Khoảng hơn một tháng sau thì tôi có quyết định nhập ngũ. Cùng đi với tôi, cả xã có hơn chục bạn nữa. Ấy là một sáng tháng 4. Hôm ấy, bố đưa tôi đi ra điểm nhận quân bằng chiếc xe đạp cọc cạch của ông. Trước khi lên xe, ông kéo tôi ra một chỗ vắng, giúi thêm vào tay tôi mấy đồng và dặn: "Cố gắng con ạ, thời chiến làng xã người ta đi đầy ra đấy, cố mà học tập, rèn luyện giữ gìn sức khỏe, về đến đơn vị nhớ viết thư về nhà, mẹ mày mong lắm đấy". Không nói được gì, nước mắt chảy dài xuống má, tôi nhảy vội lên chiếc ô tô đã chờ sẵn. Bóng bố tôi xa dần... Tôi hứa thầm với bố: "Bố yên tâm, con sẽ cố gắng, mặc dù con thích được đi học đại học hơn".

2. Anh Lê Khánh Hoài (nhà văn Châu La Việt) là đồng đội cùng binh trạm với tôi. Vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt. Bạn bè tôi nhiều đứa đã khoác ba lô lên đường vào tuyến lửa. Giống như tôi, Hoài cũng sốt ruột chờ giấy báo đại học. Và cuộc đời anh, lại rẽ vào quân ngũ giống như tôi. Sau đợt huấn luyện, anh được bổ sung vào một đơn vị pháo cao xạ 37 ly của Binh trạm 13 làm nhiệm vụ trên Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Như cây măng giữa bụi tre, anh lớn lên trong tình yêu thương của đồng đội. Không còn là một anh chàng thư sinh người Hà Nội nữa, anh chững chạc ở vị trí pháo thủ số 2. Thương anh, đơn vị phân công anh làm công tác "ngoại giao", ra trạm giao liên xin thuốc lào cho khẩu đội. Chiều hôm ấy, địch đánh phá ác liệt vào trận địa. Như có linh tính, cầm gói thuốc lào trên tay, trở về trận địa, anh vừa đi, vừa chạy anh gọi tên từng người không thấy ai trả lời. Đến nơi, trước mắt anh, khẩu đội chỉ còn là một hố bom sâu hoắm, cháy sém. Cả khẩu đội không còn ai, gói thuốc rơi khỏi tay. Anh quỳ xuống, mười đầu ngón tay sấn sâu vào lòng đất rớm máu bới tìm đồng đội. Đêm ấy, anh không ngủ. Lần đầu tiên trong đời anh chứng kiến cái chết, lại là cái chết của đồng đội, còn lại một mình, anh không thấy sợ. Anh thấy tim mình như thắt lại. Anh ngồi lặng yên chờ trời sáng. Một cuộc chiến đấu mới lại tới…

leftcenterrightdel
Nhà văn Châu La Việt (giữa) thăm lại chiến trường xưa

3. Chiều 21-5-2019, khoảng 3 giờ, chiếc xe đưa chúng tôi từ Tuyên Quang và Phú Thọ dừng bánh trước Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội. Chúng tôi lục tục kéo đồ, chuẩn bị nhận phòng. Một người trung tuổi, đậm đà, phong thái nhanh nhẹn đứng quan sát chúng tôi, rồi anh lao ra ôm chầm lấy Lập bạn tôi: "Lập hả? ". Anh hét to rồi chỉ sang tôi: "Ngôn phải không?". Ti gật đầu: "Vâng ạ" ! Anh chưa gặp tôi nhưng người đi cùng với Lập chỉ có thể là tôi, vì tôi và Lập thân nhau, đã nhiều lần Lập nói chuyện với anh về tôi. "Anh Hoài"!. Chúng tôi hét lên, rồi ôm lấy nhau. Những cái bắt tay, những cái đấm lưng thùm thụp, đủ mọi thứ chuyện rồi anh rút từ cặp ra một chùm chìa khóa và hai gói giấy to tướng, nhét vào tay chúng tôi: "Đây là chìa khóa phòng, đây là sách tao tặng chúng mày, còn đây là phong bì chúng mày cầm lấy về mua quà cho vợ và lũ trẻ con ở nhà. Tiền tao bán sách đấy". Chúng tôi cầm cuốn sách "Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ" và chiếc phong bì mà thấy lửa cháy trong lòng mình, ngọn lửa của tình đồng đội, đồng chí, ngọn lửa mà những năm tháng ở chiến trường đã kết chúng tôi lại với nhau...

Khi hai đứa chúng tôi còn đang tần ngần, mặt nghệt ra, thì anh lại oang oang: "Tao biết chúng mày thằng nào cũng có tiền, nhưng đây là tiền của tao, tao bán sách, sách này viết ra được là nhờ chúng mày, nhờ những năm tháng ở chiến trường".

Chúng tôi cầm chiếc phong bì và cuốn sách mà thấy lòng mình rưng rưng, thầm cảm ơn anh, cảm ơn những điều anh đã làm cho chúng tôi...

4. Rồi sáng hôm sau, xe chở đoàn cựu chiến binh chúng tôi rời Nhà khách Chính phủ xuôi Quốc lộ 1 hướng về phía Nam, vào đến Nghệ An, ngược Đường 7 đưa chúng tôi lên Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, nơi đây 50 năm trước, những năm 70 đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất và dai dẳng nhất trên chiến trường nước bạn mà sử sách ghi được.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách "Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ"

Suốt chặng đường dài ùa về trong tôi bao nhiêu kỷ niệm: Kỷ niệm về những người đã ngã xuống, kỷ niệm về những người trở về trên mình đầy thương tích, và kỷ niệm về những người trong chuyến đi này. Ấy là người ngồi ngay trước mặt tôi: Lê Khánh Hoài tức nhà văn Châu La Việt. Anh khỏe hơn nhiều người, anh đi nhiều, viết nhiều, càng viết càng khỏe, khỏe nhất là mảng anh viết về người lính. Có lẽ anh không ngờ rằng sau lưng anh có một người lính đã đọc gần như hết các tác phẩm của anh, ấy là tôi. Tôi đã tìm thấy tôi trong các tác phẩm của anh, thấy cái cảm giác chờ đợi tờ giấy báo đại học rồi bất ngờ nhận được lệnh nhập ngũ, tôi buồn nhưng không thất vọng. Tôi buồn vì không được đi theo con đường mình mơ ước (tôi mơ theo ngành ngoại giao nhưng thế hệ tôi, gần như không ai có quyền tự chọn, chúng tôi hiểu điều đó vì đất nước chưa hoàn toàn độc lập, thống nhất). Thế là tôi nhập ngũ và đã đi trọn con đường ấy trong lửa đạn.

5. Nhận được tập sách của nhà văn Châu La Việt gửi tặng mấy ngày nay, tôi đọc miết. "Lửa sáng phía chân trời" lại âm ỉ rồi bùng cháy trong tôi. Nhớ rừng, nhớ bạn, nhớ những đêm dài đi tua trên đường dây phục vụ chiến dịch. Nhớ những trận B-52 ác liệt, những trận tiễu phỉ bảo vệ đường dây, nhớ có đêm 10 xe vào mặt trận mà gần sáng quay về không còn một chiếc nào. 19 người lính lầm lũi khiêng một chiếc võng tử sĩ trở về, mắt họ vằn lên lửa căm thù. Nhớ thằng bạn đồng hương rơi vào ổ phục kích của địch hy sinh ngay tại chỗ. Nhớ cơn sốt rét rung giường, nhớ cả tiếng cười của các cô dân công hỏa tuyến, nhớ cả những người không quen biết... Thật là "Bỗng dưng lại nhớ người không nhớ mình".

Tôi biết anh Châu La Việt ngay từ những ngày đầu tiên truyện ngắn "Dưới tầng cây săng lẻ" được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng trước đó, tôi đã biết anh với vai trò là nhà báo của tờ báo "Đường phía trước" cùng với Ngô Quốc Lập-bạn tôi, một tờ báo nội bộ nhằm động viên cán bộ chiến sĩ của đơn vị, thi đua công tác và chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ những chuyện anh viết về đề tài người lính binh trạm sau này cũng được ấp ủ, hoài thai từ ngày ấy. Suốt một chặng đường 50 năm, anh đi nhiều, viết nhiều, đề tài xuyên suốt các tác phẩm của anh là người lính. Trong các tác phẩm ấy, mỗi con người, mỗi số phận, mỗi trận đánh đều gắn liền với những thăng trầm của lịch sử, của đất nước. Anh có mặt ở khắp nơi, làm bất cứ việc gì đơn vị giao. Có những lúc, tôi lại thấy một Châu La Việt khác. Một Châu La Việt đằm thắm yêu thương, sâu nặng nghĩa tình với những người thân yêu, với bạn bè đồng chí đồng nghiệp. Tôi quặn lòng khi anh nói về mẹ-nghệ sĩ Tân Nhân, người thiếu phụ ở tuổi đầu đời tay bế đứa trẻ đang ngậm bầu vú khô quắt, khóc ngặt nghẽo, nghe tiếng ru nức nở đến thắt lòng nhưng lại đầy hy vọng: "Cha con về, cha con về, con nắm tay cha". Lòng tôi chùng xuống, lắng lại, khi nhìn thấy những người ở phía bên này hay bên kia đều có chung một Tổ quốc, nhưng lại bị ngăn cách bởi dòng sông giới tuyến. Ai đó chiều nay "bên bờ Hiền Lương ra đứng trông về". Ai đó, đứng bên này giới tuyến, nhìn cây dương bên kia sông mà lòng thương nhớ khôn nguôi. Anh đã lớn lên trong nỗi niềm thương nhớ ấy, lớn lên trong vòng tay của mẹ, của bà… Thế đấy, một Châu La Việt mà tôi biết là thế đấy. Một người lính Châu La Việt mà khi trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, đã được thủ trưởng cấp trên nhận xét: "Lính của tôi là phải dũng cảm, không dũng cảm không phải lính của tôi".

6. Đêm biên giới. Đêm tháng 5, chúng tôi nghỉ lại ở một bản sát biên giới Việt-Lào. Trưởng đoàn thông báo: Tối nay sẽ xuống bản tham gia du lịch cộng đồng. Mọi người vỗ tay rào rào tán thưởng. Bản nằm cạnh một con suối nên cả đoàn phải đi qua một chiếc cầu treo lơ lửng trên không như đi trên cầu vồng. Đường vào bản sạch sẽ. Những luống hoa hai bên đường được cắt tỉa gọn gàng, những ngôi nhà sàn xinh xắn nép mình dưới tán những cây xoài cổ thụ trĩu quả. Đón chúng tôi là một người đàn ông cao tuổi cùng hơn chục cô gái trong trang phục dân tộc, các cô gái sơn cước trắng nõn nà, tóc búi cao, áo trắng bó sát người, thắt lưng xanh, vòng tay, vòng cổ bằng bạc sáng loáng, đi lại nhẹ như gió thoảng. Treo dưới sàn nhà là một dàn chiêng đủ loại, những hũ rượu cần xếp thành hàng dài ngay ngắn. Chiều xuống dần, hoàng hôn tím cả núi rừng, tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió ngàn xôn xao, mùi hương của rừng, của núi, mùi hương từ nước gội đầu của các cô gái, thoang thoảng như đưa chúng tôi vào chốn mơ.

Rồi thì chương trình mọi người chờ đợi cũng đã đến, tiếng chiêng lớn chiêng nhỏ ngân lên, mọi người ùa xuống sân. Sân diễn là một bãi đất trống ngay ở đầu nhà. Lửa cháy rừng rực, vòng xòe nới rộng, khách và chủ nắm tay nhau lướt đi trong men say. Những ánh mắt lúng liếng, những khuôn ngực phập phồng sau làn áo mỏng... Rượu cần được mang ra, tôi rời vòng xòe vít lấy cái cần cong cong rít một hơi dài từng dòng rượu qua chiếc cần ngấm vào tôi tan chảy trong máu. Một thoáng lâng lâng mơ hồ, tôi thấy mình trôi đi, trôi đi... Tôi gặp lại bạn bè tôi, cả những thằng đã mất, cả thằng bạn hồi chiều tôi đã thắp cho nó nén nhang ở Nghĩa trang Liệt sĩ Việt-Lào. Tôi nói với nó nhất định có ngày chúng tao sẽ đem mày về quê... Tôi bảo: "Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ".

Nguyễn Tiến Ngôn