Thật khó để tìm được nhà họa sĩ Đỗ Năm, bởi căn nhà của ông nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo thuộc đường Trần Vĩnh Khiết, phường An Bình, quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Khách đến nhà, ông có vẻ ái ngại đôi chút bởi giá vẽ, tranh ảnh chật ních căn phòng chưa đầy chục mét vuông. Những chiếc cọ nhuốm màu xưa cũ, những khung hình, bức vẽ in dấu thời gian và cả những chiếc ghế, chiếc bàn đầy dấu vết tháng năm, kèm theo mái tóc sương gió…
Gần 40 năm qua, ông không nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu tác phẩm, nhưng có điều lạ là đề tài gần như chỉ xoay quanh Bác Hồ và lịch sử cách mạng. Thấy tôi có vẻ tò mò, họa sĩ Đỗ Năm cho biết, ông thuộc thế hệ họa sĩ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Từ thời sinh viên, ông đã xông pha đi vẽ ở Đường 9-Nam Lào, sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị… Ông tâm sự: “Hiện nay có rất nhiều họa sĩ tài năng nhưng không có bao nhiêu người biết về chiến tranh. Tôi là người đã đi qua hai cuộc kháng chiến nên tôi muốn ghi lại ít nhiều cho thế hệ sau”.
    |
 |
Bức tranh Bác Hồ vui cùng các cháu thiếu nhi được họa sĩ Đỗ Năm làm bằng dây điện |
Trong “không gian tranh” của mình, họa sĩ Đỗ Năm trưng bày nhiều bức tranh về Bác Hồ. Nhìn những bức tranh treo khắp gian phòng, tôi hỏi: “Ông được gặp Bác Hồ mấy lần rồi ạ?”. Ông cười bảo: “Hồi nhỏ làm gì được gặp Bác, chỉ xem qua ảnh, đọc tài liệu rồi tưởng tượng ra vẽ thôi. Nhưng vẽ rất chuẩn đấy nhé”. Để vẽ được tranh về cuộc đời cách mạng của Bác, ông nói mình đã phải đọc nhiều tài liệu, bài báo và chiêm nghiệm con người Bác rồi từ đó phóng tác thành tranh. Hình ảnh Bác Hồ như thấm nhuần vào con tim và khối óc của ông. Bây giờ, người họa sĩ tuổi 80 không cần nhìn hình mẫu mà vẫn vẽ Bác rất giống. Mỗi bức tranh về Bác, họa sĩ Đỗ Năm nâng niu đến từng chi tiết, từng nét vẽ. Như bức tranh “Bác Hồ vui cùng các cháu thiếu nhi” được làm từ dây điện, toát lên vẻ nhân từ, gần gũi của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc; hay với bức ảnh vẽ lại khoảnh khắc đời thường của Bác, sự giản dị, chân chất là điều người xem cảm nhận được.
Với ông, vẽ tranh về Bác Hồ nhiều hay ít dường như không quan trọng bằng tấm lòng của người họa sĩ gửi vào tác phẩm. Họa sĩ Đỗ Năm bộc bạch: “Những năm đầu khi học xong trung cấp mỹ thuật, tôi nhận công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thuộc Ty Văn hóa-Thông tin tỉnh Nghệ An. Ở đây, tôi có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức trong sáng của Bác… Vì thế, tôi chọn đề tài, chủ đề về Bác để làm tranh nhằm tỏ lòng kính yêu và động viên mọi người học tập theo Bác từ những điều giản dị nhất”.
Điều độc đáo và thú vị trong tranh của họa sĩ Đỗ Năm còn ở chất liệu. Ngoài những chất liệu mỹ thuật truyền thống, ông chọn những sản phẩm, vật dụng gần gũi trong đời sống để tạo nên những bức tranh, nổi tiếng nhất là dây điện, vỏ trái cây, gạo, vỏ trứng… Đó là những chất liệu khó tạo hình, để giữ độ bền lại càng khó hơn. Tham quan phòng tranh của ông, tôi như lạc vào một không gian nghệ thuật độc đáo được kết tinh từ niềm đam mê, sự sáng tạo và trên hết là sự trân trọng lịch sử, lòng tôn kính đối với Bác Hồ. Ông quan niệm, khi cái nghiệp đã ngấm vào máu thì dù sung sướng hay khổ đau vẫn giữ trọn đam mê đến cuối đời. Người họa sĩ tài hoa khẳng định: “Tranh của tôi không phải để mang đi bán, bởi sự vĩ đại trong con người Bác và giá trị lịch sử dân tộc là vô giá, không thể quy đổi ra vật chất”.
Bài và ảnh: THÚY AN