Người chiến sĩ bước vào cuộc kháng chiến vĩ đại trở thành biểu tượng của sự bền gan vững chí, sẵn sàng hy sinh, quyết giành cho được độc lập, tự do của dân tộc. Nhà thơ Thanh Thảo khái quát: “Cuộc đời trải ngút mắt ta/ Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường” (Dấu chân qua trảng cỏ) giúp ta hình dung tiếng gọi non sông thu hút chí làm trai mạnh mẽ đến thế nào. Họ trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời lấp lánh tình yêu Tổ quốc, quê hương, đất nước. Dù là hình ảnh họ chống chọi với sốt rét rừng đến vàng da, rụng tóc và trắng mắt hay những chuỗi ngày hành quân liên miên vượt suối băng đèo, ăn đói, mặc rách, nhưng vẫn đầy chất thơ, lãng tử: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Rét run người vầng trán ướt mồ hôi... / Miệng cười buốt giá/ Chân không giày” (Đồng chí-Chính Hữu). Rồi “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm” (Tây Tiến-Quang Dũng).

leftcenterrightdel

Minh họa những ngôi sao không bao giờ tắt: PHẠM HÀ 

Họ nhanh chóng trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hy vọng, thành tâm điểm nổi bật nhất trong thơ ca. Thế nên không lạ khi ở những năm tháng đó, việc khám phá vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ là sự trăn trở, thôi thúc với nhiều người cầm bút. Mỗi nhà thơ, bằng cách riêng của mình đều thi đua thể hiện vẻ đẹp của người chiến sĩ.“Anh đi xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc thuyền con/ Mà sông nước dậy, sóng cồn đại dương” (Tiếng hát xuân sang-Tố Hữu).

Khi nhắc đến hình tượng anh bộ đội trong thi ca, không thể không nhắc đến thi phẩm “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân. “Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng/ Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn/... Ôi anh Giải phóng quân!/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân!”.

Cạnh hình ảnh người chiến sĩ, các nhà thơ còn tập trung đặc tả những thanh niên xung phong, bảo đảm đường cơ động trên chiến trường, trên đỉnh Trường Sơn. Nhà thơ Chính Hữu viết về họ trong tác phẩm “Ngọn đèn đứng gác”: Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt. Đó là hình ảnh của người con gái trong câu chuyện trên đường hành quân: “Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ ....../Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy làn bom...” (Khoảng trời-hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó còn là hình ảnh cô thanh niên xung phong trên những mặt đường đầy bom nổ chậm: “Em đóng cọc rào quanh hố bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để” (Gửi em cô thanh niên xung phong-Phạm Tiến Duật).

Thơ ca theo người chiến sĩ ra trận. Nó như một thứ vũ khí không hình thù chảy trong huyết quản và tạo sức mạnh tinh thần vô song; động viên, khích lệ họ vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh, chiến thắng kẻ thù. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có nhận xét xác đáng: "Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến trong một quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ... Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu." (Nói chuyện thơ kháng chiến).

Ngày nay, với tinh thần ấy, nhiều nhà thơ đã khắc họa chân dung, đặc tả nhiệm vụ của bộ đội thời bình bằng phong cách riêng, độc đáo và đậm chất nghệ thuật.

Thời bình, nhiệm vụ hàng đầu của người chiến sĩ ở bất cứ nơi đâu vẫn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cạnh đó là nhiệm vụ phòng, chống bão lũ, thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với nhiều hiểm nguy. Những bài học với binh khí kỹ thuật vẫn diễn ra trên thao trường nắng lửa hay trong đêm đông lạnh giá gió bấc thét gào, cuốn phăng người chiến sĩ vượt qua những toan tính thiệt hơn của cơm, áo, gạo, tiền: "Vừng đông rải nắng vàng/ Cao điểm dần sương tan/ Thao trường bừng khí thế/ Người và súng sẵn sàng.../ Nhà trường là lý thuyết/ Thao trường nơi thực hành/ Phải trải qua thực tiễn/ Để hoàn thiện, trưởng thành” (Thao trường mùa diễn tập-Trần Thái Học).

Trong đời sống tập thể, người chiến sĩ vẫn hồn nhiên yêu đời: “Những tiếng "có" sống với nhau ồn ào chợ vỡ/ Chỉ tép với tôm đã cãi vã mấy năm trời/ Rồi những cuộc hành quân sém mặt/ Chúng tôi đi giữa hai đầu kéo đẩy/ Không thể dừng chân nhặt viên sỏi trong giày” (Người lính-Hà Đình Cẩn). Hay như “Những người lính đi qua thành phố” của Nguyễn Trọng Tạo: “Mắt long lanh đứng ngắm dãy nhà cao/ Ba lô sau lưng như cùng ngước nhìn theo/ Ngỡ thành phố nghiêng mình giây phút ấy....”.

Giữ biển, giữ đảo là trách nhiệm lớn lao cả dân tộc đặt trên vai anh bộ đội. Tác giả Nguyễn Việt Chiến từng viết “Tổ quốc bên bờ biển cả” với những vần thơ đầy cảm xúc, khiến người đọc nhưng nhức tâm khảm: “Anh ra biển, mang tình em lên đảo/ Ngày chia tay chỉ có sóng theo cùng/ Sóng thương nhớ quặn lòng trong giông bão/ Em trở về với đất mẹ thủy chung... Đêm tuần đảo, chỉ còn anh với sóng/ Sóng hỏi anh, người ấy ở phương nào/ Trăng sẽ mọc nối hai đầu xa cách/ Thủy triều em đang ngập bến trăng sao”.

Những lần đi công tác tại các đồn biên phòng, trong các chương trình văn nghệ, tôi vẫn gặp những người chiến sĩ quân hàm xanh ngâm thơ. Tôi nhớ một chiến sĩ từng đọc những vần thơ do Phong Lan sáng tác khi Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đấu tranh, bắt giữ đối tượng tàng trữ 12.000 viên ma túy tổng hợp tại biên giới khu vực Hướng Phùng (Quảng Trị): “Hoan hô người lính đặc nhiệm!/ Ăn lương khô, uống nước rừng/ Ngủ bụi cây, theo dấu vết/ Quyết không để án lọt tay”. Chỉ giản dị vậy thôi, nhưng càng ngẫm càng thấy ấm áp và tràn đầy nhựa sống.

Gần đây, trong một lần vào thăm phòng nghỉ của chiến sĩ ở một tổ công tác giáp biên giới, tôi nhận thấy, trên giá ba lô để cuốn sổ ngay ngắn. Mở sổ, tôi bắt gặp những vần thơ xúc động. Đó có thể là những vần thơ do chính họ làm, nhưng cũng có thể là do họ chép lại, nhưng không ghi tên tác giả: “Lòng vững vàng cây súng chắc trong tay/ Dưới trời nắng hay mưa bay ướt đẫm/ Những đêm gác dưới trời khuya rét đậm/ Sương muối rơi lấm tấm lúc đông về... Lính biên phòng gắn bó ở sơn khê/ Tình yêu nước tràn trề trong tim đỏ/ Giữ cuộc sống bình yên từng con ngõ/ Con chữ theo dạy em nhỏ thuộc bài...”. Đọc những vần thơ đáng giá ấy, tôi tin chẳng có bài học nào về tinh thần trách nhiệm có thể ngắn gọn và hay hơn.

Trong thời kỳ mới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực đóng góp vào hòa bình thế giới, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Từ cảm hứng ấy, năm 2019, Trương Túy Anh đã viết bài thơ “Lính mũ nồi xanh Việt Nam”, trong đó có những ca từ giàu ý nghĩa: “Đêm ngày chăm sóc, cứu chữa thương binh/ Biến sa mạc thành hoa rau xanh mướt/ Có những bông hồng dịu dàng tha thướt/ Để lại quê hương con nhỏ mẹ già/ Coi Nam Sudan như thể quê nhà/ Tỏa hương thơm trên cát khô nóng bỏng”.

Thơ là một trong những loại hình nghệ thuật được bộ đội yêu thích bởi giàu ngôn ngữ, vần điệu và có tính khái quát cao, dễ nhớ, dễ thuộc và nói hộ tâm trạng, suy nghĩ của người chiến sĩ. Nó không chỉ giúp các anh trau dồi và làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn cổ vũ, động viên, tạo động lực để rèn luyện, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Đó cũng chính là mạch nguồn nuôi dưỡng cho những ngôi sao không bao giờ tắt!

THẢO HUYỀN