“Mùa hoa sữa” (tác giả: Nguyễn Anh Biên; đạo diễn: PGS, TS Phan Trọng Thành) là tác phẩm được Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng để tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp Thủ đô lần thứ 3 (2018). Nội dung vở kịch xoay quanh cuộc chiến của những người con trong một gia đình giữa một bên muốn bán đi ngôi nhà tổ để chia tiền và một bên muốn giữ lại ngôi nhà với những giá trị văn hóa, truyền thống của cha ông. Sau những mưu mô tranh đoạt, sự biến chất của số ít người ham vật chất, chạy theo đồng tiền thì điều cuối cùng còn lại trong cuộc sống luôn là những giá trị nhân văn, những điều tốt đẹp.

Nguyễn Phúc là dòng họ khoa bảng ở một làng ven đô Hà Nội, nổi tiếng nhiều đời có người học tài, đỗ đạt cao. Ngôi nhà thờ tổ đã hàng trăm năm tuổi của dòng họ được gìn giữ qua nhiều thế hệ, nay con cháu đang làm hồ sơ xin Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa. Thế nhưng, khi quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt, các khu đô thị dần mọc lên dày đặc thì vị trí ngôi nhà thờ tổ rộng hơn 500m2 bỗng trở thành mảnh đất vàng đắt giá. Cũng từ đây, cuộc chiến của những người con dòng họ Nguyễn Phúc bắt đầu…

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở kịch "Mùa hoa sữa"

Thước (NSƯT Lê Minh Tuấn thủ vai) là con trai cả dòng họ Nguyễn Phúc, vốn theo nghiệp kinh doanh. Anh cùng vợ con sống ở Sài Gòn nhiều năm nay. Kể từ khi bố mất, 15 năm nay, Thước chưa từng về giỗ bố một lần. Nay bỗng nhiên anh về quê đòi bán nhà thờ tổ để chia tiền. Khang (nghệ sĩ Hồ Uy Linh thủ vai)-con trai thứ, là một nhà giáo, tiến sĩ toán học hiền lành, mẫu mực. Khang không lấy vợ, sau khi người em trai mất sớm, anh thay em trai chăm sóc đứa cháu mồ côi bố là Khoa (Dương Khánh thủ vai). Không phụ sự chăm lo của người bác và phát huy truyền thống gia đình, Khoa trở thành một thanh niên học giỏi, có nhiều thành tích và chuẩn bị được đi du học. Trái lại với Khoa, Trường (Nhật Linh thủ vai) là con trai Thước lại là thanh niên ăn chơi, ham tiền.

Khi tìm được người mua mảnh đất nhà thờ tổ với giá hơn 3.800 cây vàng, vợ chồng Thước đã tìm đủ mọi cách thuyết phục các em đồng ý ký giấy bán nhà, đất để chia nhau tiền với lý lẽ: Mỗi người sẽ có khoản tiền làm ăn, để dành, còn việc thờ cúng tổ tiên là ở tâm mỗi người, không quan trọng. Thế nhưng, mọi chuyện không được như kế hoạch khi Thước không nhận được sự đồng ý của các em. Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, Thước đưa ra một bản di chúc giả và nói là được cha đưa cho trước khi lâm chung với nội dung: Sau khi cha mất, Thước với tư cách con trai cả có quyền huynh thế phụ, được toàn quyền quyết định về mảnh đất nhà thờ tổ.

Trong cuộc họp gia đình, Ngân (Thu Ngà thủ vai)-là con gái một chiến sĩ phòng không-không quân hy sinh khi bảo vệ bầu trời Hà Nội được dòng họ Nguyễn Phúc nhận làm con nuôi-đã vạch trần sự dối trái, lừa lọc của người anh cả. Sự thực là trước khi cha nhắm mắt, cô cũng có mặt và đã chứng kiến việc Thước ép cha ký vào bản di chúc do anh ta tự soạn nhưng cha không đồng ý. Khi đó, cha đã nhìn Ngân như muốn nói điều gì rồi đưa ánh mắt xuống chiếc gối. Bằng linh cảm của mình, sau đó Ngân đã lấy được từ dưới chiếc gối bản di chúc của cha để lại. Vợ chồng Thước vẫn ngoan cố với âm mưu của mình cùng lý lẽ, Ngân là con nuôi không được tham dự vào việc gia đình. Phải cho đến khi Ngân đưa ra bản di chúc thật, vợ chồng Thước mới ngã ngửa, hết hy vọng. Cũng đúng lúc này, học trò của ông giáo Khang đến cùng thông báo của UBND thành phố về việc ngôi nhà thờ của dòng họ Nguyễn Phúc có truyền thống khoa bảng được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa.

Qua câu chuyện của dòng họ Nguyễn Phúc, những nét đẹp của người Hà Nội, của những giá trị văn hóa Hà Nội nghìn năm văn hiến được thể hiện đầy tinh tế, nhẹ nhàng. Vở kịch cũng làm nổi lên hai kiểu người trong xã hội hiện nay: Những người tham lam, ích kỷ chạy theo đồng tiền coi thường tình thân, cội nguồn, bất chấp đạo lý luân thường, pháp luật; và những người coi trọng tình thân gia đình, tôn trọng, gìn giữ và kiên quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ những giá trị truyền thống, bảo vệ lẽ phải. Thông điệp mà vở kịch “Mùa hoa sữa” gửi gắm chính là niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và chỉ cần mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ cùng đồng lòng để giữ gìn những điều thuộc về gia đình, tình thân, những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, dân tộc thì dù cuộc sống có bao đổi thay trong vòng xoáy cơ chế thị trường, giá trị tốt đẹp ấy sẽ không bao giờ mất đi.

Ngoài nội dung xuyên suốt xung quanh cuộc đấu tranh của những người con dòng họ Nguyễn Phúc để giữ lại nhà thờ tổ, “Mùa hoa sữa” còn khiến người xem xúc động, thương tiếc trước tình cảnh éo le và sự hy sinh tình cảm riêng tư của các nhân vật. Em trai mất sớm, Khang đã thay em nuôi con để tạo điều kiện cho em dâu là Trinh (Hoàng Xuân Thu thủ vai) tái giá tìm hạnh phúc mới. Thời gian trôi đi, Trinh nhận ra mình yêu thầm anh chồng và mặc dù đã cố gắng tìm hạnh phúc mới nhưng cuối cùng cô vẫn quyết định quay lại gia đình Nguyễn Phúc, chấp nhận tình yêu đơn phương với Khang. Về phía Khang cũng có tình cảm với Trinh nhưng anh không dám bước qua dư luận xã hội, không thể vượt qua tình anh em để đến với tình yêu…

Mang đậm hơi thở cuộc sống hiện thực là yếu tố khiến người xem như được sống trong diễn biến câu chuyện của “Mùa hoa sữa”. Cùng với dàn diễn viên gạo cội, tài năng được đánh giá rất hợp vai diễn, “Mùa hoa sữa” đã đưa người xem đến với từng cung bậc cảm xúc cùng các nhân vật, từ bất ngờ, ngỡ ngàng đến phẫn nộ rồi vui mừng, mãn nguyện; những đấu tranh giằng xé kìm nén trong lòng khi không thể nói ra; nỗi thất vọng, buồn đau trước sự lừa lọc, tham lam của người thân ruột thịt…

Chủ đề ý nghĩa với những giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của “Mùa hoa sữa” hứa hẹn sẽ là vở diễn thành công của Nhà hát Kịch nói Quân đội tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp Thủ đô tới đây.

DƯƠNG THU