Với những người hoạt động đơn tuyến trong lòng địch, phải sống trong cảnh “chim lồng, cá chậu”, dù chỉ liên hệ với tổ chức qua những tin tức truyền khẩu hết sức nhanh chóng hoặc những dòng mệnh lệnh ngắn ngủi, dù tính mạng lúc nào cũng mong manh như "cá nằm trên thớt", nhưng họ luôn sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Giá trị cao đẹp mà họ để lại góp phần đưa văn hóa Bộ đội Cụ Hồ lên đỉnh cao, độc đáo, đặc sắc. Họ là những chiến sĩ hội tụ “4 đặc biệt” (niềm tin, lý tưởng đặc biệt; thông minh đặc biệt; ý chí, sức chịu đựng đặc biệt và tinh thần khiêm tốn đặc biệt).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội đã xây dựng được nhiều lưới điệp báo hoạt động ngay trong cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Mỹ, ngụy. Do yêu cầu nhiệm vụ, họ hoạt động dưới những vỏ bọc khác nhau. Có người là chính khách, nhà chính trị nằm trong sào huyệt của địch như Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ; Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo. Họ có thể là doanh nhân như Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai (bí danh Năm USOM) hoặc là nhà báo như Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn. Họ hòa nhập vào xã hội trong vai trí thức, người buôn bán nhỏ, đạp xích lô và nhiều thành phần khác của xã hội miền Nam để hoạt động. Có thể họ chỉ là một mắt xích, một giao liên trong tổ chức, nhưng cực kỳ quan trọng, bởi nếu bị lộ và khai ra thì tổn thất vô cùng nặng nề, cả lưới tình báo sẽ bị bắt, tù đày, tra tấn, bị mua chuộc và thủ tiêu.

Trong những hồ sơ mở, xã hội đã biết đến chiến sĩ tình báo “người thép” Nguyễn Văn Thương. Ông là một trong những điển hình hội tụ phẩm giá “4 đặc biệt” nói trên. Sau khi bị bắt, dù địch dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến đủ loại cực hình tra tấn, ông vẫn không khai ra đồng đội trong đường dây giao liên. Chúng lần lượt vặn gãy cả 10 ngón chân, đập nát hai bàn chân, cưa từng đoạn chân của ông. 15 ngày cưa một lần. 100 ngày cưa 6 lần, 6 đoạn, hết “đôi chân giao liên”, nhưng “người thép” Nguyễn Văn Thương vẫn không hề hé răng nửa lời khiến bọn CIA phải thú nhận đã thua trong cuộc chiến mà tưởng chừng lợi thế thuộc về chúng.

Tôi từng tiếp cận một tài liệu về Đại tá tình báo Nguyễn Văn Minh, điệp viên mang bí số H3, và khâm phục sức chịu đựng, sự thông minh, khôn khéo của ông. Ông đã kiên nhẫn hoạt động tại văn phòng Tổng tham mưu trưởng, Bộ Tổng tham mưu ngụy suốt nhiều năm tháng với vỏ bọc thư ký đánh máy, hàm thượng sĩ nhất, cho dù chưa được tổ chức móc nối lại. Ông đã rèn cho mình cách làm việc hiệu quả để có được niềm tin của tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy. Ông biết cách sắp xếp tài liệu rất gọn gàng. Chỉ mất hai phút sau khi tướng Viên yêu cầu là ông đã tìm xong hồ sơ. Ông là thượng sĩ nhất duy nhất được vào phòng Tổng tham mưu trưởng ngụy mà không cần xin phép trước.

leftcenterrightdel

Minh họa: PHÙNG MINH 

Để tồn tại và tiện cho hoạt động, H3 đã tạo vỏ bọc là một người nghiện số đề nặng, lúc nào cũng kè kè cuốn sổ bên người để tính toán. Ông thường để đèn phòng làm việc sáng cả ngày lẫn đêm nên có thời gian địch bắt tiết kiệm điện, đến giờ là tắt hết, nhưng riêng phòng ông thì luôn sáng đèn mà chẳng ai ý kiến, nhòm ngó, nghi ngờ. Với lợi thế ấy, ông đã ghi chép, chuyển cho giao liên trong lưới đưa tới chỉ huy những tin tức đặc biệt quan trọng tới từng chi tiết nhỏ nhất. Mỗi tuần, H3 thức 3 đêm rưỡi để chép tài liệu chữ nhỏ li ti vào tập giấy pơ-luya dày bằng bao thuốc lá. Ông chép lại những kế hoạch quân sự, có khi phải chép nguyên quyển sách dày 300-400 trang không sai con số nào. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, H3 đã chuyển ra ngoài 90 bản tài liệu. Nhờ đó mà từ tháng 6-1974, ta đã nhận được sách lược quốc gia năm 1975 của ngụy và kế hoạch 1974-1975. Những tài liệu do H3 chuyển về còn giúp ta nắm rõ tình hình Bộ Tổng tham mưu ngụy, kế hoạch bộ binh hóa sư dù, chỉ thị của Bộ tư lệnh không quân, phúc trình của hải quân về đường lối hoạt động năm 1975; biết được mức độ yểm trợ của Mỹ khi tham chiến thì như thế nào; đánh giá mức độ giảm quân đội khi viện trợ giảm... Đặc biệt, ông đã giữ nguyên vẹn hồ sơ trong văn phòng Bộ Tổng tham mưu ngụy và bàn giao lại cho chính quyền cách mạng vào chiều 30-4-1975.

Phẩm chất “4 đặc biệt” của những chiến sĩ tình báo không chỉ thể hiện khi đối mặt với quân thù mà còn phát huy sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Đó là trường hợp của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hữu Thúy.

Tháng 8-2023, tôi có dịp trực tiếp trò chuyện với chị Lê Thị Thanh Hương, con gái của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hữu Thúy, nguyên cán bộ của Tổng cục II tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), theo lệnh của trên, Lê Hữu Thúy theo dòng người di cư vào Nam, ban đầu hoạt động dưới vỏ bọc biên tập viên của tờ “Nhật báo ánh sáng”, “Thám tử kỳ hiệp”. Sau này, ông là thành viên trong lưới điệp báo A22 do nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ chỉ huy. Ông đã chui sâu rồi phát triển đến chức Tham chánh văn phòng Bộ Thông tin chiêu hồi chính quyền ngụy. Ông bị địch bắt, bị kết án lần cuối năm 1969 sau phiên tòa cưỡng ép vì thiếu chứng cứ.

Khi đã rõ công việc của tôi, chị Hương bảo, nhiều người đã biết tới nhà tình báo, nhà báo, nhà văn Lê Hữu Thúy với những chiến công lẫy lừng và là tác giả tiểu thuyết “Điệp viên giữa sa mạc lửa” với bút danh Nhị Hồ, từng được trao giải tác phẩm văn học xuất sắc những năm sau giải phóng, nhưng không biết ông từng chịu oan khuất trong thời gian rất dài.

Rồi chị kể cho tôi hai đoạn trường trong cuộc đời ba chị-điệp viên từng lấy được danh sách tù chính trị, tù binh của ta bị giam ở Côn Đảo trong khi đang thụ án tù cùng đồng chí trong lưới điệp báo A22 để cung cấp cho Chính phủ ta đấu tranh với Mỹ, ngụy trên bàn đàm phán Paris năm 1972.

Chuyện thứ nhất, những ngày ông hoạt động ở Sài Gòn thì ở quê hương Thanh Hóa, gia đình ông bị mang danh có con phản bội, bị cô lập và sống trong cảnh đói khổ, bị khinh bỉ, khổ ải vô cùng. Sau giải phóng, khi làm hồ sơ kết nạp Đảng, chị Hương bị bí thư chi bộ ở quê từ chối xác nhận vì vẫn cho rằng ba chị theo địch. Chuyện thứ hai, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ba chị phải làm giải trình mất mấy năm. Hằng ngày, ông ở trên căn gác nhỏ và thu âm đi thu âm lại toàn bộ quá trình hoạt động của mình để báo cáo cấp trên. Chính trong thời gian này, ông đã viết tiểu thuyết “Điệp viên giữa sa mạc lửa”. Sau nhiều năm chờ đợi tổ chức xác minh công-tội và lòng trung thành, ông được phục hồi đảng tịch, Bộ Quốc phòng trả sổ hưu và mời trở lại phục vụ trong ngành tình báo. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1996.

Chị bảo, khi ba chị còn sống, chị từng hỏi ba rằng sức mạnh nào giúp ông vượt qua những khó khăn đó, ba chị từ tốn nói: "Đó là lý tưởng và niềm tin con ạ. Ba yêu đất nước này và đã chứng kiến nghèo đói, chứng kiến sự tàn khốc do chiến tranh gây ra nên ba tin tưởng ở Cụ Hồ và Chính phủ cách mạng. Với lại, dù vậy nhưng ba còn sống. Những khổ đau của ba là quá nhỏ bé so với nỗi đau của cả dân tộc, nỗi đau của hàng vạn gia đình có người thân hy sinh vì độc lập, tự do".

Trên đây chỉ là số ít trong hồ sơ mở mà tôi đã nghiên cứu và lưu trữ về cuộc đời hoạt động của các nhà tình báo để minh chứng cho giá trị “4 đặc biệt” mà tôi đã tóm lược, khái quát ở trên.

Chúng ta trân trọng hòa bình, trân trọng và biết ơn thế hệ đi trước đã đổ máu, hy sinh vì độc lập, tự do trên chiến trường, đồng thời cũng trân trọng cả những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngành tình báo. Họ đã chiến đấu bằng ý chí, niềm tin, sự thông minh, lòng quả cảm. Họ chấp nhận hy sinh tình cảm riêng tư để cả dân tộc giành chiến thắng. Được tiếp xúc, phỏng vấn nhiều cán bộ tình báo hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, cứu nước, tôi thấy ở họ có điểm chung là sự khiêm tốn, khiêm nhường trước chiến công. Thời bình, họ vui với niềm vui của cả dân tộc, sống giản dị như những người Việt thuần khiết. Chính sự giản dị ấy của họ đã góp phần làm cho giá trị, phẩm giá và văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trở thành đặc sắc và mãi mãi ghi đậm trong sách sử dựng nước, giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc anh hùng.

MẠNH THẮNG