“Chuyện tình hàn sĩ-đào nương” là câu chuyện tình éo le trắc trở giữa cậu học trò nghèo Vũ Lương và cô đào hát Thu Hương. Một người gia cảnh nghèo khó nhưng thông minh, có chí, một người hát hay múa đẹp, tài sắc vẹn toàn. Đôi “trai tài gái sắc” gặp nhau trong hội làng như một định mệnh. Từ đó, họ trở thành tri âm, tri kỷ của nhau. Thu Hương lén gửi tiền giúp Vũ Lương ăn học. Họ mong ngóng đến ngày Vũ Lương đỗ đạt thành tài để được xây đắp hạnh phúc cùng nhau. Nhưng đến khi Vũ Lương đỗ đạt lại chính là lúc tình yêu giữa hai người gặp sóng gió... Bộ luật Hồng Đức thời đó có đoạn: “Con trai nhà xướng ca không được dự thi, con gái không được lấy nhà quyền quý. Quan chức lấy con gái nhà xướng ca làm vợ, làm thiếp bị phạt đánh 70 trượng rồi bị biếm chức...”. Đó là lý do chính khiến tình yêu giữa quan nghè Vũ Lương (một vị quan có thật trong lịch sử ở xứ Đông ngày ấy) và cô đào hát Thu Hương mãi mãi trở thành một mối tình “không bến”...
    |
 |
Cảnh trong vở "Chuyện tình Hàn Sỹ-đào nương’’ |
“Chuyện tình hàn sĩ-đào nương” là vở chèo mang đậm chất trữ tình, ngôn ngữ giàu hình ảnh được thể hiện trong mỗi câu hát, lời vỉa. Như những vở chèo cổ, “Chuyện tình hàn sĩ-đào nương” cũng có kết cấu theo mảnh trò. Mỗi một mảnh trò mang một sứ mệnh riêng là truyền tải phần nào thông điệp của vở diễn. Ngoài việc ca ngợi tài năng, đức độ và sự thanh liêm, chính trực của quan nghè Vũ Lương; ca ngợi người nghệ sĩ-những người tạo ra cái đẹp cho cuộc đời thì vở diễn còn là bài ca về tình yêu thủy chung son sắt giữa chàng hàn sĩ và cô đào nương.
Qua hai nhân vật chính, người xem nhận thấy rõ điều tác giả muốn gửi gắm: Một vị quan muốn giữ được thanh liêm, chính trực thì hãy: “Tu tại gia-tu ở công đường”. Còn người nghệ sĩ: “Theo nghề Tổ cũng là theo nghĩa lớn. Tu giữa chiếu chèo... cho sáng đức thiện nhân”. Từ đó thể hiện triết lý: Chỉ cái đẹp trong con người, cái đẹp trong nghệ thuật là còn mãi với thời gian. Nó như một dòng chảy của văn hóa trường tồn.
Ở vở diễn này, đạo diễn Lê Tuấn Cường đã biết đan xen những trò diễn mang sắc thái cảm xúc khác nhau để tạo sức hấp dẫn cho người xem. Bên cạnh những lớp diễn mang kịch tính là những lớp diễn nhẹ nhàng, hài hước; những lớp diễn mang tính triết lý nhân sinh đi cùng những lớp diễn trữ tình, thơ mộng... Đặc biệt, điểm nhấn của vở chèo là hai lớp diễn thể hiện giấc mộng, thể hiện khát vọng được đến bên nhau của Vũ Lương và Thu Hương. Sau khi đỗ đạt làm quan, Vũ Lương cho người đi dò tìm tin tức của Thu Hương khắp nơi mà không thấy. Tình yêu và nỗi khắc khoải chờ mong đã khiến chàng mơ về nàng-một giấc mơ đẹp, khi đôi uyên ương sum họp một nhà. Lúc này, lớp diễn đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành phần vở diễn như: Âm nhạc, ánh sáng, tạo hình múa… Tất cả làm cho lớp diễn “Tưởng vọng xuân tình” đẹp lung linh. Khán giả như lạc vào cõi mộng, lạc vào tình yêu, nỗi khát khao đến cháy bỏng của hai tâm hồn đang yêu.
Sự thành công của vở diễn còn đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả ê-kíp sáng tạo. Điều này đã tạo nên một bản diễn gọn gàng, chặt chẽ, mạch lạc và logic. Dàn diễn viên trẻ đẹp của Nhà hát Chèo Hải Dương như: Quang Phúc (vai Vũ Lương); Thái Quỳnh (vai Thu Hương); NSƯT Mạnh Thắng (vai cụ Cử), Chí Linh (vai cụ bà)... đều diễn xuất nhập tâm, thể hiện đúng phong thái và tính cách nhân vật, góp phần quan trọng vào thành công chung của vở diễn.
Bài và ảnh: BÙI PHƯƠNG ANH - VIỆT HÒA