Cảnh trong phim "Áo lụa Hà Đông" của hãng phim Phước Sang-TP Hồ Chí Minh. Bộ phim đã đạt giải thưởng tại Liên hoan phim Bu-san (Hàn Quốc) năm 2006. Ảnh: T.G

Nhà nước và tư nhân cần phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để “gỡ rối” cho điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới! Đó là ý kiến khá thống nhất của hầu hết các nhà quản lý, nghệ sĩ và các nhà báo tham gia cuộc hội thảo “Điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế” tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua. Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm gần đây, Hội Điện ảnh Việt Nam và Viện tư liệu phim Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học và thực tiễn về vấn đề này.

Điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, không chỉ có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa-nghệ thuật mà còn có ảnh hưởng rất lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Công cuộc Đổi mới hơn 20 năm qua và nhất là tiến trình hội nhập mạnh mẽ mấy năm gần đây, một mặt đã in những dấu ấn rõ nét trong các tác phẩm điện ảnh nước nhà, mặt khác đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho sự phát triển của ngành điện ảnh, từ chiến lược phát triển lâu dài đến cơ cấu tổ chức và hoạt động thường xuyên của mỗi nghệ sĩ, mỗi đơn vị điện ảnh. Đặc biệt, Luật điện ảnh được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2006, một mặt là cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam phù hợp với sự nghiệp “Công nghiệp hóa-hiện đại hóa”, theo xu hướng xã hội hóa và hội nhập quốc tế; mặt khác cũng đặt ra nhiều vấn đề cần khẩn trương giải quyết. Những vấn đề “nổi cộm” ấy khá toàn diện: Từ phương hướng sáng tác đến phương thức đầu tư cho tác phẩm; từ chủ trương chung là xã hội hóa điện ảnh đến công việc cụ thể là cổ phần hóa các doanh nghiệp điện ảnh Nhà nước hiện nay; từ chiến lược tạo dựng một vị thế xứng đáng cho điện ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đến việc phát huy hiệu quả của các dòng phim hiện nay theo các khuynh hướng sáng tác khác nhau (phim truyền thống, phim thị trường, phim thử nghiệm nghệ thuật…). Trong đó, vấn đề mấu chốt nhất là giải pháp tạo sự hài hòa giữa các hãng phim Nhà nước và các hãng phim tư nhân để điện ảnh Việt Nam phát triển đồng đều và hiệu quả.

Thực ra không phải đợi đến khi có Luật điện ảnh và chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh mà từ những năm 90 của thế kỷ trước, “phim tư nhân” đã xuất hiện dưới những hình thức hợp pháp. Đặc biệt những năm gần đây, sau khi Nhà nước cho phép thành lập các hãng phim tư nhân, “dòng phim tư nhân” đã tham gia tích cực và có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống điện ảnh nước nhà. Một số “phim tư nhân” đã được giải thưởng cao trong nước (Gái nhảy của hãng phim Thiên Ngân-Liên hoan phim Việt Nam năm 2004) và giải thưởng quốc tế (Áo lụa Hà Đông của hãng Phước Sang-Liên hoan phim Bu-san năm 2006). Với những ưu thế vượt trội về cơ chế quản lý nhân sự, huy động nguồn vốn và nhất là “công nghệ tiếp thị” quảng bá, thực tế cho thấy “phim tư nhân” đã hơn hẳn “phim Nhà nước” về doanh thu và khán giả. Nhiều bộ phim của tư nhân có sự tham gia của Việt kiều đã đạt trình độ cao về chuyên môn, nhất là kỹ thuật quay phim và khâu hậu kỳ.

Vai trò của các hãng phim tư nhân trong thời kỳ mới được ghi nhận và đánh giá cao. Đó là cơ sở để khán giả Việt Nam “nhìn vào tương lai phim tư nhân mà tin tưởng và hi vọng vào tương lai của điện ảnh Việt Nam trong thời hội nhập” như nhận xét của một nhà biên kịch, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định: “Áo lụa Hà Đông và một vài bộ phim tư nhân gần đây cho thấy họ đã thành công không chỉ ở dòng phim giải trí mà cả dòng phim nghệ thuật, nhất là tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả của việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu Việt Nam. Thành công của dòng phim này cũng chỉ ra một thực tế: Phim hay nhưng phải có chiến lược quảng bá, tiếp thị thì mới có khán giả (tức là mới thu hồi được vốn và thực hiện được những chức năng của điện ảnh). Đại diện hãng phim Phước Sang cho biết: Khi Áo lụa Hà Đông sang Hàn Quốc dự Liên hoan phim, hãng còn tổ chức một show thời trang áo dài bên cạnh liên hoan phim. Hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam được quảng bá rộng rãi, được nhiều khán giả Hàn Quốc biết đến và điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến lá phiếu của giải “Phim được khán giả yêu thích nhất”.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các hãng phim Nhà nước với các hãng phim tư nhân là phương hướng tất yếu của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Từ nhiều năm trước, bộ phim Mùa len trâu hợp tác giữa hãng phim Giải phóng với đạo diễn và nguồn vốn Việt kiều đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Hiện tại, hãng phim truyện Việt Nam vừa ký hợp đồng sản xuất và phát hành bộ phim Người vớt củi với hãng phim Thiên Ngân (TP Hồ Chí Minh). Được biết, hãng phim truyện Việt Nam-con chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam-cũng gửi 6 kịch bản phim “chào hàng” với các hãng phim tư nhân, các quỹ hỗ trợ văn hóa trong nước và nước ngoài. Đó là những động thái mới, nhiều hứa hẹn của “phim nội” trong thời kỳ mới!

Mai Nam Thắng