Đặc điểm lớn nhất của người thầy ở các học viện, nhà trường Quân đội là đối tượng giảng dạy của họ rất đa dạng, địa điểm giảng dạy không chỉ trên giảng đường mà còn thực hiện ở thao trường, bãi tập. Thậm chí, trong chiến tranh, họ vừa chiến đấu vừa nghiên cứu tại chiến trường-nơi bom rơi, đạn nổ ác liệt.
Điểm riêng khác biệt, dễ thấy ở giảng viên các học viện, nhà trường Quân đội là họ được đóng nhiều vai khác nhau. Họ có thể vừa là giảng viên vừa là người lãnh đạo, chỉ huy; vừa là người anh, người bạn, người đồng chí, đồng đội của học viên... Thế nên, trong các học viện, nhà trường Quân đội, giảng viên và học viên thường có mối liên hệ rất chặt chẽ. Đó là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao quý trên nền kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Chính mối quan hệ gắn bó, sâu đậm, thân thiết giữa thầy và trò giúp học viên hình thành phương pháp tư duy, nghiên cứu, học tập phù hợp với khả năng; có năng lực tiếp thu, lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất.
Tôi đã có một số lần đi nghiên cứu thực tế tại các trường quân sự của quân khu, quân đoàn và một vài học viện, trường sĩ quan thì thấy có các đồng chí là giáo viên được điều động, bổ nhiệm giữ cương vị chỉ huy ở các đơn vị với nhiều vai. Họ là người thầy thứ hai sẵn sàng giúp học viên học tập, thảo luận những nội dung khó, cần sự phối hợp, hiệp đồng giữa các tổ, các số trong khẩu đội, tiểu đội. Họ theo sát quá trình học tập, rèn luyện của học viên cả trên thao trường, bãi tập và trong giờ nghỉ, ngày nghỉ.
|
|
Giảng viên Học viện Chính trị huấn luyện thực hành trinh sát thực địa cho học viên đào tạo chính ủy trung, lữ đoàn. Ảnh: TUẤN VIỆT
|
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Giáo dục khéo ở đây chính là nhấn mạnh sự thành thạo, là nghệ thuật của người thầy, người cán bộ Quân đội trong huấn luyện, giáo dục quân nhân, nhằm phát triển nhân tố con người trong hoạt động quân sự.
Trước đây, trong điều kiện chiến tranh, giảng viên, giáo viên các học viện, nhà trường trong Quân đội ra chiến trường để nghiên cứu vũ khí, thủ đoạn tiến công, phòng ngự của địch. Họ viết giáo trình đào tạo học viên, viết đề tài khoa học tại thực địa và tại chiến trường với bao khó khăn, gian khổ và có cả hy sinh. Hiện nay, dù hòa bình nhưng tính chất giảng dạy của cán bộ, giảng viên các học viện, nhà trường Quân đội chẳng hề kém phần gian khổ. Với họ, thao trường chính là giảng đường. Ngoài các môn học thể lực, võ thuật, chiến thuật, điều lệnh chủ yếu diễn ra ở thao trường thì giảng viên các môn học về những loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật khác cũng cơ bản giảng bài ngoài thực địa, ở nhiều địa hình khác nhau. Không chỉ giảng dạy mà họ còn tham gia tổ chức diễn tập cho học viên. Để những môn học khô khan trở nên sinh động, hấp dẫn đòi hỏi các thầy giáo phải cập nhật thường xuyên tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, nắm vững kiến thức, có phương pháp sư phạm tốt, đặc biệt là am hiểu tâm lý người học và có nhiều kinh nghiệm trong tác chiến, chỉ huy.
Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng yêu cầu các học viện, nhà trường Quân đội điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giảm nội dung lý thuyết, tăng thực hành nhằm trang bị kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn cho học viên. Các học viện, nhà trường đã nghiên cứu, bám sát nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện tại các đơn vị trong toàn quân để vận dụng vào thực tế công tác giảng dạy và học tập. Ví dụ, Đảng ủy Học viện Chính trị đã có nghị quyết xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa. Nghị quyết yêu cầu nâng cao chất lượng bài giảng; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng chuyên sâu; kịp thời cập nhật những quan điểm mới của Đảng, tri thức mới được kết tinh từ các công trình khoa học và sản phẩm nghiên cứu có chất lượng tốt vào giảng dạy cho các đối tượng học viên; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức đánh giá, bầu chọn giảng viên dạy giỏi cấp học viện và nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng chặt chẽ, khách quan. Ngoài ra, các học viện, nhà trường còn chủ động mời lãnh đạo ban, bộ, ngành chức năng ở Trung ương, chỉ huy các đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín đến truyền đạt tri thức mới, kinh nghiệm phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Cũng từ chủ trương của Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các học viện, nhà trường đã chủ động báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều động, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên đi luân chuyển và luân chuyển thực tế giữ các chức vụ chỉ huy cơ quan, đơn vị với nhiều loại hình khác nhau. Đây là những giải pháp cần thiết nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng toàn diện, góp phần thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Quân đội vừa có trình độ chuyên môn lý luận cao vừa có kiến thức thực tiễn phong phú. Thực tế cho thấy, phần đông cán bộ ở các học viện, nhà trường trong Quân đội và các viện nghiên cứu đã coi đi thực tế là cơ hội tốt để học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực công tác.
Người thầy trong học viện, nhà trường Quân đội giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục-đào tạo. Họ là cơ sở vững chắc để thuyết phục, truyền lửa, tạo ra sự tích cực hóa về ý thức và hành động cho học viên. Để đáp ứng yêu cầu công việc, cán bộ, giáo viên, giảng viên trong các học viện, nhà trường Quân đội phải tự học, tự rèn, hội tụ đủ những phẩm chất căn bản của người thầy trong thời đại 4.0 như: Là tấm gương học suốt đời; là nhà giáo dục chuyên nghiệp; là người thúc đẩy tiến bộ xã hội; luôn rèn luyện đạo đức và đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghề nghiệp; có năng lực thiết kế, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch dạy học; giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học...
Trong Quân đội, người thầy cũng không thể thiếu những phẩm chất, nhân cách của người chiến sĩ cách mạng như: Người thầy có xu hướng chính trị tốt, đạo đức trong sáng, mẫu mực, toát lên giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; yêu nghề, tâm huyết với nghề; có trình độ, năng lực, thành thạo nghiệp vụ sư phạm quân sự.
Hiện nay, bên cạnh những thành tựu, đóng góp đáng trân trọng của người thầy chiến sĩ thì trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, cá biệt vẫn còn những cán bộ, giảng viên ở học viện, nhà trường Quân đội vi phạm phẩm chất đạo đức nhà giáo và các biểu hiện tiêu cực khác... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục-đào tạo, hình ảnh người thầy, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, uy tín của học viện, nhà trường Quân đội.
Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-2-2019 của Quân ủy Trung ương “Về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch-chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Các nhà trường Quân đội cần tích cực thực hiện phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng tinh, gọn, mạnh. Người thầy chiến sĩ ở học viện, nhà trường Quân đội phải thực sự là lực lượng vững vàng về chính trị, tinh nhuệ về chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc chức trách được giao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa trong tình hình mới.
Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ