Thế nhưng, không biết có phải vì những ca khúc này quá thành công, trở thành "cái bóng" quá lớn, mà sau đó khó có ca khúc nào viết về các địa phương vượt qua được

Dấu ấn địa phương qua các ca khúc

Ngoại trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là cảm hứng, đề tài sáng tác cho nhiều nghệ sĩ nói chung, nhạc sĩ nói riêng từ xưa đến nay thì khi nhắc đến tỉnh Quảng Bình, người ta nhớ đến Quảng Bình quê ta ơi; Hà Tĩnh với Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh; hay Thái Bình có Nắng ấm quê hương ... Những ca khúc ấy được người dân địa phương tự hào mỗi khi nhắc tới và coi đó là “tỉnh ca” của quê hương mình. Nhiều bài hát còn được đặt làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Có thể nói, những ca khúc ấy, dù mang dấu ấn riêng của địa phương nhưng lại trở nên thân thuộc, yêu mến với rất nhiều người hát, người nghe.

Trở lại những năm 60, 70 của thế kỷ trước, rất nhiều nhạc phẩm viết về các địa phương ra đời và trở nên nổi tiếng trong cả nước.

leftcenterrightdel
Bài hát "Quảng Bình quê ta ơi!" trong VCD tuyển tập ca khúc cách mạng được nhiều người yêu thích. 
Năm 1964, Quảng Bình quê ta ơi được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác trong thời điểm máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc nước ta trên quy mô lớn. Ông đã tận mắt chứng kiến không khí chiến đấu và lao động lạc quan, yêu đời của người dân Quảng Bình, cảm xúc dâng trào, người nhạc sĩ tài ba đã viết nên bài hát ấy.

Cùng ra đời trong giai đoạn này, Hà Tây quê lụa được nhạc sĩ Nhật Lai sáng tác năm 1965. Mặc dù ông là người con miền Trung nhưng với tài năng, trải nghiệm, vốn sống của mình cùng với thực tế những cánh đồng lúa bị bom đạn cày phá, Nhật Lai đã sáng tác ca khúc với ca từ sâu sắc, giai điệu mềm mại, êm ái như lụa. Tỉnh Hà Tây (cũ) nay đã sáp nhập về Hà Nội nhưng Hà Tây quê lụa vẫn có dấu ấn khó quên với bất cứ ai đã từng được nghe. Nắng ấm quê hương của nhạc sĩ Vĩnh An viết về quê lúa Thái Bình, Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng là những bài hát được đông đảo người nghe yêu mến.

Khó vượt qua "cái bóng" quá lớn

Thực tế, bản thân những tác giả như Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý… đều là những nhạc sĩ tài năng, có đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Không chỉ những ca khúc viết về các địa phương mà những tác phẩm khác của các ông cũng đều có giá trị lớn, sống cùng năm tháng.

Các tác phẩm như Quảng Bình quê ta ơiHà Tây quê lụa hay sau này là Nắng ấm quê hương, ca từ không chỉ dễ nghe, ý nghĩa mà chất liệu của âm nhạc cũng dễ hát, gần gũi với tất cả mọi người. Hơn nữa, trong những hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử ra đời của các tác phẩm ấy, trong cái riêng, đặc trưng của mỗi tỉnh, mỗi địa phương, vùng miền, ấy là tư tưởng chung của cả dân tộc.

Trong Hà Tây quê lụa, ca từ của bài hát không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của quê lụa mà còn mang tinh thần của cả dân tộc Việt Nam lúc đó là “Áo giáp chở che ngàn năm bền vững/ Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời” để “Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên”. Hay trong Quảng Bình quê ta ơi, “Giữ lấy đất trời của quê hương ta/ Giữ lấy những gì mà ta yêu quý”, “Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà” không chỉ là tâm tình, ý chí của người Quảng Bình mà là của cả dân tộc trong cảnh bị xâm lược, chia cắt. Không khí hăng say lao động, sản xuất trong Nắng ấm quê hương không chỉ có ở Thái Bình mà đó là không khí chung của cả nước sau khi thống nhất, xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Cũng chính bởi trong giai đoạn ra đời của các tác phẩm trên, bằng tài năng, trải nghiệm, xúc cảm của mình, người nhạc sĩ đã phản ánh cái riêng của từng địa phương nhưng mang trong đó tư tưởng chung của cả dân tộc, đất nước và trong cái chung ấy, mỗi cá nhân đều thấy có mình trong đó.

Nhiều nhà nghiên cứu, sáng tác âm nhạc bày tỏ, hiện nay, để có được những “địa phương ca” hay như trước là rất khó. Một phần, do các nhạc sĩ bây giờ “lười” đi vào các chủ đề, lĩnh vực sáng tác mang tính địa phương, vùng miền. Một phần, thẩm mỹ âm nhạc hiện nay đã có nhiều thay đổi, sở thích cá nhân đa dạng hơn. Âm nhạc Việt Nam hiện như một dòng sông chia ra các nhánh nhỏ, dòng chảy khác nhau với nhiều thể loại, phong cách, chủ đề và phân loại khán giả. Cả nghệ sĩ và người nghe đều có nhiều lựa chọn hơn. Các nhạc sĩ có lẽ cũng vì vậy mà “ngại”, ít hứng thú với việc sáng tác về các địa phương. Một phần vì các ca khúc được coi là “địa phương ca” vốn đã rất hay, thành công, gây dấu ấn sâu đậm với người nghe nên khó để tìm ra được tứ mới cho sáng tác để qua được cái bóng to lớn đã có. Hơn nữa, sáng tác được bài hát khiến người trong tỉnh thích, nghe đã khó, vượt qua được phạm vi địa phương càng khó hơn. Khó có đông người nghe, người hát cũng ngại thể hiện. Bởi vậy, nhiều nhạc sĩ cũng đi thực tế để sáng tác bài hát cho địa phương nhưng thường là theo đặt hàng của địa phương đó. Những năm gần đây, nhiều địa phương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác các ca khúc về tỉnh, huyện mình. Số lượng tác phẩm gửi đến cũng không ít, thậm chí hàng trăm nhưng kể cả tác phẩm đoạt giải cũng thường chỉ được biểu diễn vào những dịp kỷ niệm, hoạt động của địa phương nên không mấy người trong tỉnh biết đến, có biết cũng không gây được ấn tượng.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh (Phó chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam), thực tế hiện nay có nhiều người sáng tác trẻ lười sáng tạo, ít vốn sống, không có cảm xúc, thậm chí có quan điểm sáng tác lệch chuẩn. Tất nhiên, trong nghệ thuật, khó có một chuẩn mực chính xác, cụ thể nhưng đó phải là những điều nhiều người hướng đến, công nhận. Khi người nhạc sĩ có tài, có tâm, có cảm xúc sẽ sáng tạo ra những tác phẩm hay, thuyết phục được nhiều người nghe.

“Có thể nói, âm nhạc Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ, đó là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Khi xã hội phát triển ổn định, tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ được nâng cao hơn, những dòng chảy âm nhạc cũng sẽ định hình rõ ràng hơn. Khi cả người sáng tác và người nghe cùng thấy trong cái riêng cụ thể có cái chung dân tộc, trong cái chung tập thể có cái riêng cá nhân. Khi đó, hy vọng sẽ có những “địa phương ca” hay “ngành ca” vượt qua khỏi ranh giới không gian để sống cùng thời gian.”-Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh bày tỏ.

THU HÒA