng ham muốn của tuổi trẻ, khi ấy đã có một Chính trị viên đại đội tài năng-Huy Thục.

Cao hứng với chức mới, chàng chính trị viên này liền cảm tác ngay  bài ca “Chống càn bảo vệ xóm làng”, bài ca này vượt khỏi tầm nghiệp dư, báo hiệu một điều gì đó... không bình thường. Thế là Tỉnh đội trưởng Nam Định Nguyễn Túc bèn giao Chính trị viên đại đội Huy Thục một chút kinh phí rồi lệnh cho anh “khăn gói quả mướp” vào Thanh Hóa tìm thầy Tạ Phước. Quả nhiên, thầy Tạ Phước mát tay đã “gắn” cây violin vào cuộc đời anh lính chiến Huy Thục. Cũng từ đó, tài năng nghệ thuật trong anh bắt đầu phát lộ. Nhờ có cây đàn, anh tự tin cho ra đời bài hát mang tên “Ta quyết theo Đảng”. Bài hát đi vào đời sống, có sức lan tỏa khắp miền và Huy Thục được cấp trên gọi về nhập học Trường Âm nhạc Việt Nam cùng một số tên tuổi lớn sau này như: Hoàng Việt, Nguyễn Thành, Ngô Huỳnh... Cho đến nay, Huy Thục vẫn giữ nguyên vẹn bản “Tình ca” của Hoàng Việt chép tay tặng anh. Huy Thục trân trọng tình bạn với Hoàng Việt, nâng niu “Tình ca”, vì đó là báu vật, là hình mẫu cảm xúc của người sáng tác! Thế nhưng, anh lại đi trái chiều với Hoàng Việt: Khi Hoàng Việt cảm thấy tạm “no đủ” về ca khúc, anh tìm sang Nhạc viện Sofia (Bulgaria) để viết giao hưởng. Còn Huy Thục ướm chừng viết nhạc khí cũng “tạm ổn”, lại tìm đến Nhạc viện Liszt (Hungary) rồi trở về chuyên tâm viết ca khúc.

Huy Thục hạ quyết tâm đi vào Trường Sơn nhưng suy nghĩ, trước tiên hãy đi vào đoạn đầu, chắc nơi ấy chỉ “thoang thoáng chiến trận”, mới có thể yên tâm ngồi mà viết được. Nào ngờ, đoạn đầu Trường Sơn với Quảng Trị-Thừa Thiên lại là cái mối nối giữa hai miền Nam-Bắc, bom không ngừng rơi, đạn liên hồi nổ; di chuyển tất cả bằng đôi vai, núi cao tột đỉnh, suối sâu tận cùng. Trên những cung đường ấy, anh gặp những cô gái Pa Cô, Vân Kiều đi gùi lương, tải đạn cho mặt trận. Trong đầu người nhạc sĩ lởn vởn “Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường, bộ đội Giải phóng quân ăn no mà đánh thắng giặc Mỹ...”. Không lâu sau, trên làn sóng điện vang lên bài ca “Cô gái Pa Cô”; thế rồi từ bài hát lại trở thành gợi ý cho điệu múa “Những cô gái Pa Cô trên đường tiếp vận” của Ngọc Minh. Vốn thuận tay viết nhạc không lời, Huy Thục chêm vào giữa bài ca một đoạn nhạc nhanh, thành điệu múa 3 đoạn ABA hoàn chỉnh. Múa “Những cô gái Pa Cô trên đường tiếp vận” đã nhận nhiều giải thưởng các loại, được cả các đoàn chuyên và không chuyên dàn dựng. Người Vân Kiều từng tuyên bố với vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục rằng: Điệu múa “Những cô gái Pa Cô trên đường tiếp vận” chính thức là của dân tộc Bru-Vân Kiều; liệt sĩ-tác giả múa Ngọc Minh và nhạc sĩ Huy Thục bây giờ là người của “đàng Miềng”...

Huy Thục sống tự nhiên như nhiên, sống có dân, có đồng đội. Đó chính là cội rễ sâu xa về những tác phẩm âm nhạc của anh, luôn gắn liền với những hình ảnh thực tế, với người có thật: “Ơi dòng suối La La” ôm trọn hình ảnh anh Bùi Ngọc Đủ-người anh hùng làm nên kỳ tích trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Huy Thục nhiều lần tìm đến Bùi Ngọc Đủ để tâm tình, chia sẻ. Anh đối với nhân vật của mình như máu mủ ruột rà. Cũng có thể nói, vùng đất Trường Sơn của người Bru-Vân Kiều là điểm tựa để người nhạc sĩ tài ba này phát ra những giai điệu lạc quan từ cuộc sống chiến đấu vô cùng khốc liệt nhưng đầy lãng mạn của quân-dân mảnh đất này. Từ cây đàn ta-lư chỉ là một gộc tre với 3 sợi dây tơ, vậy mà Huy Thục đã gắn nó vào với “... Tiếng trống trận, từ Gio An vọng tới... Đàn ta-lư em cất tiếng ca vang lừng núi rừng, mừng thắng trận quê em...”. Với giọng cao chót vót của Tường Vy trên sân khấu, nó vươn ra theo cấp số nhân, cùng nhiều đoàn, nhiều nghệ sĩ, thậm chí với kiều bào khắp thế giới, với niềm kiêu hãnh cùng “Tiếng đàn ta-lư”.

86 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, dù những năm gần đây sức khỏe có giảm sút nhưng người nhạc sĩ tài ba này vẫn đang phơi phới niềm tin truyền cảm hứng đến công chúng. Trong ngày trọng đại Huy Thục nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, cả hội trường lặng đi khi ông cất cao giọng hát: “Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân”...

KHẮC TUẾ