QĐND - Chưa bao giờ như hiện nay, hai tiếng “khởi nghiệp” được nhắc nhiều đến vậy trên các phương tiện truyền thông, trên các diễn đàn hội nghị và trong sinh hoạt cộng đồng. Thực tế đang sôi nổi một tinh thần khởi nghiệp và hình thành một trào lưu khởi nghiệp ở Việt Nam. Điều đó thật đáng mừng!

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp khởi nghiệp của ta lại ra nước ngoài đăng ký hoạt động ở Việt Nam. Một thống kê cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã có gần 1.000 người trẻ khởi nghiệp trong nước bằng giấy phép đăng ký ở Xin-ga-po (Singapore). Hiện tượng “chảy máu doanh nghiệp” này được lý giải bởi vì trong nước chưa có “hệ sinh thái khởi nghiệp” và hoạt động này còn gặp nhiều rào cản về nguồn lực, chính sách, thủ tục… Trong khi nếu ra nước ngoài đăng ký thì thủ tục nhanh chóng, hành lang pháp lý chặt chẽ và được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, thuế, cơ hội phát triển, v.v…

Những lý do trên đây là có thật và đó là một thực tế đáng buồn. Tuy nhiên, nếu nói rằng ở Việt Nam hoàn toàn chưa có “hệ sinh thái khởi nghiệp” thì e rằng hơi cực đoan và phiến diện. Thuật ngữ “khởi nghiệp” - người sính tiếng nước ngoài thì gọi là “startup” - đâu phải là một khái niệm xa lạ với dân ta? Truyền thuyết về 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển vươn ra đại dương, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng khẩn hoang gieo trồng; rồi sự tích bánh chưng, bánh giầy của Lang Liêu; sự tích quả dưa hấu của Mai An Tiêm… cùng nhiều tấm gương thành đạt của không ít doanh nhân Việt Nam ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, là những minh chứng sinh động cho truyền thống khởi nghiệp của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Vì sao một dân tộc có truyền thống khởi nghiệp cả trong huyền tích lẫn lịch sử như vậy, mà đến nay vẫn chưa phải là một “quốc gia khởi nghiệp” như nhiều nước tương đồng về điều kiện và hoàn cảnh? Vì sao Việt Nam vẫn chưa có những thương hiệu tầm quốc tế và khu vực trong thời đại toàn cầu? Đó là những vấn đề xin được bàn vào dịp khác! Điều đáng nói là Đảng, Nhà nước ta đã và đang tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp và toàn xã hội chung tay tháo gỡ những khó khăn, hạn chế. Cùng với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ban hành các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, kiện toàn hành lang pháp lý v.v.. được biết gần đây, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu xây dựng “Quỹ đầu tư mạo hiểm” để hỗ trợ giới khởi nghiệp trẻ. Những chủ trương, chính sách và giải pháp ấy, cùng với những lợi thế về nguồn nhân lực và tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, là những yếu tố rất quan trọng để xây dựng một "hệ sinh thái khởi nghiệp" mới trên đất nước Việt Nam.

Hy vọng rằng, startup Việt Nam cùng chia sẻ, nắm bắt và hòa đồng với những nỗ lực trên đây để sớm vượt qua những hạn chế, trở ngại do chủ quan và khách quan, góp phần đưa nước ta sớm trở thành một quốc gia khởi nghiệp như nguyện vọng và ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Khởi nghiệp với tinh thần dân tộc và trách nhiệm công dân nước Việt, là yêu nước thiết thực và sinh động!

MAI NAM THẮNG