QĐND - Cuối năm 1964, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên cả hai miền của đất nước ta, thì một tin vui nức lòng nhân dân cả nước, đó là tin chiến thắng An Lão ở Bình Định. Đây là cuộc phối hợp tuyệt vời giữa quân và dân trong huyện cùng với bộ đội chủ lực đã tấn công tiêu diệt chi khu quân sự An Lão và toàn bộ quân địch trên địa bàn của huyện, mở ra một cục diện mới trên chiến trường Khu V.

An Lão là một huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cư dân chủ yếu là người H'rê. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, An Lão là một căn cứ quan trọng của Liên khu V, án ngữ những đầu mối giao thông quan trọng. Để mở rộng vùng giải phóng ra địa bàn có ý nghĩa quan trọng này, đầu tháng 12-1964, Đảng ủy và Bộ chỉ huy Quân khu 5 quyết định tấn công chi khu quận lỵ An Lão. Đúng 1 giờ sáng 7-12-1964, tiếng súng tấn công căn cứ Núi Một nổ vang làm hiệu lệnh công kích trên toàn tuyến. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp trở tay. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, quân địch tại các cứ điểm bị tiêu diệt và bắt sống. Số quân còn lại cụm lại chống trả, nhưng chỉ cầm cự được đến ngày 23-12-1964 thì phải rút chạy. Quân ta làm chủ hoàn toàn chi khu An Lão. Toàn bộ thung lũng An Lão dài 22km trở thành căn cứ của ta.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và tặng quà gia đình chính sách ở xã An Quang-An Lão, tháng 2-2014.

Chiến thắng An Lão không những có ý nghĩa quân sự mà còn là một động lực tinh thần to lớn thúc đẩy quân và dân toàn miền Nam tiến lên tiêu diệt bọn Mỹ-ngụy. Thời gian ấy, tôi đang được học tập ở miền Bắc, nghe tin chiến thắng ở quê nhà, tôi đã viết bài “An Lão quê tôi” đăng trên Báo Thống Nhất để góp phần tuyên truyền về một chiến công hiển hách của quê hương An Lão anh hùng…

Sau 34 năm, lại một tin vui lớn làm nức lòng quân và dân Bình Định nói chung, huyện An Lão nói riêng, trong đó có những người con An Lão xa quê như chúng tôi, đó là: Nhà nước vừa công bố quyết định phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân cho quân và dân huyện An Lão. Nhân dịp này, hàng chục Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ, con em ưu tú của huyện An Lão đã được Nhà nước truy phong và tuyên dương những danh hiệu cao quý.

Có thể nói, suốt hơn 30 năm ròng rã kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân An Lão luôn luôn bám đất để xây dựng lực lượng cách mạng bên trong lòng địch và tổ chức đánh địch phá thế kìm kẹp của địch cho nhân dân, đưa đồng bào bị địch cưỡng ép đi nơi khác được trở về với quê hương, góp phần đánh tan chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu vô cùng dũng cảm của quân và dân An Lão, đã nổi lên những tấm gương tiêu biểu của truyền thống cách mạng quê hương và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là hàng trăm cuộc đấu tranh chính trị và binh vận ở An Lão. Điển hình là vụ địch mở chiến dịch quét sạch, đốt sạch 5 xã: An Bửu, An Bình, An Phú, An Tường và An Quý trong hai năm 1960-1961. Hàng trăm đồng bào không sợ thương vong đã lăn xả thân mình ra đường để ngăn chặn không cho xe địch chở lính đi càn quét, cày ủi làng xóm. Chiến sĩ du kích Đình Văn Nỉ ở làng Ta Ma Tưởng (xã An Bình) bị địch bắt treo cổ tra tấn dã man nhưng không một lời khai báo. Những hành động khủng bố, bắn giết của giặc càng thổi bùng ngọn lửa căm thù, thôi thúc quân và dân An Lão kiên cường dũng cảm hơn trong chiến đấu. Tiêu biểu như trận đánh hồi tháng 7-1968, nhân dân và du kích An Lão đã đánh tan một tiểu đoàn địch đổ bộ bằng trực thăng. Đặc biệt là trận đánh ở An Quang, bộ đội địa phương cùng một trung đội du kích do Trung đội trưởng Đinh Ruối-người dân tộc H’rê chỉ huy, đã đẩy lùi 6 cuộc tấn công của một tiểu đoàn Mỹ có máy bay và xe tăng yểm trợ. Trong cuộc chiến đấu này, đồng chí Đinh Ruối đã anh dũng hy sinh và mới đây đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Đường lên xã miền núi An Hưng hôm nay.

Nổi bật trong năm 1972, quân và dân An Lão đã phối hợp với quân và dân Hoài Ân chiến đấu giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân, cửa ngõ phía bắc của tỉnh Bình Định, biến địa bàn này từ một “cánh cửa thép”của địch trở thành hậu cứ vững chắc của toàn tỉnh để chuẩn bị cho những chiến dịch mới.
Những đội quân được thành lập tại An Lão, hoặc trú quân ở vùng đất thép này đã phối hợp với nhiều cánh quân khác cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa xuân năm 1975, tiêu biểu là Sư đoàn 3 Sao Vàng, Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Hiện nay, trong đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng, có một trung đoàn mang tên An Lão, đó là Trung đoàn 2, Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, toàn bộ Sư đoàn 3 Sao Vàng, trong đó có Trung đoàn 2-An Lão đã thần tốc hành quân ra Bắc, tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc trên một hướng chiến lược quan trọng. Từ đó đến nay, tuy nằm trong đội hình của LLVT Quân khu 1, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng nói chung và Trung đoàn 2-An Lão nói riêng vẫn có mối liên hệ thường xuyên và mật thiết với quân và dân quê hương An Lão, mảnh đất sinh thành của đơn vị.

Nhớ lại hồi giữa tháng 5-1975, lần đầu tiên sau bao năm tập kết xa quê được trở về An Lão, lúc đó tôi không sao nhận ra quê hương của mình nữa, bởi sự tàn phá ghê gớm của bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ. Xóm làng xơ xác, dân tình đói rách… Đêm về chỉ thấy lập lòe những ngọn đèn dầu như những con đom đóm trong những túp nhà tranh lụp xụp… Nhưng mấy năm gần đây, An Lão đã hồi sinh, đã thay da đổi thịt một cách kỳ diệu. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân từ đói nghèo thiếu thốn đủ bề, nay đã được cải thiện rõ rệt, quốc phòng và an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội luôn luôn được ổn định... Lực lượng vũ trang trong toàn huyện sau 7 năm tách huyện Hoài Ân – An Lão, luôn luôn đi đầu khối thi đua các huyện miền núi tỉnh Bình Định, được Bộ tư lệnh Quân khu 5 tặng danh hiệu Đơn vị Quyết Thắng nhiều năm liên tục, 8 năm liền được nhận cờ luân lưu và cờ “Đơn vị xuất sắc nhất” của Bộ CHQS và UBND tỉnh Bình Định…

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2-An Lão về thăm đơn vị. Ảnh: NGHĨA BÌNH

Hiện nay, 100% xã của huyện An Lão đã có điện lưới quốc gia, đường giao thông đi lại thông suốt khắp thôn xã, một số công trình kinh tế như: Hồ chứa nước Hóc Thanh, hồ Hưng Long, hồ thủy điện Sông Vố… đang sử dụng tưới tiêu phục vụ sản xuất có hiệu quả cao. Huyện An Lão nay đã có trường THPT, có trường nội trú dân tộc; từng thôn bản có trường phổ thông cơ sở, nhà văn hóa, có sân vận động… Hệ thống đài phát thanh, sóng truyền hình… đã đến từng hộ gia đình, công tác chính sách đối với các gia đình và những người có công với cách mạng được quan tâm thiết thực. Đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương định canh, định cư, những hủ tục mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu… từng bước được đẩy lùi. Từ những ngày còn khói lửa chiến tranh, các xã trong huyện đều có đội văn nghệ, thường xuyên phục vụ bộ đội và nhân dân. Ngày nay, An Lão vẫn giữ được truyền thống lá cờ đầu về phong trào văn nghệ quần chúng. Nhiều lễ hội văn nghệ các dân tộc thiểu số được tổ chức sôi nổi hằng năm tại thị trấn An Lão, tiếng trống tuồng ở miền xuôi hòa quyện tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào miền ngược, tiếng hát bài chòi hòa tiếng kể khan, những cuộc thi tài võ thuật dân tộc Tây Sơn với những trò bắn ná, phóng lao… cùng với lễ hội của người dân tộc H’rê, Ba Na… thường được diễn ra tưng bừng và cuốn hút. Một cuộc sống ấm no, vui tươi, một không khí đoàn tụ, đoàn kết dân tộc đang bao trùm lên mảnh đất An Lão anh hùng.

Thật vinh dự và tự hào là đầu năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm An Lão. Chủ tịch đến thăm xã An Quang, nơi hầu hết là người dân tộc H’rê sinh sống. Chủ tịch vui mừng trước những kết quả xây dựng nông thôn mới cũng như nỗ lực của chính quyền địa phương trong chăm lo đời sống của nhân dân. Chủ tịch lưu ý những kiến nghị của nhân dân trong việc nâng cấp các tuyến đường giao thông, cho chủ trương xây dựng đường 5B, đường quốc phòng gắn với kinh tế nối Quốc lộ 24 với Quốc lộ 1A, sửa chữa  Tỉnh lộ 629 từ Bồng Sơn đi An Lão song song với dòng sông An Lão hiền hòa ngày đêm xuôi về hướng Nam hòa vào dòng sông Kim Sơn thành dòng Lại Giang hùng vĩ… Đó là những công trình dân sinh thiết thực kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện An Lão và những ngày lễ lớn của dân tộc trong hai năm 2014-2015.

GS HOÀNG CHƯƠNG