leftcenterrightdel

Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi năm học 2019-2020 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: CÔNG MẠNH 

Nhân dân cả nước, nhất là những người, những gia đình có thu nhập thấp hoặc việc làm không ổn định, đều cảm thấy quỹ khuyến học như một người bạn tốt, hỗ trợ trẻ em nghèo có thêm điều kiện để học tập. Với học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt thì quỹ khuyến học luôn là nguồn động viên, khích lệ các em. Nhiều người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn cũng được quỹ hỗ trợ để theo học các lớp tại trung tâm học tập cộng đồng hoặc tại một cơ sở giáo dục nào đó.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Hội Khuyến học Việt Nam một nhiệm vụ chính trị nặng nề nhưng rất vẻ vang qua bức trướng lớn: “Hội Khuyến học Việt Nam; Khuyến học, khuyến tài; Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập”.

Triển khai nhiệm vụ này, Quỹ Khuyến học Việt Nam tích cực xây dựng theo tinh thần xã hội hóa. Toàn bộ tiền của quỹ hoàn toàn phục vụ công tác khuyến học, khuyến tài, ngoài ra, không có hạng mục chi nào khác.

Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo các cấp của mình phát triển các loại hình quỹ như sau: Mỗi cấp của hội đều phải xây dựng quỹ khuyến học (theo quy định này, trong hội có một quỹ khuyến học của Trung ương Hội; 63 quỹ khuyến học của các tỉnh, thành hội; 705 quỹ khuyến học của hội khuyến học các quận, huyện, thị xã; 10.600 quỹ khuyến học của hội khuyến học xã, phường và thị trấn).

Các thôn bản (hơn 78.000 thôn bản) và tổ dân phố (hơn 56.000 tổ) có quỹ khuyến học riêng, do nhân dân tự quản để góp phần khuyến học, khuyến tài trong cộng đồng dân cư ở cơ sở. Ngoài ra, các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên địa bàn hành chính cấp xã đều phải có quỹ khuyến học; chi hội khuyến học ở thôn bản, tổ dân phố vận động dân đóng góp theo tinh thần tự nguyện, hội khuyến học cấp xã động viện các gia đình, dòng họ, làng xóm làm việc này để động viên con cháu trong các dịp lễ, tết, giỗ tổ... Quỹ khuyến học của các cấp hội cũng như quỹ khuyến học của gia đình, dòng họ, tổ dân phố... hoàn toàn độc lập. Các tổ chức hội cùng cấp chỉ theo dõi để việc chi của quỹ đúng với mục đích khuyến học, khuyến tài mà thôi. Các cơ quan đoàn thể, trường học, doanh nghiệp có quỹ khuyến học là cần thiết để khuyến học, khuyến tài trong nội bộ. Do đó, các cấp hội luôn hoan nghênh và ủng hộ cách làm của các đơn vị.

Qua tổng kết giai đoạn 2016-2021, Quỹ Khuyến học Việt Nam (Trung ương Hội) đã chi khoảng 70 tỷ đồng để trao học bổng, phần thưởng cho học sinh, sinh viên; xây cầu, xây các phòng chức năng cho trường phổ thông; tặng vở các học sinh nhỏ; tặng trường phổ thông 325 bộ thiết bị dạy học; tặng giày đối với học sinh trung học; hỗ trợ chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đồng bào vùng bão lụt... Ngoài ra, quỹ cũng đang triển khai hỗ trợ Chương trình “Máy tính cho em” để học trực tuyến, ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19... 

Còn tại địa bàn các tỉnh và huyện, học sinh, sinh viên thường được nhận các suất học bổng hoặc tiền thưởng, xe đạp, xe lăn (cho học sinh khuyết tật), đồ dùng học tập vào các dịp lễ lớn của đất nước. Bình quân, mỗi năm các tỉnh, thành hội khuyến học trích khoảng 2.500 tỷ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên. Trung ương Hội yêu cầu tổng số tiền các hội địa phương vận động được phải trích ra hơn 60% để chi vào các hoạt động khuyến học, khuyến tài, phải được chính quyền địa phương xét duyệt và đồng thời công khai, minh bạch trước nhà tài trợ.

Trung ương Hội quy định: Số tiền quỹ của 63 tỉnh, thành hội vận động được tính trung bình trên đầu người dân trong giai đoạn 2010-2020 là 30.000 đồng. Trong mấy năm qua, quy định trên đã được thực hiện tốt, tỷ lệ tiền quỹ tính trên đầu người dân năm 2016 đạt 32.478 đồng, các năm tiếp theo không ngừng tăng lên. Đặc biệt, năm 2019, tổng số tiền quỹ của các hội khuyến học địa phương đã vượt con số 4.000 tỷ đồng. Năm 2020, do lũ lụt và dịch bệnh Covid-19, con số đó giảm xuống còn 2.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy định 30.000 đồng tiền quỹ tính trung bình trên đầu người dân vẫn được bảo đảm.

 Ngoài việc xây dựng quỹ khuyến học, nhân dân có rất nhiều sáng kiến. Ví dụ như Phong trào “Nuôi heo đất”. Các em học sinh tiết kiệm tiền tiêu vặt. Hội khuyến học tặng mỗi em một con heo (lợn) đất để các em dành tiền. Hằng năm, trước ngày khai giảng năm học mới, nhà trường và hội khuyến học còn làm lễ “mổ heo đất”. Tại TP Hồ Chí Minh, có năm mổ heo đất được tới 60 tỷ đồng. Nhân dân thì có hình thức: Ao cá khuyến học, cây bưởi, cây chuối khuyến học... Số tiền thu được sẽ dành vào việc học tập của con cái. Nhiều nơi, cán bộ, công chức, viên chức đều đặn đóng một ngày lương vào quỹ khuyến học. Nhiều cán bộ tổ chức hình thức hỗ trợ 1-1 (một người hỗ trợ một học sinh về tiền mua sách vở, đồ dùng học tập). Phong trào đã mở rộng thành hình thức 1-n (n >1).

Để có được nguồn quỹ dồi dào như vậy, Quỹ Khuyến học đã nhận được sự chung tay hưởng ứng xây dựng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, dòng họ, nhân dân, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm và từ thiện, các cán bộ, công chức, viên chức trên khắp mọi miền đất nước. Tất cả sự hưởng ứng nhiệt thành ấy chỉ nhằm mục đích khuyến khích học tốt, dạy tốt, vì tương lai thế hệ trẻ của chúng ta.

 Trong giai đoạn 2016-2021, Quỹ Khuyến học Việt Nam (Trung ương Hội) đã trao tặng: 29.309 suất học bổng và phần thưởng cho học sinh, sinh viên với tổng số tiền 25.719.228.500 đồng; xây 5 cầu dân trí: 1.925.001.877 đồng; xây 10 phòng chức năng cho trường phổ thông: 2.119.460.000 đồng; tặng học sinh nhỏ 305.000 quyển vở: 1.025.000.000 đồng; tặng trường phổ thông 325 bộ thiết bị dạy học: 2.762.702.000 đồng; tặng học sinh trung học 19.632 đôi giày: 33.000.000.000 đồng; hỗ trợ chống dịch Covid-19: 1.900.000.000 đồng; hỗ trợ đồng bào vùng bão, lũ lụt: 1.114.000.000 đồng. Ngoài ra, quỹ đang triển khai hỗ trợ Chương trình “Máy tính cho em” và Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19...

GS, TS PHẠM TẤT DONG