QĐND - Như cái bản tính thanh lịch, người Hà Nội thường chọn cho mình những trang phục gọn gàng, tề chỉnh và thanh nhã.

Đã có người đưa ra hình ảnh so sánh giữa người Hà Nội và người Thành phố Hồ Chí Minh. Người Thành phố Hồ Chí Minh mang sẵn trong mình dòng máu phóng khoáng nên ăn mặc đơn giản hơn, chú trọng về độ tiện dụng. Trong khi đó, với bản tính thâm trầm, người Hà Nội luôn khắt khe khi mặc. Người Thành phố Hồ Chí Minh có thể quần soóc dép lê vào nhà hàng. Mấy bác xe ôm ở Hà Nội cũng có thể áo vest chỉnh tề. 

Cái truyền thống ăn mặc của người Hà Nội có từ ngàn đời. Người Hà Nội từ xưa đã có cách mặc riêng rất đẹp, vừa lịch sự nền nã, hào hoa trang nhã, vừa lộng lẫy mà vẫn kín đáo. Áo tứ thân, áo đổi vai, áo mớ ba mớ bảy. Dải yếm thì có bộ, nhiều màu, từ hồ thủy thiên thanh đến mỡ gà, hoa đào-chỉ phơn phớt hoa đào chứ không nồng thắm như cánh sen... Cùng với dải yếm là sợi dây xà tích bạc, có ống vôi hình quả đào chạm trổ tinh vi. Nam giới cũng có cách hào hoa trong lối mặc của mình. Người sang thì áo lam, áo gấm, áo đoạn, áo the, trong còn mặc lót áo dài trắng. Người bình dân thì áo vải thâm. Phụ nữ vấn khăn trần, khăn vấn, khăn vuông, khăn mỏ quạ thì đàn ông cũng có khăn nhiễu, khăn lượt. Đàn ông mỗi lần đội chiếc khăn lượt thật công phu, mất thì giờ. Phụ nữ mặc váy lĩnh cạp điều, gấu cũng màu đỏ để khi đi, màu đỏ ấy chập chờn hiện ra thoáng một cái lại biến đi ngay, hấp dẫn nhưng không khêu gợi. Đàn ông thì quần là ống sớ. Gọi là ống sớ vì thường quần may bằng vải trúc bâu, cát bá, hơi cứng, là phẳng phiu, giống như cái ống bằng giấy đựng tờ sớ khi cúng. Phụ nữ đi hài hoặc guốc đẽo bằng gỗ. Đàn ông đi giày Gia Định da bóng láng, đen nhánh, bịt kín năm đầu ngón chân, còn phía sau hoàn toàn hở.

Người Hà Nội xưa (ảnh 1) và nay (ảnh 2) thanh lịch trong tà áo dài.  Ảnh tư liệu và Nguyễn Anh

Người Pháp vào xâm chiếm Việt Nam, mang theo văn hóa thời trang Âu châu. Người Việt, đặc biệt tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn. Đàn ông bắt đầu quen với áo sơ mi, với complet. Cùng quần áo là giày dép. Dịp trang trọng thì giày đen. Ngày thường có thể đi giày da vàng. Trời nóng thì giày trắng.

Qua thời Pháp thuộc, đến thời kháng chiến chống Mỹ, người Hà Nội chuyển từ xênh xang áo xống sang gọn gàng, khỏe khoắn. Trang phục thường thấy là áo cánh, áo sơ mi tay bồng chiết eo đi cùng quần đen vào mùa hè hay áo trần bông, áo vest kiểu Hồng Kông lúc sang mùa đông.

Thời nay, cùng sự biến đổi nhanh chóng của diện mạo thành phố, trang phục của người Hà Nội hiện đại lên nhiều. Ðiều đó chứng tỏ người Hà Nội không bảo thủ. Họ biết tiếp thu cách ăn mặc hợp thời trang, phù hợp cuộc sống sôi động hôm nay. Thế nhưng, không vì thế mà trang phục của người Hà Nội trở nên xô bồ đi. Người Hà Nội thực thụ không mặc đồ ở nhà ra đường. Mỗi khi bước chân xuống phố, họ đều lựa chọn cho mình những bộ trang phục phù hợp. Thậm chí, mấy cụ già ra quán đầu ngõ uống chén nước cũng áo vest chỉnh tề. Mấy bà đi chợ cũng phải thay bộ đồ ở nhà ra để chọn lấy một bộ ra đường tươm tất.

Phong cách ăn mặc của người Hà Nội thể hiện rõ nhất ở màu sắc. Được ưa chuộng nhất là tông trầm. Tuy nhiên, sự trầm ấy không đồng nghĩa với sự “tối”. Người Hà Nội luôn biết cách phối sao cho những gam màu trầm trở nên ấn tượng về sự thanh lịch.

Giới thanh niên Hà Nội cũng có không ít người thích “chơi màu”. Thế nhưng, sự “chơi” ấy luôn hàm chứa sự tinh tế hơn người. Hoặc là sự chuyển tông uyển chuyển, hoặc là sự phối màu ăn ý giữa trang phục và phụ kiện.

Phong cách ăn mặc, về cơ bản đến từ bản tính. Bởi lẽ ấy, dù thời gian đi qua, cùng bản tính thanh lịch, người Hà Nội luôn giữ được cho mình một phong cách ăn mặc thể hiện sự chăm chút từng li từng tí cộng với khả năng thẩm mỹ tinh tế.

VŨ ĐỨC MAI