Phóng viên (PV): Bạn bè nhận xét anh là con người lúc nào cũng ồn ã, nôn nóng, nồng nhiệt và đôi lúc…chân thật đến thái quá! Thế nhưng ở những tác phẩm văn học, nhất là trong kịch bản phim truyền hình, lại thấy một Phạm Ngọc Tiến rất khác, gai góc, sắc sảo. Vậy anh quan niệm như thế nào là một kịch bản phim, một tác phẩm văn học hay?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Viết kịch bản phim cũng như viết văn, đương nhiên là cả một quá trình tích lũy, có kinh nghiệm sống, có nhận thức xã hội, có học hỏi, có kiến thức, tri thức trong nhiều lĩnh vực, để khi viết anh bộc lộ sự am hiểu, nắm chắc vấn đề. Có kinh nghiệm sống không có nghĩa là bề dày tuổi tác mà mình phải rèn nghề, tìm hiểu nghề, lành nghề. Ví như anh thợ mộc lão luyện phải biết nhìn gỗ, sử dụng tấm gỗ đó như thế nào cho phù hợp. Còn người viết kịch bản, chẳng hạn viết về tình yêu thì anh phải hiểu câu chuyện tình yêu đó chứ, không thì người xem thấy hời hợt, thậm chí là ngờ nghệch; phim cảnh sát hình sự anh phải nắm được luật, xử lý tư pháp… Đã chọn nghề viết kịch bản thì chắc chắn phải đối mặt với khó khăn gian khổ chứ không phải đếm chữ ăn tiền. Vì thế có được một kịch bản hay là hiếm, chọn hàng trăm kịch bản mới dựng được một bộ phim là như vậy. Và khi dựng thành phim, được khán giả đón nhận là một điều may mắn.

leftcenterrightdel
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

PV: Bộ phim “Sinh tử” vừa kết thúc  tập cuối cùng trên kênh VTV1, trong thời gian trình chiếu, phim đã tạo dư luận tốt bởi đề tài phim bám sát thời sự chính trị của đất nước. Được biết, kịch bản phim anh viết cách đây gần 10 năm. Như vậy, tính dự báo của văn chương, nghệ thuật đối với thế sự của đất nước cũng là điều rất cần thiết?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Tôi từng viết nhiều kịch bản chính luận nhưng kịch bản “Sinh tử” tôi gửi gắm nhiều tâm huyết, bởi nước ta 10 năm trở lại đây có nhiều biến động cực kỳ thần tốc. Trong tâm thế một nghệ sĩ, tôi thấy lòng đau đáu, mình cần phải viết một điều gì đó. “Thai nghén” 10 năm mới “đẻ” được. Hai lần viết với tổng số chữ mỗi lần xấp xỉ 320.000 từ tương đương với 1.200 trang sách khổ 13x19. Khác với tất cả kịch bản đã làm, “Sinh tử” lần này lấy đi của tôi nhiều tâm sức, hao tổn thần kinh vì những quăng quật thay đổi. Hầu hết những kịch bản chính luận của tôi thường viết rất lâu mới có thể đưa vào sản xuất, nhưng phải nói thật là hiện thực xã hội của đất nước mình thay đổi nhanh quá khiến nhà văn, biên kịch đôi khi trở tay không kịp. Ai cũng muốn tác phẩm của mình có tính dự báo, nhưng vẫn phải chạy đuổi theo hiện thực. Đó chính là bi kịch thời đại của cả nghệ sĩ, nhà văn lẫn xã hội.

PV: Nhưng rõ ràng qua “Sinh tử”, đã thấy các tác giả, nghệ sĩ luôn đồng hành với thế sự của đất nước?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Tôi luôn nghĩ rằng, văn chương, nghệ thuật đều có tính thời điểm của nó, có sứ mệnh của nó. Nhưng phần nhiều còn là yếu tố may mắn. Người viết như người nông dân, may mắn thì trúng mùa, không may thì mất mùa. Nếu làm “Sinh tử” ngay khi tôi viết kịch bản cách đây gần 10 năm, chưa chắc có hãng sản xuất nào dám làm, hoặc phát sóng được. Phim đổ là thất bại. Đến thời điểm này, “Sinh tử” mới đưa vào sản xuất và phát sóng là rất hợp lý, bởi được thành hình nhờ có sự bổ sung rất kịp thời của nhà sản xuất, đạo diễn và đặc biệt là các cố vấn của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Thậm chí tôi đã phải đi tìm, “nằm vùng” ở một địa phương có đồng chí bí thư huyện ủy bị luân chuyển… để tìm hiểu vấn đề. Nhưng trên tất cả, thế sự của đất nước đang rất cần những tác phẩm văn chương, nghệ thuật, các tác giả, nghệ sĩ đồng hành.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim "Sinh tử"

Đất nước muốn phát triển thì chúng ta phải giữ được quyết tâm đấu tranh với cái xấu, tội lỗi... Cá nhân tôi cũng mong muốn một chính sách thông thoáng để khuyến khích giới sáng tác văn học, kịch bản, những người làm báo cho ra đời những tác phẩm sắc sảo.

PV: Với văn chương, nghệ thuật, theo anh có “vùng cấm” nào với tác giả khi đề cập đến vấn đề lớn của đất nước?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thế nào là “vùng cấm”? Tôi cho rằng “vùng cấm” lớn nhất là tư tưởng, nhận thức. Nếu sợ sệt thì không viết. Rào cản là tự khoanh “vùng cấm” cho mình. Không có “vùng cấm” bởi vì khi viết đã phải có một biên tập viên trong con người mình rồi. Tất cả người viết đều phải kiêm nghề biên tập. Mình hiểu thế nào là biên tập? Biên tập ít nhất là phải bảo đảm được tin tưởng về mặt chính trị, sau đó mới là nghệ thuật. Tôi muốn viết về thế sự thì tôi phải hiểu phạm vi, khả năng của mình đến đâu. Không viết được là do anh không có tài chứ chả ai cấm anh viết gì. Nhưng vẫn phải ngang ngạnh, làm là phải đấu tranh, giữ “chất” riêng có của mình trên cơ sở xây dựng chứ đừng đạp đổ. 

PV: Khi viết văn, viết kịch bản phim, anh gửi gắm điều gì qua các nhân vật của mình?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Với mỗi tác phẩm của tôi, khi đưa tới bạn đọc hay khán giả, tôi luôn đưa ra lời đề nghị: Hãy đọc, hãy xem và chiêm nghiệm, có thắc mắc tôi luôn sẵn sàng giải đáp. Như khi “Sinh tử” hoàn thành và được phát sóng, tôi vẫn nói tôi tự hào về “đứa con tinh thần” này và hy vọng khán giả xem, cảm nhận nghiêng về phần “sinh” nhiều hơn phần “tử”. Tôi chỉ muốn gửi gắm một điều: Cái tốt đẹp phải lên ngôi. Phải làm sao để cuộc sống luôn tốt đẹp. Một thông điệp rất chung nhưng thực ra là đích hướng đến của tất cả mọi thể chế. Chẳng hạn trong phim có đoạn Vũ-Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn nói với đàn em: “Tiền của mình, quyền của họ. Mình đưa tiền cho họ rồi nó sẽ lại chạy ngược về mình”. Theo lăng kính nghệ thuật của riêng tôi, nhân vật trong phim không trúng người này sẽ giống người khác. Tất cả chỉ với mong muốn phê phán cái xấu, vạch ra thủ đoạn, đường đi nước bước của nhóm lợi ích, con đường làm giàu của đại gia. Tại sao quan chức lại giàu như thế? Sơ hở của pháp luật ra sao mà trong đó đỉnh cao là quyền lực, sự ban phát?... Người dân xem là biết ngay.

PV: Theo dòng phim chính luận vốn bị coi là khô khan, nhưng ở mỗi tác phẩm của anh luôn xuất hiện khá nhiều tuyến nhân vật là những người dân mộc mạc chân thành và luôn có khát khao làm giàu, đổi mới quê hương. Vậy anh có ấp ủ đề tài nào để làm kịch bản phim về những con người này?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Bạn hỏi thì tôi cũng tranh thủ khoe luôn. Tôi đang “nằm vùng” ở Nghệ An và đi một số tỉnh, thành phố quanh khu vực miền Trung để viết kịch bản phim. Tôi tạm đặt cho nó cái tên là “Chọn”-Chọn lựa.  Đây là vùng đất địa phương đang có vấn đề rất lớn là di dân. Vì mưu sinh họ tỏa đi khắp mọi nơi, trong nước, lao động nước ngoài, hợp pháp và cả bất hợp pháp. Chọn lựa của rất nhiều người dân nơi này là khát vọng làm giàu. Có người làm giàu trên chính quê hương bằng những phương pháp hiện đại, thủ công, truyền thống… Về những vùng quê hiện nay mà tận mắt thấy những làng rất giàu, nhà tầng nối tiếp, rồi cả những làng châu Âu… Nhưng cũng có nhiều người làm giàu bất chấp cả mạng sống của mình, của người thân… Không ít gia đình, người dân đã phải trả giá cho khát vọng làm giàu bằng cuộc sống tha hương, xa gia đình, bỏ mặc bố mẹ già, con cái. Tôi nghĩ đây là câu chuyện, là vấn đề không hề nhỏ đã và đang diễn ra không chỉ ở Nghệ An mà ở rất nhiều các địa phương của Việt Nam.

PV: Nghề biên kịch điện ảnh, truyền hình dường như đang khá “hot” đối với các bạn trẻ. Là người làm lâu năm trong nghề, anh nhìn nhận tài năng của thế hệ sau mình như thế nào, hoặc một lời khuyên gì đối với họ?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thế hệ chúng tôi được học ít, vớ được cuốn sách nào là đọc ngấu nghiến, kiến thức chủ yếu dựa vào trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, những chuyến đi… Còn các bạn trẻ ngày nay khá tài năng, họ được trang bị học vấn đầy đủ, rồi ngoại ngữ, công nghệ hòa nhập với thế giới, đọc nhiều và cập nhật tin tức bên ngoài. Họ có rất nhiều kênh để tiếp thu, nhưng chính vì thế chất văn học đang dần ít đi, một số đang dễ dãi vận dụng công nghệ vào. Trong khi làm nghệ thuật, chất văn học, “chất” cuộc sống mới là điều quan trọng để tạo dựng một tác phẩm hay, mới nói nghệ thuật gắn với đời sống là như vậy. Thời gian vừa qua, thành công của những ê kíp biên kịch trẻ mang đến những tác phẩm tốt như: “Về nhà đi con”, “Người phán xử”… Phát huy trí tuệ tập thể là tốt, nhưng sẽ không có dấu ấn cá nhân, cá tính của người làm văn chương, nghệ thuật. Tôi thì thiên theo hướng mỗi người làm nghệ thuật luôn có bản sắc của mình. Chẳng hạn tôi từng nghe khán giả nhận xét, nghe vài ba câu thoại biết là giọng của Phạm Ngọc Tiến rồi! Tôi không dám đưa ra lời khuyên mà chỉ mong các tác giả, nhà biên kịch trẻ hãy luôn trau dồi kinh nghiệm sống, hãy sống cùng, trải nghiệm cùng nhân vật, câu chuyện của mình. Có kinh nghiệm thì trước mỗi vấn đề mình có cái nhìn đa diện hơn để làm cho nó hay hơn, nghệ thuật hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)