Từ trung tâm huyện Nghi Xuân đi xuôi về hướng nam theo Quốc lộ 547 hơn chục cây số, nếu để mắt tới những chiếc nón trên đầu của người phụ nữ, bạn sẽ thấy những chiếc nón đẹp, mềm mại nhưng cũng rất chắc chắn mà không vùng nào có thể sánh được; hay bắt gặp những người phụ nữ ngồi may nón... Đó là làng nón Cương Gián.
Làng nón Cương Gián có từ bao giờ? Hiện chưa có tài liệu nào có thể minh chứng chính xác, nhưng theo người dân địa phương thì ít nhất đã xuất hiện từ gần 300 năm trước. Lấy móc từ năm 1750, một bộ phận bà con người làng nón Cương Gián đã xuôi thuyền về phương Nam tìm kế sinh nhai. Họ đã chọn một vùng đất cận sơn, cận thủy rồi lập nên làng Lý Hòa (nay là xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) và mang theo nghề làm nón, đến nay, làng Lý Hòa vẫn còn một số hộ theo nghề.
    |
 |
Người Cương Gián may nón rất khéo tay. |
Nón Động Gián từ xa xưa đã nổi tiếng với nón cưới để cô dâu đội về nhà chồng. Để làm được một chiếc nón cưới, trước hết phải chọn nguyên liệu bảo đảm chất lượng. Ngay từ khâu nguyên liệu, người thợ nón phải trực tiếp chọn những chiếc lá non, vừa đủ ngày, vừa bảo đảm màu thật trắng, rồi tỉ mẩn bóc tách, lật hết nếp gấp nhưng không được làm rách lá. Lá nón sẽ đưa lên là ủi bằng than củi sao cho lá thật phẳng, căng, trắng sáng tinh khiết. Làm khung vành nón cũng là khâu quan trọng, phải là những người vót tre chuyên nghiệp để bảo đảm vừa tròn, vừa tạo ra một mặt phẳng để khi đắp lá lên không có một chút gợn, nhấp nhô cao thấp. Công đoạn may nón cũng quan trọng không kém. Những đường may phải đều nhịp, mười mũi như một. Chẳng may nếu để một vài mũi kim đâm nhầm chỗ, chiếc nón sẽ không đạt chuẩn làm nón cưới cho cô dâu. Chỉ may trên đỉnh nón phải bằng loại cước màu đỏ, chỉ may vành nón là cước màu trắng và cuối cùng là nẹp nón được may bằng cước màu đỏ hoặc vàng. Bên trong vành nón là hình đôi chim bồ câu, hình trái tim may chìm vào giữa 3 đến 4 lớp lá, sao cho khi cô dâu lấy nón che thì hình đôi chim, hình trái tim hiện lên dưới nắng. Nón may xong được quét véc-ni cả hai mặt, làm cho chiếc nón cứng hơn, bóng hơn và thơm hơn... Quai nón cũng được chọn rất cầu kỳ với các chất liệu là vải nhung gấm màu hồng hoặc màu đỏ sẫm.
Nón Cương Gián không mỏng, không thêu len nhiều sắc màu, muôn hình như nón Huế. Nón Cương Gián thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ trong mỗi đường may, sự chắc chắn trước nắng mưa, vừa bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, lao động, vừa đủ sự mềm mại, duyên dáng bên những tà áo dài thướt tha. Đặc biệt, trong mỗi chiếc nón cưới còn hiện hữu sự tinh khôi, trong sáng, đầy nữ tính, để mỗi cô dâu tự tin đội nón về nhà chồng như câu thơ:
Ai đi nối nhịp bắc cầu
Nón làng Động Gián đội đầu
nên duyên.
NGUYỄN VĂN HẠNH