Lần đó, khi đang vạch rừng đi từ đỉnh núi Tô xuống, bất giác tôi phát hiện một ngôi chùa ẩn hiện giữa những tán lá xanh. Hỏi thăm người bạn đồng hành, ông cho biết đó là chùa Soài So, một ngôi chùa Khmer tọa lạc trên địa phận xã Núi Tô (Tri Tôn, An Giang). Ông còn bảo, ngôi chùa đó độc đáo lắm, có muốn ghé xem thử không?
|
|
Hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So nâng niu những quyển kinh khắc trên lá buông. |
Ở cái miệt Bảy Núi này, chuyện “độc lạ” có lẽ nhiều nhất miền Tây Nam Bộ, khám phá mãi cũng chẳng hết. Bởi vậy, mặc dù đã ngược xuôi trên vùng biên cương đầy nắng gió này không biết bao nhiêu bận, nhưng mỗi lần nghe người dân địa phương nói có gì đó hấp dẫn, tôi lại tranh thủ tìm đến. Và y như rằng, sau mỗi lần như thế, tôi đều đưa thêm vào bộ sưu tập của mình những ấn tượng khó phai về vùng đất và con người nơi đây. Lần này, ông bạn đồng hành của tôi là thầy giáo Chau Mo Ni Sok Kha, người được mệnh danh là “nhà Khmer học miệt Bảy Núi” chủ động gợi ý đến chùa Soài So, hẳn là nơi ấy phải có điều gì đáng để khám phá lắm. Suy nghĩ đó khiến tôi phấn chấn hẳn lên, không cần trả lời câu hỏi của thầy Sok Kha, mà cứ nhắm hướng chùa phăng phăng đi tới.
Chúng tôi đến chùa Soài So thì đã xế chiều. Ánh nắng hắt xiên ngang mái ngói phủ đầy bụi thời gian. Chùa Soài So mang vẻ đẹp thanh nhã, giản đơn, mà vẫn giữ được sự thâm nghiêm thuần khiết. Thầy Sok Kha vừa đi, vừa diễn giải cho tôi biết, người Khmer rất coi trọng ngôi chùa trong phum sóc của mình. Họ có câu nói lưu truyền trong dân gian rằng: “Sống vào chùa gởi thân, chết vào chùa gởi cốt”. Bởi thế, dù cuộc sống thường nhật như thế nào, bà con vẫn không quên đóng góp cho ngôi chùa của cộng đồng dân tộc mình ngày một khang trang hơn và họ tin rằng, việc làm ấy sẽ mang lại nhiều công đức, may mắn, gặp được nhiều điều tốt đẹp. Nói đến đây, bỗng nhiên thầy Sok Kha dừng lại, ra dấu cho tôi giữ yên lặng. Tôi nhìn theo hướng nhìn của thầy, thấy bên trong chùa, trên chiếc chiếu cạnh cửa sổ, có vị hòa thượng đang tỉ mẩn ghi chép cái gì đó. Ông khoác áo cà sa màu vàng, ngồi quay lưng vào tường, chân trái xếp tự nhiên, chân phải dựng lên để lấy đầu gối làm điểm tựa, chậm rãi viết. Ánh sáng ô cửa sổ chiếu rọi dáng vẻ tĩnh tại của vị hiền sư, trông đẹp như pho tượng Phật. Khung cảnh ấy khiến tôi bất giác nghĩ đến một cõi mê đang chìm đắm trong bóng tối, bỗng lóe lên ánh sáng của Phật giáo, một thứ ánh sáng huyền diệu đã soi rọi thân tâm cho bao lớp nhân sinh giác ngộ.
Vị hòa thượng già vẫn điềm nhiên ngồi viết, còn hai chúng tôi không biết đã đứng đó bao lâu, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mang đậm màu sắc Phật giáo tiểu thừa. Đến khi ông dừng tay, hướng mắt về phía xa xăm, thầy Sok Kha mới chậm rãi tiến đến, chắp tay vái chào và nói mấy câu gì đó bằng tiếng Khmer mà tôi không hiểu. Tôi cũng chắp tay chào theo, rồi cùng ngồi xuống bên cạnh hiền sư. Chưa kịp ngồi yên vị, tôi đã thấy ngạc nhiên vì miếng “giấy” sư vừa viết xong lúc nãy hầu như chẳng có chữ nào. Cây viết bằng gỗ ông còn cầm trên tay cũng rất đỗi lạ lùng, nó dài chừng một tấc, tròn và to hơn ngón tay cái người lớn. Đặc biệt, ngòi bút giống như cái đinh sắt thì làm sao mà có mực được? Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, thầy Sok Kha mới từ tốn giới thiệu, vị sư ngồi đấy chính là hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So, cũng là người duy nhất hiện nay còn lưu giữ được kỹ thuật khắc chữ lên lá buông tinh xảo nhất. Hóa ra, cái độc đáo mà thầy Sok Kha nói với tôi khi đang trên sườn núi Tô chính là đây. Bởi trước đó, tôi đã từng đọc một vài bài viết về hòa thượng Chau Ty cùng nghệ thuật khắc kinh Phật trên lá buông độc nhất vô nhị ở Việt Nam, nhưng chưa lần nào may mắn được diện kiến. Tôi nhìn kỹ lại, thấy quanh hòa thượng Chau Ty không phải những mảnh giấy mà là những chiếc lá buông đã qua giai đoạn cắt tỉa, phơi nắng, có thể viết chữ lên đó. Hòa thượng dùng cây viết có đầu nhọn “khắc” những chữ Khmer cổ hoặc chữ Pali hằn lên thớ lá, sau đó dùng bột than trộn với dầu lửa cùng một số chất liệu đặc biệt bôi lên rồi lau sạch, chữ sẽ lập tức “nổi” lên. Những chiếc lá này sẽ được đóng lại thành từng xấp, đó chính là các cuốn kinh lá buông mà hơn một trăm năm trước người Khmer Nam Bộ đã nghĩ ra, đã dùng nó để ghi chép lại những lời dạy của đức Phật, kể cả những điều hay lẽ phải, những câu chuyện dân gian. Hằng năm, cứ vào những dịp lễ hội quan trọng ở các chùa Khmer Bảy Núi, như lễ dâng y, lễ cúng trăng, lễ báo hiếu... kinh lá buông lại được đem ra tụng niệm.
|
|
Các vị hòa thượng học viết kinh lá buông ở chùa Soài So. |
Hòa thượng Chau Ty từ tốn bảo, cây buông trước đây mọc nhiều ở vùng Thất Sơn, cao chừng chục thước, bẹ lá dài, gần giống với lá thốt nốt nhưng bền hơn, mối mọt không ăn. Do vậy, các nhà sư Khmer đã dùng lá buông để viết kinh Phật, nhằm lưu giữ những điều thiêng liêng cho thế hệ sau. Sau này, khi bắt đầu xuất hiện việc ghi chép bằng sách vở hiện đại, thì cách chép kinh trên lá buông vẫn được các nhà sư Khmer xem trọng. Nói đến đây, hòa thượng Chau Ty bỗng chậm rãi đứng dậy, đi lấy mấy quyển kinh lá buông hơn một trăm năm tuổi cho chúng tôi xem. Những chiếc lá đã bạc màu với thời gian nhưng vẫn còn bền chắc, đặc biệt chữ vẫn còn hiện rõ mồn một, đen bóng và đẹp đẽ, thẳng tắp như chữ in. Tôi thử cầm lấy một quyển, lòng rộn vui vì trong tay mình đang là báu vật được tạo thành từ hơn một thế kỷ qua. Thầy Sok Kha đọc thử vài dòng trên ấy, rồi thầy tạm dịch là “làm phước dù bằng một trăm tàu bè, ý nghĩ tội lỗi vào thì tan hết phước”. Tôi thấy đó quả thật là lời dạy giản dị mà sâu sắc, khuyên răn con người vừa phải biết làm chuyện phước lành, vừa phải tránh những điều tội lỗi, kể cả trong ý nghĩ. Có lẽ vì những giá trị đó, mà cách đây mấy năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Có điều khiến hòa thượng Chau Ty trăn trở, là kỹ thuật chép kinh trên lá buông vô cùng khó khăn, phức tạp, lại đòi hỏi sự kiên trì và một tâm thế thiền định, nên không phải ai cũng học được. Bản thân nhà sư đã gắn bó bền bỉ với việc chép kinh lá ngót nửa thế kỷ rồi, giờ tới tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn đau đáu nỗi lo không tìm được truyền nhân xứng đáng. Theo chân ông, chúng tôi ra phía sau chùa, nơi có mấy vị sư trẻ đang ngồi tập chép kinh. Hòa thượng Chau Ty nói, từ mấy năm nay ông đã truyền dạy kỹ thuật viết kinh trên lá cho các đệ tử, với hy vọng nó không bị thất truyền, sư sãi một số chùa khác cũng có xin học. Thế nhưng, không biết bao giờ các vị sư trẻ mới có thể hoàn thiện được kỹ thuật khắc kinh trên lá một cách tinh xảo, đó là điều mà hòa thượng Chau Ty ngày đêm băn khoăn.
Tôi quan sát các nhà sư trẻ đang chăm chú ngồi ghi chép với dáng vẻ rất tôn nghiêm, ánh mắt tập trung vào từng nét chữ hiện mờ trên thớ lá, lòng bỗng thấy nhẹ nhàng như đang trong một buổi cầu kinh. Chợt nghĩ có lẽ mấy mươi năm trước, hòa thượng Chau Ty cũng viết lên lá buông những nét chữ đầu tiên của cuộc đời, để rồi miệt mài tận hiến đến hôm nay, để lại cho chúng ta những di sản tinh thần vô giá. Chẳng hiểu sao, tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, các nhà sư trẻ tôi gặp hôm nay sẽ là truyền nhân xứng đáng của hòa thượng Chau Ty mai sau. Và nghệ thuật khắc kinh Phật lên lá buông sẽ mãi trường tồn nơi các chùa Khmer vùng Bảy Núi.
Bài và ảnh: TRƯƠNG CHÍ HÙNG