QĐND - Chị bảo, tìm khắp miền Bắc này, chả ngô đâu ngon như ngô bãi giữa. Ngô bãi giữa đã thành đặc sản từ lâu rồi. Vì thế mà cái gánh ngô nhỏ của chị gánh được cả gia đình 3 đứa con nheo nhóc và ông chồng oặt ẹo bao năm qua.
Câu chuyện bên bếp than hồng giữa đêm đông Hà Nội, giữa cơn gió Bắc thổi vun vút bên tai, tưởng chừng như bất tận. Chị Nhàn vừa dở bắp ngô, vừa kể về cuộc đời chị. Sinh ra ở Văn Giang, Hưng Yên, cái chất đất phù sa đã nuôi chị lớn. Rồi chị lấy chồng, đẻ liền tù tì 3 đứa con. Cuộc đời một người phụ nữ nông dân chăm chỉ cày cuốc có lẽ sẽ yên bình sau con đê sông Hồng. Thế nhưng, một ngày nọ, người ta khiêng chồng chị về vứt ở cửa nhà. Người chồng chị mềm nhũn, be bét máu. Hốt hoảng, chị đưa đi cấp cứu. May mà sống, nhưng từ đó sức khỏe chẳng còn như xưa. Anh ốm triền miên. Chán đời, lại tìm đến chai rượu. Sau này, chị mới biết, anh đi đánh bạc, thua nhiều lần, nợ chồng chất không trả được, mới bị người ta đánh dằn mặt.
Không cáng đáng nổi gia đình tới 5 miệng ăn, chị Nhàn quyết chí ra Hà Nội kiếm đường mưu sinh. Hồi đầu, chị gánh thuê ở chợ đầu mối Long Biên. Vất vả mà cũng không ăn thua. Nghe người ta mách, chị ra bãi giữa sông Hồng cắm cái lều tranh, trồng rau cỏ bán cho dân nội thành Hà Nội. May phúc cho chị, hồi đó bãi giữa còn mênh mông, chưa mấy ai tranh giành.
 |
Ngô bãi giữa - một đặc sản của đất Hà thành
|
Thấy người ta trồng ngô, chị Nhàn cũng xin giống để tra hạt. Đất bãi sông Hồng đỏ nặng phù sa nên cứ trồng cây gì là tốt tươi cây ấy. Khi cây ngô lên đủ lá, cao hơn mặt đất vài chục phân, chỉ cần bón thêm phân đạm kali, cứ thế ngô vươn lên rồi đơm bắp. Cây ngô đất bãi lại khỏe khoắn nên ít bị sâu bệnh. Do không phải phun thuốc trừ sâu nên bắp ngô hoàn toàn sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 3 tháng sau khi tra hạt xuống bãi, là có thể thu hoạch. Bắp ngô đất bãi ăn vừa thơm vừa dẻo, luộc lên ăn ngọt lừ, nướng lên ăn thơm phức, “mới đặt lên môi đã trôi xuống cổ họng”.
Mới đầu, chị Nhàn thu hoạch rồi đổ buôn. Lời lãi cũng được chút đỉnh. Rồi đến thời ngô nướng, ngô luộc trở thành đặc sản của dân Hà Nội, chị Nhàn cũng tập tành bán lẻ. Vì có lẽ cũng là học của người ta, nên chị chả giấu giếm bí quyết “nhà nghề”. Chị kể, để luộc ngô ngon, điều quan trọng nhất là phải chọn ngô vừa bẻ, để qua ngày là ngô mất nhựa, mất cả vị dẻo, thơm lẫn vị ngọt tự nhiên. Còn ngô nướng thì phải chọn kỹ, bắp ngô bánh tẻ, vừa kết sữa, nướng lên vừa thơm, vừa dẻo. Bóc lớp áo lá xanh mướt bên ngoài, tuốt hết những sợi râu ngô, bắt gặp những hạt ngô trắng ngần, bóng và đều tăm tắp. Lấy tay bấm thử vào hạt ngô thấy có sữa trắng vị thanh ngọt trào ra, ngô ấy mà đem quạt nướng trên than hồng thì giòn, ngọt, dẻo, bùi, thơm ngon phải biết.
“Tiếng lành đồn xa”, vị ngon của ngô bãi giữa được các “thượng đế” truyền tai nhau. Giá ngô cũng tăng vọt, lên 4.000 - 5.000 đồng/bắp. Luộc hay nướng thì bán ra cũng chỉ 10.000 đồng/bắp. Trừ chi phí than, củi, mỗi bắp chị Nhàn lãi khoảng 3.000-4.000 đồng. Mỗi ngày bán độ 100 bắp ngô, tiền lãi đủ giúp cả nhà chị sinh sống.
Dăm năm trở lại đây, ngô bãi giữa giữ được “thương hiệu” vì người ta không chạy theo năng suất, mà chỉ trồng đúng hai loại ngô ngon nhất là ngô nếp và ngô ngọt. Ngô nếp được nhiều người cầu kỳ chế biến làm các món ngô nướng, ngô chiên, bánh ngô, ngô xào tôm khô… Còn với ngô ngọt, có lẽ món thơm ngon nhất chỉ có thể kể đến là ngô luộc. Ngô nếp có vị đặc trưng là dẻo thơm, còn ngô ngọt vừa mẩy, vừa chắc, từng hạt đều tăm tắp, ăn giòn sần sật và có vị ngọt lịm. Và cũng chính vị ngọt ấy đã tạo nên sức hấp dẫn cho một món ăn mang đậm hương vị quê hương.
NGUYỄN CHÂU ANH