Hơn 50 năm theo nghề, NNƯT Minh Thơ luôn miệt mài rèn luyện, cống hiến tài nghệ của mình, phục vụ tại Đoàn Văn công Cần Thơ lúc thời chiến và truyền tình yêu đối với bộ môn ĐCTT đến biết bao thế hệ trẻ trong thời bình.
Cả đời gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử
Chúng tôi tìm đến nhà NNƯT Minh Thơ vào một ngày đầu tháng 5. Trong ngôi nhà phía sau sân vận động quận Ô Môn, TP Cần Thơ, ngày ngày, người nghệ nhân già vẫn miệt mài bên trang giấy, viết lời mới cho bài bản tài tử, vẫn hay ngâm nga “Ngũ đối thượng”, “Long đăng”, “Vạn giá”… để nuôi cho mình những xúc cảm mới. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ cho biết, là nông dân chính gốc nhưng vì mê đàn, mê hát mà bỏ gần cả cuộc đời để bôn ba theo tổ nghiệp.
NNƯT Minh Thơ kể, vốn có máu văn nghệ từ nhỏ nên khi Trung ương Cục miền Nam thành lập đoàn văn công để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông đã xin về đầu quân và may mắn được đoàn cử đi học những bài ca đầu đời về ĐCTT, sân khấu cải lương, thanh nhạc từ soạn giả Thanh Nha, đạo diễn Nhị Hà và ca sĩ Duy Nải. Những bài giảng trong các lớp học ấy trở thành hành trang giúp ông vững bước phục vụ theo yêu cầu chiến trường lúc bấy giờ. Đến cuối năm 1970, giặc “nhổ cỏ” U Minh, hầu hết đoàn văn công không còn địa bàn hoạt động. Khu ủy chủ trương giải thể đoàn văn công, theo nguyện vọng, ông được giới thiệu về Đội Văn công xung kích III tỉnh Cần Thơ (Đoàn Văn công Cần Thơ). Tại đây đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự nghiệp của ông.
Theo lời NNƯT Minh Thơ, năm 1973, quân dân Cần Thơ được tặng thưởng Huân chương Thành đồng. Để đón mừng sự kiện trọng đại này, Ban Tuyên huấn phát động anh chị em văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi ra quần chúng nhân dân. Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Lý Cảnh sáng tác ca khúc “Ca mừng Huân chương Thành đồng”. Dựa vào bài đồng ca đó, nghệ sĩ Thu Hồng biên đạo thành điệu múa cùng tên.
“Trước những chiến thắng vang dội trên khắp chiến trường Cần Thơ, lúc ấy, tôi cũng muốn viết một bài ca để mừng chiến thắng. Tôi nhớ lại nghệ sĩ Thanh Tâm đã ca bài Tây Thi “Johnson rao hàng lạc son” trên Đài Phát thanh Giải phóng, lời ca dí dỏm, chế giễu đế quốc Mỹ đại bại trước sức mạnh của quân và dân hai miền Nam-Bắc… Thế là tôi dựa trên bài ca đó, nhân cách hóa cây leng là anh chiến sĩ Giải phóng quân, kể lại những chiến công vang dội của quân và dân Cần Thơ một cách cụ thể, như: Trần Quang Phong, Đồng Gò, Cái Nai… và lấy tựa cho bài hát là “Tâm sự Đào Văn Leng”. Qua đêm diễn đó, nhạc sĩ Lý Cảnh, biên đạo múa Thu Hồng và tôi được anh Trần Nam Phú, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ tặng mỗi người 500 đồng Nguyễn Huệ xanh. Đó cũng là công đường đầu đời đưa tôi vào nghề viết lời mới cho ĐCTT”, NNƯT Minh Thơ nhớ lại.
“Giữ lửa” đờn ca
    |
 |
Những tập sách Nghệ nhân Ưu tú Minh Thơ biên soạn. |
Bước lên sân khấu biểu diễn từ năm 20 tuổi, NNƯT Minh Thơ không chỉ có lời ca tiếng hát mà còn nghiên cứu sáng tác các bài vọng cổ, bài bản tài tử. Đến nay, sau hơn 50 năm theo nghề, ông đã sáng tác nhiều vở cải lương dài, ngắn, gần 1.000 bài bản tài tử, kịch bản thông tin lưu động… và nhận được nhiều giải thưởng sáng tác lời mới ĐCTT, vọng cổ ở nhiều nơi như: Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Dương…
Dù đã ở tuổi 73 nhưng NNƯT Minh Thơ vẫn còn hào sảng, tinh tường và rành rẽ những khúc thức lời ca và ngọn lửa đam mê ĐCTT chưa bao giờ tắt. Như mới đây, dù đôi chân sau lần phẫu thuật khớp đã không còn mạnh khỏe nhưng ông vẫn chạy xe máy về vùng Trường Lạc tìm dấu ấn của nhà văn Hồ Biểu Chánh để viết bài ca tài tử. Đọc một mẩu chuyện về cậu học trò học giỏi làm rạng danh đất học Tây Đô, ông cũng “alo” hỏi thêm cho tường tận rồi viết bài ca. Người nghệ sĩ của Đoàn Văn công Cần Thơ năm xưa hiện vẫn giữ cho mình niềm đam mê như thế. Có lẽ niềm đam mê càng lớn, ông càng trăn trở lo sợ cuộc sống hiện đại sẽ “bác học hóa” nghệ thuật ĐCTT và làm cho ĐCTT có nguy cơ mai một. Vì thế, suốt từ năm 2002 đến nay, ông miệt mài nghiên cứu và cho ra đời 4 tác phẩm: Tập bài ca vọng cổ chọn lọc “Đêm Ngã Bảy”; biên soạn hai tập “Luyện ca tài tử Nam Bộ” (2005) và “Cầm Thi Giang”(2010); năm 2019, ông tiếp tục biên soạn tập ĐCTT và vọng cổ “Khát vọng đất chín rồng”. Đây là những tài liệu quý cho những ai nghiên cứu và học hỏi về loại hình âm nhạc dân tộc của vùng đất phương Nam.
Nhận định về tập “Luyện ca tài tử Nam Bộ” và “Cầm Thi giang”, ông Nguyễn Trung Nguyên, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP Cần Thơ, cho rằng: “Nếu ở tập “Luyện ca tài tử Nam Bộ” là bước đầu chập chững đến với ĐCTT thì ở tập “Cầm Thi giang”, NNƯT Minh Thơ đã giới thiệu về cấu trúc, hình thức âm nhạc tài tử tiêu biểu trong 20 bài bản tổ và bài vọng cổ. 20 bài bản tổ tài tử cải lương là một quá trình hàng trăm năm của nhiều thế hệ cha ông sáng tạo, cải biên và hoàn chỉnh như một mẫu mực nhạc lý căn bản của âm nhạc cổ truyền dân tộc. Việc biên soạn lời ca mới cho ĐCTT có rất nhiều người làm nhưng viết được một cách căn cơ, bài bản, đầy đủ có cả lời ca, chữ đờn như NNƯT Minh Thơ thì không có mấy người”.
Đối với tập “Khát vọng đất chín rồng”, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải nhận xét: “Song song với giá trị bảo tồn nghệ thuật ĐCTT, soạn giả Minh Thơ đã giới thiệu trong quyển sách “Khát vọng đất chín rồng” nhiều điểm mới, được hình thành trong thời kỳ phát huy ĐCTT hơn 40 năm qua”. Trong 3 phần của tập sách, NNƯT Minh Thơ đi sâu vào những mảng lớn của ĐCTT, trong đó giới thiệu 20 bài bản tổ với Bắc, Nam, Lễ, Oán và thể điệu Liên Nam, Liên Bắc, Liên Nam-Bắc-Oán; giới thiệu về hành trình phát triển của bản vọng cổ, từ nhịp đôi, nhịp tư… nhân đôi nhịp lên đến nhịp 32 như bây giờ và một số bài vọng cổ 4 câu nhịp 32 do chính ông sáng tác”.
Cũng theo Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải, dấu ấn mà NNƯT Minh Thơ để lại trong quyển sách này ở nhiều góc độ: Nội dung, khúc thức bài bản, văn phong… Trong đó, NNƯT Minh Thơ đã chuyển tải nội dung về quê hương, đất nước, tình đất, tình người đầy tự tình. Về khúc thức bài bản, ông đã khéo léo vận động tính cổ truyền, mẫu mực và những biến tấu mới của ĐCTT để chứng minh tính ứng dụng, hợp thời của loại hình nghệ thuật này. Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải chia sẻ ấn tượng: “Văn phong được dùng ở các bài ca của soạn giả Minh Thơ trong quyển “Khát vọng đất chín rồng” để lại nhiều dấu ấn đẹp về sự đa dạng của phương ngữ Nam Bộ”.
Dù được đánh giá cao nhưng NNƯT Minh Thơ vẫn không lấy làm tự mãn, ông tâm sự rằng ý định viết cuốn sách này chỉ đơn giản muốn góp một chút gì cho ĐCTT quê hương. Bởi 20 bài bản tổ là di sản của tiền nhân để lại. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là phát huy và làm phong phú, đa dạng hơn ĐCTT bằng việc sáng tác bài bản mới. Và chuyện ông viết 20 câu vọng cổ theo đúng nguyên mẫu 20 câu bản “Dạ cổ hoài lang” cũng là một sự tìm tòi với tâm nguyện gìn giữ nét xưa.
Bài và ảnh: NGỌC THẢO