“Hổ phụ sinh hổ tử”

leftcenterrightdel

Gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm năm 1944. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Không chỉ tên tuổi GS Dương Quảng Hàm được lưu danh sử sách mà 8 người con của cụ đều hiếu học, học giỏi, trở thành những trí thức tiêu biểu, hết lòng phụng sự Tổ quốc.

Theo ông Dương Tự Minh (con út của GS Dương Quảng Hàm) thì anh cả Dương Bá Bành học giỏi nhất nhà. Ông là một trong số ít sinh viên tốt nghiệp bác sĩ y khoa khóa đầu tiên Trường Đại học Y dược khoa, là thế hệ bác sĩ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vinh dự được Bác Hồ trực tiếp trao bằng tốt nghiệp vào năm 1945. Với lòng yêu nước sục sôi của toàn dân lúc đó, bác sĩ Dương Bá Bành xin Nam tiến, phụ trách một trạm quân y tiền phương tại Mặt trận Nam Trung Bộ. Trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, ông trở về làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh và nhân dân tại Nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức); Giáo sư, Giám đốc Trường Nữ hộ sinh Hà Nội...

Bà Dương Thị Ngân (người con thứ hai) là một trong hai phát thanh viên đầu tiên vào phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam cất lên câu nói lịch sử: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Rồi bà cùng ông Nguyễn Văn Nhất (sau này là chồng) thay nhau đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” phát trên sóng của đài trưa 7-9-1945 đánh dấu sự ra đời của đài phát thanh ở nước ta. Bà Ngân cũng là người vinh dự được đọc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát trên sóng quốc gia ngày 19-12-1946. Trong quá trình công tác, bà còn hai lần được gặp Bác Hồ, được nghe Bác trực tiếp dặn dò hãy tích cực lao động và cống hiến để xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Người con thứ ba là GS, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với đức tính khiêm nhường, giản dị, chuẩn mực nên ông được bạn bè dành tặng 4 chữ “Mô phạm truyền gia”, coi như người kế tục sự nghiệp của bố. Ông có vai trò quan trọng trong việc biên soạn bộ sách giáo khoa Vật lý đầu tiên cho học sinh THPT, là một trong 3 nhà khoa học vật lý Việt Nam đầu tiên được cử sang nghiên cứu vật lý hạt nhân tại viện Dubna (Liên Xô trước đây); tham gia nghiên cứu và xây dựng bộ thuật ngữ tiếng Việt đầu tiên cho môn Vật lý...

Bà Dương Thị Thoa (người con thứ tư) hăng hái hoạt động cách mạng nhất nhà và nổi tiếng với bí danh Lê Thi-là một trong hai người phụ nữ vinh dự được kéo cờ Tổ quốc trong buổi lễ Bác Hồ đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hồi phổ thông, bà Thoa học rất giỏi, được giải thưởng của Toàn quyền Đông Dương cho đi tham quan Vịnh Hạ Long, vào Huế dự Lễ tế Nam Giao của vua Bảo Đại. Bà nguyên là cán bộ tiền khởi nghĩa, đoàn viên Đoàn Phụ nữ cứu quốc, tham gia đoàn chiếm trại bảo an binh giành chính quyền năm 1945. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà được cử đi học Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc và trở thành giáo sư triết học, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Người con thứ năm là nhà giáo Dương Hồng, thời trẻ cũng tham gia tự vệ phố cùng các anh trai, có biệt tài vẽ tranh bằng tay trái rất đẹp. Vì thuận cả hai tay nên ông thường dùng tay trái vẽ hình, tay phải viết chú thích khiến học trò rất nể phục. Là giáo viên dạy môn Sinh học, ông nổi tiếng về tinh thần tự học, tự soạn các loại từ điển như: Từ điển Pháp-Việt, Từ điển Sinh vật, từ điển dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, tự vẽ bộ sưu tập tranh các con vật để phục vụ việc dạy học.

Bà Dương Thị Duyên (người con thứ sáu) là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam-TTXVN), phóng viên duy nhất của nước ta được tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam tại Pháp. Tại hội nghị này, bà không chỉ có nhiệm vụ đưa tin mà còn gặp gỡ, tuyên truyền kiều bào Việt Nam theo sự phân công của đoàn công tác. Bà rất thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, nguyên phụ trách Ban Tin thế giới, nữ trưởng ban đầu tiên của TTXVN. Về sau do yêu cầu công tác, bà chuyển sang làm Trưởng ban Quốc tế của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến lúc nghỉ hưu.

Tiếp nối nghề y của anh cả, người con thứ bảy-Dương Thị Cương cũng trở thành giáo sư, bác sĩ, nguyên Trưởng bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện C (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), đại biểu Quốc hội khóa IV. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên của ngành y-dược Việt Nam được nhận Giải thưởng Kovalevskaia nhờ những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu các bệnh ung thư phụ nữ, trẻ em, thai nhi, hiếm muộn... Tuổi trẻ của bà hoạt động rất tích cực trong phong trào học sinh kháng chiến Hà Nội và bị địch bắt, tra tấn dã man.

Noi gương các anh chị, người con út Dương Tự Minh cũng hoạt động cách mạng từ lúc 13 tuổi trong đoàn học sinh kháng chiến, tham gia in, phát hành báo “Nhựa sống” trong lòng địch. Ông hai lần bị địch bắt tù đày vào Nhà lao Hỏa Lò. Ông nguyên là Trưởng ban Trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; nguyên Giám đốc Khách sạn Hà Nội. Hiện nay, ông Dương Tự Minh là Phó ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò. Tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện vẫn còn lưu giữ số tù VN 2017 của ông-kỷ vật một thời tuổi trẻ trải qua bao khó khăn, gian khổ hy sinh trong tù ngục nhưng vẫn luôn giữ vững phẩm chất, ý chí để bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng.

  

leftcenterrightdel

Gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm năm 1954. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp   

Nền nếp gia phong

 Căn nhà 3 tầng ở 98A Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội từng là tổ ấm của gia đình GS Dương Quảng Hàm lúc sinh thời, hiện là nơi sinh sống của gia đình ông Dương Tự Minh. Trải qua thăng trầm của lịch sử, căn nhà trở thành nơi in dấu biết bao kỷ niệm của các thành viên trong gia đình.

Chỉ tay lên gác 3 của căn nhà, ông Dương Tự Minh bảo: "Ngày xưa, đó là phòng học". Bởi đó là nơi bố ông suốt ngày miệt mài làm việc và là nơi học tập của các con. Mặc dù thời kỳ ấy con gái ít được đi học do tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng trong gia đình, cả 8 người con (4 trai, 4 gái) đều được đối xử công bằng, bình đẳng, đi học đầy đủ. Bố ông rất quan tâm đến việc giáo dục văn hóa, đạo đức, ứng xử cho con cái nhưng lại không mất nhiều thời gian cho việc này mà phân công mỗi anh chị lớn kèm một em nhỏ học. Các em phải học bài, làm bài đầy đủ, tôn trọng truyền thống của gia đình, danh dự của dòng họ... Nền nếp ấy được các anh, chị duy trì rất nghiêm. Đến cuối học kỳ, nhà trường gửi học bạ về cho gia đình xem kết quả học tập, nếu thấy con bị xuống hạng thì cụ chỉ hỏi tại sao lại như vậy và bảo cố gắng vươn lên.

Trong ký ức của ông Dương Tự Minh thì “bề ngoài bố tôi có nét mặt nghiêm nghị, nhưng tính tình lại rất hiền lành, điềm tĩnh, hết lòng thương yêu các con. Trong bất kỳ việc gì, cụ đều bình tĩnh, nhẹ nhàng, không to tiếng, không dùng roi vọt”. Mẹ ông là người tảo tần nhưng tính tình vốn nóng nảy. Nhiều lần mẹ cầm roi định xử phạt khi các con mắc lỗi, nhưng bố ông đều can ngăn. Có lần bà Dương Thị Duyên và ông Dương Hồng leo lên trần thượng chơi. Đang nhảy nhót say sưa, bất ngờ cụ lên kiểm tra, hai chị em sợ quá vội tụt xuống mái nhà hàng xóm. Thấy vậy, cụ nói: “Cứ từ từ thôi kẻo ngã”...

Chính sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh cùng với niềm đam mê đọc sách, cần cù làm việc, lối sống giản dị của cụ luôn là tấm gương cho các con noi theo, học trò kính trọng, quý mến. Lúc sinh thời, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân kể: “Hôm tôi đến nhà thầy, thấy đồ đạc trong nhà rất giản dị và sắp xếp gọn gàng. Điều khiến tôi ngạc nhiên là trong khi ở Hà Nội, phụ nữ đã đua nhau mặc áo dài “lơ-muya” thì cô giáo Hàm vẫn mặc như một phụ nữ nông thôn. Bên cạnh là mấy người con nhỏ đang chăm chỉ học bài. Qua đó tôi cũng hiểu nền nếp gia đình thầy Hàm là thế nào”...
Tám người con, mỗi người một con đường lập nghiệp nhưng tất cả đều là những đảng viên gương mẫu, đóng góp xứng đáng, làm rạng danh truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương đất nước. Gia đình GS, liệt sĩ Dương Quảng Hàm thực sự là “danh gia vọng tộc”, một gia đình trí thức tiêu biểu ở mảnh đất Thăng Long-Hà Nội.

 
 GS Dương Quảng Hàm sinh năm 1898 tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bưởi-Chu Văn An sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Cụ được coi là người có công “đặt nền móng cho bộ môn Văn học sử ở Việt Nam” với nhiều công trình có giá trị để lại cho hậu thế, như: “Quốc văn trích diễm”, “Việt Nam giáo khoa thư” (bậc cao đẳng tiểu học), “Việt Nam văn học sử yếu”, “Việt Nam thi văn hợp tuyển”...

 

 HÀ THANH MINH