QĐND - Thơ Nga có cách thức đi vào lòng người đọc Việt Nam và có sức lan tỏa rộng rãi mà hiếm nền thơ nước ngoài nào có thể sánh được trong suốt mấy chục năm qua. Có một bộ phận lớn trong giới trí thức Việt Nam đã từng được đào tạo và trưởng thành ở Liên bang Xô -viết. Đối với họ, tiếng Nga đã trở thành một ngôn ngữ ruột thịt chỉ sau tiếng mẹ đẻ. Những bài thơ, những ca khúc Nga đã in sâu trong tiềm thức nhiều người Việt Nam. Những câu thơ tình đắm say, da diết của Olga Bergolts đã trở thành quà tặng một thời cho các đôi lứa yêu nhau. Công việc dịch thuật, giới thiệu thơ ca Nga và thơ ca Xô -viết đã đạt được những kết quả nhất định. Một số nhà thơ Nga tiêu biểu như: Pushkin, Maiakovsky, Exenhin, Blok, Tiutchev, Onga Bergolts, Eptusenko… được nghiên cứu, tìm hiểu khá kỹ và đã trở thành những cái tên quen thuộc đối với công chúng. Các giáo trình văn học Nga, văn học Xô -viết... cũng đã dành những chương mục nhất định cho thơ ca.

Dịch giả Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ -quảng bá văn học Việt -Nga (Hội Nhà văn Việt Nam) giới thiệu một ấn phẩm mới của quỹ.

Dẫu vậy, với tư cách là một nền thơ nước ngoài có vị trí quan trọng trong văn học thế giới, có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người đọc Việt Nam, lịch sử thơ ca Nga còn chưa được giới thiệu một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống ở Việt Nam. Chuyên luận Thơ ca Nga từ khởi thủy đến hiện đại của tác giả Trần Thị Phương Phương là một bổ sung cần thiết cho sự thiếu hụt đó.

Một tiến trình vận hành...

Trước hết, ở công trình này, thơ ca Nga được nhìn nhận như một tiến trình, là sự vận hành và phát triển qua các thời kỳ từ trung đại, cận đại đến hiện đại; là quá trình xuất hiện và thay thế lẫn nhau của các loại hình tư duy nghệ thuật từ chủ nghĩa cổ điển, qua chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và các khuynh hướng hiện đại khác. Đó cũng là sự phát triển từ thơ ca truyền miệng đến thơ ca thành văn, từ những hình thức nguyên hợp (thơ gắn với nghi lễ, với âm nhạc) đến khi trở thành hình thức nghệ thuật ngôn từ đặc biệt tuân thủ theo những hệ thống thi luật chặt chẽ. Tiến trình đó bao gồm tất cả những gì đã được sáng tác và lưu giữ.

Có thể tìm thấy ở đây nhiều điểm tương đồng khi nghiên cứu tiến trình thơ Việt Nam. Cũng trên tinh thần đó, thơ ca Nga đã được nhìn nhận như tập hợp của các giá trị: Các khuynh hướng, các trào lưu, các thể loại, các tác gia tác phẩm… trong tiến trình phát triển chung. Nhìn chung, người viết đã trình bày một cách khái quát nhưng tương đối đầy đủ, với một kết cấu chặt chẽ, sáng rõ theo thời gian tuyến tính, giúp cho người đọc nắm được tiến trình thơ ca Nga từ những bước đi đầu tiên đến thơ ca hậu Xô -viết thời kỳ đương đại. Tiến trình thơ ca Nga đã trải qua một chặng đường khoảng 8 thế kỷ phát triển trong chiều dài lịch sử.

Và những “cột mốc” lịch sử văn học

1.  Bàn về Cội nguồn thơ ca Nga, chuyên luận đã tập trung vào 4 vấn đề là: Các sử thi thành văn thời trung đại; các sử thi dân gian; thơ trữ tình dân gian và thơ ca tín ngưỡng. Một cội nguồn quan trọng của thơ ca Nga là những bài hát dân gian. Nghệ thuật thơ ca dân gian Nga rất đa dạng và phong phú. Không có một hệ thống thi luật thống nhất nào đối với thơ ca dân gian Nga. Bên cạnh việc khái quát để có một cái nhìn tổng thể, tác giả chuyên luận đã tập trung khá kỹ vào những điểm nhấn quan trọng, ví dụ như thiên sử thi Bài ca về đạo quân Igo, một tác phẩm vĩ đại nhất của văn học trung đại Nga. ở tác phẩm này, từ những vấn đề về văn bản đến sự độc đáo về thể loại, từ ngôn ngữ Nga cổ thuần túy đến những mối liên quan với truyền thống thơ ca truyền khẩu… đã được trình bày và diễn giải một cách thấu đáo. Nền thơ Nga với những đại biểu ưu tú đã đi lên từ một bệ đỡ vô cùng chắc chắn. Đó là nguồn gốc thơ ca dân gian đặc sắc.

2.  Từ thế kỷ XVII-XVIII, thơ ca Nga bước vào cuộc hội nhập với châu âu. Thời đại của chủ nghĩa duy lý đã làm thay đổi tư duy thơ: Từ ca hát tự do, giờ đây thơ ca đã bước sang giai đoạn của chủ nghĩa cổ điển với đặc trưng coi trọng sự chuẩn mực. Đến thời kỳ này đã có một trường phái thơ Nga được thừa nhận và có thể coi là sự khởi đầu của thơ ca Nga. Giờ đây không còn là sự “hát ca” ngẫu hứng mà là “làm thơ” với ý thức về cấu trúc ngôn ngữ, đặc biệt trên phương diện ngữ âm và việc thể hiện nó bằng văn bản. Cùng với ý thức phân biệt thơ với văn xuôi và nhận thức vai trò của nhịp điệu và vần điệu, người Nga đã có ý thức về việc làm thơ như một công việc có trật tự, có quy luật riêng. Trên cơ sở đó, thi luật Nga đã xuất hiện từ thế kỷ XVII và được phát triển dưới ảnh hưởng của các hình mẫu phương Tây.

Đoàn đại biểu Hội  Nhà văn Nga thăm Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm 2012.

3. Thơ ca Nga thế kỷ XIX là “thời đại vàng” của văn học Nga nói chung và của thơ ca Nga nói riêng. Đây là thời đại đỉnh cao của thơ ca Nga, mà đỉnh trong đỉnh đó là Pushkin, người đã được tôn vinh bằng những danh xưng rất đỗi tự hào: “Mặt trời thi ca Nga”, “cha đẻ của nền văn học mới”, “khởi đầu của mọi sự khởi đầu”… Bản thân Pushkin khi tổng kết sự nghiệp thơ ca của mình cũng đã viết: Danh tiếng tôi sẽ ở với thế nhân / Dẫu trần gian thi nhân còn chỉ một… Bởi lẽ đó nên “thời đại vàng” của thơ ca Nga cũng còn được gọi là “thời đại Pushkin”. ông có ảnh hưởng to lớn đối với toàn bộ nền thơ ca Nga sau đó.

“Thời đại hậu Pushkin” trong thơ ca Nga thế kỷ XIX là một khái niệm thường được dùng để chỉ sáng tác của các nhà thơ xuất hiện sau Pushkin, kế thừa những thành tựu của Pushkin, nhưng cũng đồng thời thể hiện những khuynh hướng mới mẻ khác với Pushkin và các nhà thơ của “Pushkin tao đàn”. Họ tiếp tục chiếm lĩnh ngôn ngữ Nga, làm nó trở nên sinh động tươi mới, khao khát chinh phục mọi lĩnh vực của đời sống nước Nga. Tác giả quan trọng nhất mở đầu cho thời đại thơ ca hậu Pushkin, người được coi là “Pushkin thứ hai” là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà tiểu thuyết M.Yu.Lermontov. Thơ Lermontov gần gũi với Pushkin ở sự tập trung cao độ vào thế giới nội tâm của con người cá nhân, nhìn con người một cách toàn diện trong mối quan hệ với lịch sử, với xã hội, với tự nhiên, với vũ trụ. Và một điều quan trọng nữa đã gắn kết hai người, đó là việc họ đã tạo ra những kiệt tác thơ tình trong kho tàng thơ ca Nga và thế giới.

4.  Thế kỷ XX tiếp tục những thành tựu của thế kỷ XIX, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử thơ ca Nga. Dòng chảy của nó là một sự tiếp nối liên tục, không ngừng nghỉ. ở chương này, tác giả đã đi vào tìm hiểu tiến trình thơ ca Nga ở 3 thời kỳ: Thơ ca “thời đại bạc”, thơ ca Xô -viết và thơ ca hậu Xô -viết. Những đặc trưng nghệ thuật và thành tựu của thơ ca các thời kỳ này đã được trình bày tương đối rõ, với những kiến giải xác đáng.

 “Thời đại bạc” đã tạo ra những bước đột phá về nội dung cũng như những cách tân táo bạo về hình thức. Nhà thơ Nga đầu tiên thực sự mang tinh thần chủ nghĩa tượng trưng là K.D.Balmont. Nhà thơ lớn nhất trong phong trào này là A.Blok. Tiêu biểu cho phái đỉnh cao là 3 nhà thơ tài năng Gumilyov, Mandelshtam và Akhmatova. Khởi đầu từ phong trào vị lai, Mayakovsky trở thành một trong những nhà thơ lớn thế kỷ XX, thơ ca của ông là biên niên sử của nước Nga thời đại Cách mạng Tháng Mười và những thập niên đầu tiên của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Thơ ca Xô -viết được tìm hiểu ở 3 khía cạnh: Thơ ca chiến tranh vệ quốc, thơ ca “tạp hí”, thơ ca “thổ nhưỡng” hay thơ ca “làng quê”. Trong đó phần Thơ ca chiến tranh vệ quốc được khắc họa đậm nét nhất với những tên tuổi chói sáng như M.V. Isakovsky; K.M.Simonov; A.T.Tvardovsky… Đặc biệt là Olga Bergolts, tác giả của câu thơ đã trở thành danh ngôn “Không ai có thể bị quên, không điều gì có thể bị quên lãng” được khắc trên bia nghĩa trang liệt sĩ Piskarevsky ở Leningrad (St.Petersburg) và nhiều đài tưởng niệm chiến tranh vệ quốc khác ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Bà là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca chiến tranh vệ quốc.

Sáng tác thơ ca Nga qua các thời đại chính là ký ức lịch sử văn hóa, lịch sử xã hội và lịch sử tâm hồn của dân tộc Nga. Cuốn sách không chỉ cung cấp cho chúng ta những tri thức về một nền thơ lớn trên thế giới mà còn đem lại một cái nhìn đối sánh khi tìm hiểu tiến trình thơ ca Việt Nam. Đó cũng là một hướng đi cần thiết trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa hiện nay.

PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ